Đời sống Xã hội

Mức độ hài lòng về cuộc sống của người Hàn Quốc vẫn đứng ở top cuối OECD…Xếp thứ 35/38 quốc gia

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:41 22-02-2024
Mặc dù mức độ hài lòng về cuộc sống của người Hàn Quốc đã có sự cải thiện hơn so với đợt dịch Covid-19 nhưng thứ hạng của Hàn Quốc vẫn nằm ở top cuối trong số các quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), xếp ở vị trí thứ 35.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
Theo 'Báo cáo chất lượng cuộc sống quốc gia năm 2023' do Cơ quan Thống kê Hàn Quốc công bố ngày 22, mức độ hài lòng về cuộc sống của người Hàn Quốc trong năm 2022 là 6,5 điểm, tăng 0,2 điểm so với năm trước đó. Sự hài lòng về cuộc sống là một chỉ số cho thấy mức độ hài lòng chủ quan với các điều kiện sống khách quan và được đo lường trên thang điểm từ 0 đến 10.

Mức độ hài lòng về cuộc sống của người dân Hàn Quốc đã tăng lên 6,1 vào năm 2018 tuy nhiên lại giảm xuống còn 6,0 vào năm 2020 khi đại dịch Covid-19 xuất hiện.

Báo cáo cho thấy sự hài lòng về cuộc sống khác nhau tùy theo mức thu nhập.

Mức độ hài lòng về cuộc sống của các hộ gia đình có thu nhập dưới 1 triệu won (khoảng 18,55 triệu VNĐ) là 6,0 điểm, thấp hơn 0,4 điểm so với các hộ gia đình có thu nhập từ 1~2 triệu won (6,4 điểm). Các hộ gia đình có thu nhập từ 6 triệu won (khoảng 111,3 triệu VNĐ) trở lên đạt 6,6 điểm, cao hơn các hộ gia đình từ 1~2 triệu won. Có thể dễ dàng nhận thấy thu nhập càng thấp, sự hài lòng về cuộc sống cũng càng giảm.

Đặc biệt, so với các quốc gia khác của OECD, mức độ hài lòng về cuộc sống ở Hàn Quốc gần như là thấp nhất.

Mức độ hài lòng về cuộc sống của Hàn Quốc trong năm 2020~2022 là 5,95 điểm, đứng thứ 35 trong số 38 quốc gia thành viên OECD. Các quốc gia thấp hơn Hàn Quốc là Thổ Nhĩ Kỳ (4,6 điểm), Colombia (5,6 điểm) và Hy Lạp (5,9 điểm). Mức trung bình của OECD là 6,69, cao hơn 0,74 điểm so với Hàn Quốc.
 
Báo cáo cũng cho thấy sự hài lòng trong cuộc sống có xu hướng giảm theo tuổi tác.

Tiến sĩ Kwon Da-eun của Trường Cao học Chính sách Công và Quản lý tại Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), đã chia các nhóm thành trẻ em và thanh thiếu niên (13~19 tuổi), thanh niên (20~34 tuổi), người trung niên (35~64 tuổi), người lớn tuổi (65 tuổi trở lên) và đo lường đời sống nội tâm (sự hài lòng chủ quan), môi trường sống (giáo dục, y tế, giải trí), đời sống xã hội (mối quan hệ giữa các cá nhân và gia đình) và đời sống vật chất (thu nhập, tiêu dùng, điều kiện làm việc) dựa trên Khảo sát xã hội của Thống kê Hàn Quốc.
 
Theo kết quả phân tích, sự hài lòng có xu hướng giảm ở tất cả các lĩnh vực theo thứ tự sau: trẻ em và thanh thiếu niên, thanh niên, người trung niên và người lớn tuổi. Chẳng hạn như, về sự hài lòng chủ quan, trong khi 56,6% trẻ em và thanh thiếu niên bày tỏ sự hài lòng thì chỉ có 29,9% người cao tuổi cảm thấy hài lòng.
 
Vấn đề nghèo đói ở người cao tuổi ở Hàn Quốc cũng được thể hiện rõ trên các chỉ số.

Tỷ lệ hộ nghèo tương đối của dân số từ 66 tuổi trở lên là 39,3% vào năm 2021. Đây là mức cao thứ hai trong số 37 quốc gia thành viên OECD, sau Estonia. Tỷ lệ nghèo tương đối là tỷ lệ phần trăm dân số giảm xuống dưới 50% thu nhập trung bình cân bằng.
 
Tỷ lệ hộ nghèo tương đối năm 2022 là 14,9%, tăng nhẹ so với năm 2021 (14,8%). Tính đến năm 2021, tỷ lệ nghèo tương đối của Hàn Quốc cao thứ 9 trong số các nước OECD.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기