Kinh tế Chính trị

Xuất khẩu đồ ăn nhẹ của Hàn Quốc dự kiến ​​lần đầu tiên vượt mốc 1.000 tỷ won

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:17 23-09-2024
Nhu cầu từ người tiêu dùng nước ngoài về các sản phẩm như bánh Pepero và bim bim khoai tây vị bơ mật ong tăng lên là lý do chính thúc đẩy xuất khẩu đồ ăn nhẹ (snack) của Hàn Quốc lên mức cao kỷ lục.
 
ẢnhMAFRA
[Ảnh=MAFRA]
Theo Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc (MAFRA) ngày 23, xuất khẩu snack của Hàn Quốc trong 8 tháng đầu năm (từ tháng 1~8/2024) đạt 494,2 triệu USD, tăng 15,4% so với cùng kỳ năm ngoái.

Giá trị xuất khẩu snack đứng thứ 3 trong danh mục nông nghiệp thực phẩm chỉ sau mì ăn liền và thuốc lá (thuốc lá thường và thuốc lá điện tử).

Xuất khẩu snack đã vượt 500 triệu USD trong tháng 9/2024 và tiếp tục duy trì xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ. Cụ thể, xuất khẩu từ tháng 1 cho đến trung tuần tháng 9, trước lễ Trung thu, được ước tính là 529,1 triệu USD.

Nếu xu hướng xuất khẩu này được duy trì, lượng xuất khẩu hàng năm của năm nay dự kiến ​​sẽ lập kỷ lục mới.

Xuất khẩu snack hàng năm đã tăng 1,5 lần trong 5 năm từ mức 431,4 triệu USD năm 2018 lên 656,4 triệu USD vào năm 2023.

MAFRA dự đoán xuất khẩu snack của Hàn Quốc năm 2024 sẽ lần đầu tiên vượt 700 triệu USD (935,6 tỷ KRW). Thậm chí, một số chuyên gia dự đoán rằng xuất khẩu snack có thể đạt 1.000 tỷ won.

Một quan chức của Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn cho biết: "Nhờ sự phổ biến của nội dung Làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), xuất khẩu các loại snack dường như đã tăng lên. Ngoài ra, việc các công ty Hàn Quốc đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương bằng cách giới thiệu thêm nhiều loại sản phẩm cũng góp phần cải thiện xuất khẩu".

Các công ty bánh kẹo Hàn Quốc cũng có kế hoạch mở rộng hơn nữa xuất khẩu bằng cách tăng cường tiếp thị.

Tiếp tục từ năm ngoái, Lotte Well Food sẽ thực hiện tiếp thị toàn cầu tại 15 quốc gia cùng với nhóm nhạc NewJeans trong năm nay.

Lotte Well Food đã thực hiện chiến dịch toàn cầu trước Ngày Pepero (11/11) kể từ năm 2020. Theo đó, lượng xuất khẩu Pepero trong năm 2023 là 54 tỷ won, tăng 80% so với năm 2020.

Gần đây, Chủ tịch Tập đoàn Lotte Shin Dong-bin đã chọn 'Pepero' làm mục tiêu đầu tiên, đồng thời cho biết Công ty Thực phẩm Lotte của Hàn Quốc và Nhật Bản sẽ hợp tác để thúc đẩy một thương hiệu lớn toàn cầu với doanh thu hàng năm là 1.000 tỷ won.

Sau khi khai trương nhà máy bánh kẹo Haitai Confectionery vào tháng 7/2022, Tập đoàn Crown tiếp tục thành lập nhà máy Crown Confectionery mới tại Asan, tỉnh Chungnam vào tháng 5/2024. Tập đoàn cho biết có kế hoạch sử dụng hai nhà máy này với vị trí gần Cảng Pyeongtaek làm 'căn cứ xuất khẩu'.

Một quan chức của Haitai Confectionery cho biết: "Chúng tôi có kế hoạch tăng xuất khẩu các sản phẩm chủ lực của mình như bánh quy 'Ace' và bánh sô cô la 'Oh! Yes', cũng như bim bim khoai tây vị bơ mật ong 'Honey Butter Chip', vốn rất được ưa chuộng tại Nhật Bản, Việt Nam và Trung Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi sẽ tăng khả năng cạnh tranh bằng cách tăng cường tiếp thị phù hợp với đặc điểm của từng quốc gia".

Orion cho biết họ sẽ đưa bim bim hình mai rùa 'Kkobuk Chip (tên tại thị trường Việt Nam: Masida)' trở thành thương hiệu snack toàn cầu và cho biết: "Nếu doanh thu hàng năm của Kkobuk Chip ở Mỹ vượt quá 40 tỷ won, chúng tôi có kế hoạch xem xét thành lập một nhà máy sản xuất tại địa phương".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기