Kinh tế Chính trị

Kim ngạch xuất khẩu thực phẩm quý I/2024 của Hàn Quốc vượt 2 tỷ USD…Gimbap·Tteokbokki tăng trưởng mạnh mẽ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:38 04-06-2024
Theo thống kê thương mại xuất nhập khẩu của Cục Hải quan Hàn Quốc vào ngày 4, xuất khẩu thực phẩm chế biến trong quý I/2024 đã lên tới 2,014 tỷ USD, tăng 6,0% so với cùng kỳ năm ngoái (1,92 tỷ USD).
 
ẢnhCJ CheilJedang
[Ảnh=CJ CheilJedang]
Xuất khẩu thực phẩm đã qua chế biến luôn duy trì đà tăng trưởng tích cực trong đó ghi nhận 1,327 tỷ USD vào quý I/2019 sau đó vượt 1,4 tỷ USD vào quý I/2020, tiếp tục tăng nhanh lên 1,679 tỷ USD vào quý I/2021, 1,857 tỷ USD quý I/2022 và lần đầu tiên vượt quá  2 tỷ USD vào quý I năm nay.

Tính đến quý I, mặt hàng thực phẩm chế biến có kim ngạch xuất khẩu tăng lớn so với cùng kỳ năm trước là sản phẩm gạo đã qua chế biến chẳng hạn như gimbap (61,3%), mì ăn liền (30,0%), rong biển (18,9%) và cá ngừ đóng hộp (15,8%).

Trong bối cảnh nhận thức và vị thế của thực phẩm Hàn Quốc (K-food) ngày càng được củng cố nhờ sự phổ biến của các nội dung Hàn Quốc, lý do không nhỏ giúp gimbap đông lạnh và các sản phẩm làm từ gạo trở nên nổi tiếng hơn là do người tiêu dùng truyền miệng thông qua các dịch vụ mạng xã hội (SNS). Ngoài ra, việc Liên minh châu Âu nới lỏng các hạn chế nhập khẩu đối với mì ăn liền Hàn Quốc vào năm ngoái cũng góp phần thúc đẩy xuất khẩu tăng.

Các chuyên gia dự đoán xuất khẩu K-food tiếp tục diễn ra suôn sẻ trong quý II.

Tính đến tháng 4/2024, kim ngạch xuất khẩu tích lũy nông sản là 3,118 tỷ USD, tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Thực phẩm tươi sống giảm 5,5% từ 515,2 triệu USD xuống 487 triệu USD, nhưng thực phẩm chế biến sẵn dẫn đầu mức tăng, tăng 8,6% từ 2,422 tỷ USD lên 2,631 tỷ USD.

Nhìn vào từng danh mục, mì ăn liền tiếp tục đà phát triển mạnh mẽ. Tính đến tháng 4 năm nay, xuất khẩu mì ăn liền đạt 378,9 triệu USD, tăng 34,4% so với cùng kỳ năm ngoái (281,8 triệu USD).

Joo Young-hoon, một nhà nghiên cứu tại NH Investment & Securities, cho biết: "Có vẻ như sở thích của người nước ngoài đối với mì ăn liền Hàn Quốc đang ngày càng tăng. Trong bối cảnh các sản phẩm (mì ăn liền) bắt đầu thâm nhập vào các cửa hàng phân phối địa phương ngoài châu Á, Mỹ và thậm chí cả châu Âu, khả năng tốc độ tăng trưởng sẽ chậm lại trong thời điểm hiện tại gần như không có". 

Ngoài mì ăn liền, xuất khẩu bánh kẹo Hàn Quốc cũng ghi nhận thành tích 227,4 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm ngoái và xuất khẩu đồ uống cũng tăng 15,9% lên 211,7 triệu USD. Ngoài ra, xuất khẩu thực phẩm được chế biến từ gạo như tteokbokki (bánh gạo nếp xào cay) và gimbap (cơm cuộn rong biển) đạt 88 triệu USD, tăng 42,1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Xét theo khu vực xuất khẩu, Mỹ là thị trường ghi nhận thành tích vô cùng đáng chú ý. Tính đến tháng 4 năm nay, xuất khẩu nông sản Hàn Quốc sang Mỹ lên tới 478,7 triệu USD, tăng 15,9% so với cùng kỳ năm trước (413,1 triệu USD).

Mặt khác, xuất khẩu sang Trung Quốc giảm 1,8% xuống 439,9 triệu USD.

Trong ba năm qua, xuất khẩu thực phẩm chế biến sang Mỹ đã tăng trung bình 12% mỗi năm, nhưng xuất khẩu sang Trung Quốc chỉ tăng 7% trong cùng thời kỳ. Trung Quốc là quốc gia xuất khẩu quan trọng nhất của Hàn Quốc năm 2016, chiếm 23% xuất khẩu thực phẩm chế biến, nhưng thị phần xuất khẩu sang quốc gia này bắt đầu giảm sau xung đột về việc triển khai THAAD, giảm xuống còn 18% vào năm 2023. Mặt khác, tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ tăng đáng kể từ 12% năm 2016 lên 18% vào năm 2023.

Mặt khác, nhập khẩu thực phẩm chế biến trong quý I/2024 đạt 4,18 tỷ USD, giảm 5,8% so với cùng kỳ năm ngoái (4,43 tỷ USD). Nhìn vào từng nhóm sản phẩm, lượng nhập khẩu sản phẩm sữa (-30,7%), dầu ăn (-22,6%) và sản phẩm công nghiệp xay xát (-20,8%) giảm mạnh đã dẫn đến lượng nhập khẩu chung sụt giảm.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기