Kinh tế Chính trị

Tỷ lệ sinh thấp và năng suất trì trệ đe dọa tương lai Hàn Quốc…Dự báo tăng trưởng âm từ năm 2040

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:58 10-06-2024

Một nghiên cứu của Ngân hàng Hàn Quốc (BoK) cho thấy nền kinh tế Hàn Quốc sau 10 năm nữa có thể sẽ bắt đầu tăng trưởng âm nếu cơ cấu dân số và năng suất sản xuất không có gì cải thiện.
 

ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]

Trong một báo cáo có tiêu đề, "Hàn Quốc đứng thứ hai trên thế giới về nghiên cứu và phát triển (R&D), nhưng năng suất vẫn "dậm chân tại chỗ"", Viện Nghiên cứu Kinh tế của BoK lưu ý rằng nền kinh tế Hàn Quốc có khả năng sẽ phải đối mặt với quá trình "tăng trưởng âm" trong những năm 2040 trừ khi đạt được những thay đổi mạnh mẽ, chẳng hạn như sự phục hồi về tỷ lệ sinh hoặc cải thiện đáng kể năng suất.

Tỷ lệ sinh cực thấp của Hàn Quốc là lý do chính dẫn đến triển vọng kinh tế ảm đạm. Sau khi dân số đạt đỉnh 51,84 triệu vào năm 2020, tổng dân số Hàn Quốc đã giảm liên tục và dự kiến sẽ giảm xuống còn 50,06 triệu người vào năm 2040 và 37,18 triệu vào năm 2070.

Báo cáo cũng nhấn mạnh rằng những đổi mới kinh tế tổng thể hiện vẫn chưa đủ để chống lại sự sụt giảm liên tục của nhân khẩu học.

Tốc độ tăng năng suất trung bình hàng năm của các công ty đã giảm đáng kể, giảm từ mức trung bình 6,1% trong giai đoạn 2001~2010 xuống chỉ còn 0,5% trong giai đoạn 2011~2020. Tốc độ tăng trưởng năng suất của các công ty sáng tạo, chẳng hạn như những công ty nộp bằng sáng chế ở Mỹ, cũng trải qua sự sụt giảm mạnh, giảm từ mức trung bình 8,2% xuống còn 1,3% trong cùng thời kỳ.

Sự sụt giảm này xảy ra bất chấp sự gia tăng chi tiêu cho R&D của các công ty Hàn Quốc, đứng thứ hai trong số các thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Khoản chi này chiếm 4,1% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Hàn Quốc trong năm 2022.

"Sự gia tăng số lượng số lượng sản phẩm đổi mới, đặc biệt là ở các tập đoàn lớn, không đi đôi với sự cải thiện về chất lượng", báo cáo cho biết.

Mặc dù top 5% các tập đoàn lớn tính theo số lượng nhân viên đã thúc đẩy sự gia tăng tổng chi tiêu cho R&D và đơn xin cấp bằng sáng chế, các số liệu cho thấy năng suất thực tế, chẳng hạn như số lượng trích dẫn bằng sáng chế, đã giảm đáng kể kể từ giữa những năm 2000 và vẫn chưa thể đạt được mức độ cao như trước đây.

Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những khó khăn trong việc đảm bảo nguồn vốn đã góp phần làm chậm tăng trưởng năng suất, vốn rất mạnh mẽ trước những năm 2010. Ngoài ra, sự gia nhập của các công ty mới có tiềm năng đổi mới cao cũng ghi nhận sụt giảm.

Báo cáo cho rằng việc thiếu những cải tiến về chất lượng trong đổi mới doanh nghiệp là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ chi tiêu cho nghiên cứu cơ bản giảm kể từ những năm 2010, giảm từ 14% chi tiêu hàng năm của năm 2010 xuống còn 11% của năm 2021.

Dựa trên phân tích này, báo cáo kêu gọi tăng cường nghiên cứu cơ bản, tăng cường nguồn cung vốn mạo hiểm để tài trợ cho đổi mới sáng tạo và tạo điều kiện xã hội thuận lợi để nuôi dưỡng các doanh nhân sáng tạo.

Báo cáo cho biết: "Sử dụng mô hình cấu trúc để ước tính tác động của các kịch bản chính sách khác nhau, chúng tôi thấy rằng việc tăng cường nghiên cứu cơ bản thông qua tăng tài trợ và mở rộng hợp tác giữa ngành và học viện có thể nâng cao tốc độ tăng trưởng kinh tế lên 0,18 điểm phần trăm. Cải thiện điều kiện tài trợ và tăng sự gia nhập của các công ty mới có thể thúc đẩy tốc độ tăng trưởng thêm 0,07 điểm phần trăm".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기