Kinh tế Chính trị

Xuất khẩu thực phẩm chế biến từ gạo của Hàn Quốc đạt mức cao nhất lịch sử vượt mốc 200 triệu USD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:27 29-01-2024
Việc các sản phẩm ăn liền của Hàn Quốc như cơm ăn liền, gimbap (cơm cuộn) đông lạnh và tteokbokki  (bánh gạo nếp xào cay) đang trở nên phổ biến trên toàn thế giới đã giúp xuất khẩu thực phẩm chế biến từ gạo của Hàn Quốc trong năm ngoái đạt mức cao nhất mọi thời đại.
 
Du khách đang nếm thử gimbap đông lạnh tại ‘Tuần lễ thực phẩm COEX 2023’ được tổ chức tại COEX ở Gangnam-gu Seoul vào ngày 22112023 ẢnhYonhap News
Du khách đang nếm thử gimbap đông lạnh tại ‘Tuần lễ thực phẩm COEX 2023’ được tổ chức tại COEX ở Gangnam-gu, Seoul vào ngày 22/11/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo Bộ Nông nghiệp Thực phẩm và Nông thôn và Tổng công ty Thương mại Nông thủy sản & Thực phẩm Hàn Quốc (aT) vào ngày 29, xuất khẩu thực phẩm chế biến từ gạo của Hàn Quốc năm 2023 đã ghi nhận 217,239 triệu USD (khoảng 290 tỷ won), lần đầu tiên vượt mốc 200 triệu USD.

Đây là mức tăng 19,5% so với năm 2022 (181,821 triệu USD).

Xuất khẩu thực phẩm chế biến từ gạo hàng năm đã liên tục duy trì đà tăng kể từ năm 2015.

Nó cho thấy mức tăng từ 54,342 triệu USD vào năm 2015 lên 66,529 triệu USD vào năm 2016; 72,028 triệu USD vào năm 2017; 89,408 triệu USD vào năm 2018 và sau đó lên 108,58 triệu USD vào năm 2019. Năm 2019 cũng là năm kim ngạch xuất khẩu của các mặt hàng thực phẩm chế biến từ gạo lần đầu tiên vượt qua cột mốc 100 triệu USD.

Năm 2020, con số tiếp tục tăng, ghi nhận 138,049 triệu USD; năm 2021 là 164,01 triệu USD; 2022 là 181,821 triệu USD và vượt mốc 200 triệu USD vào năm ngoái, chỉ 2 năm sau khi vượt mốc 100 triệu USD.

Nhìn vào kim ngạch xuất khẩu trong năm 2023 xét theo quốc gia xuất khẩu, có thể thấy Mỹ chiếm hơn một nửa tổng số ở mức 114,801 triệu USD (52,8%).

Tiếp theo là Việt Nam (14,99 triệu USD), Liên minh châu Âu bao gồm Anh (14,893 triệu USD), Nhật Bản (12,583 triệu USD) và Úc (7,135 triệu USD).

Sự quan tâm ngày càng tăng đối với thực phẩm tiện lợi và tốt cho sức khỏe được coi là yếu tố chính làm tăng nhu cầu về các sản phẩm thực phẩm chế biến từ gạo của Hàn Quốc ở nước ngoài.

Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết: "Có nhiều yếu tố khác nhau góp phần vào sự phổ biến của thực phẩm chế biến từ gạo của Hàn Quốc. Một trong số đó là sự gia tăng số lượng các sản phẩm chất lượng cao có thể chế biến dễ dàng và đơn giản bằng cách quay lại trong lò vi sóng. Thêm vào đó, thực phẩm Hàn Quốc được công nhận là 'thực phẩm tốt cho sức khỏe' cũng có tác động tích cực (vào thành tích xuất khẩu)".

Cũng có ý kiến ​​cho rằng sự phổ biến của nội dung Hàn Quốc (K-content) ở các quốc gia cũng đóng một vai trò nhất định trong việc giúp gia tăng số lượng người tiêu dùng tìm kiếm đồ ăn Hàn Quốc.

Moon Jeong-hoon, giáo sư Khoa Kinh tế Nông nghiệp và Xã hội học tại Đại học Quốc gia Seoul, cho biết: "Thông qua phim truyền hình Hàn Quốc và K-pop, người dân nước ngoài ngày càng quan tâm đến văn hóa ẩm thực Hàn Quốc. Lúc đầu, người ta biết đến đồ ăn Hàn Quốc vì tò mò nhưng giờ họ đã quen và tần suất tiêu thụ dường như ngày càng tăng".

Chính phủ và các chuyên gia Hàn Quốc tin rằng nhu cầu thực phẩm chế biến từ gạo sẽ tiếp tục tăng trên toàn thế giới.

Giáo sư Lee dự đoán: "Khi doanh số bán thực phẩm chế biến từ gạo ở các nước tăng lên thì xuất khẩu cũng sẽ tăng lên".

Để hỗ trợ sự phát triển của ngành chế biến gạo, chính phủ Hàn Quốc đã thành lập "Kế hoạch cơ bản thứ 3 về phát triển ngành thực phẩm chế biến từ gạo và thúc đẩy sử dụng gạo (2024~2028)" và có kế hoạch mở rộng thị trường công nghiệp chế biến gạo của Hàn Quốc lên 17.000 tỷ won vào năm 2028 với mục tiêu là tăng trưởng và mở rộng xuất khẩu trong lĩnh vực này lên 400 triệu USD (khoảng 540 tỷ won).

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기