Đời sống Xã hội

Đường phố Seoul ngập tràn chữ nước ngoài...Không có chỗ cho 'biển hiệu Hàn Quốc'

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:43 08-10-2024
Khi số lượng biển hiệu bằng tiếng nước ngoài xuất hiện khắp các thành phố lớn của Hàn Quốc, dường như tiếng Hàn (Hangeul) đang mất dần vị thế tại chính đất nước của mình. Thậm chí, người dân Hàn Quốc cũng đang gặp bất tiện trong cuộc sống hàng ngày vì không chỉ biển hiệu mà ngay cả thực đơn, thông báo cũng được viết bằng tiếng nước ngoài. Các chuyên gia chỉ ra rằng sự vắng mặt của Hangeul dẫn đến những vấn đề đe dọa đến bản sắc và chủ quyền ngôn ngữ của Hàn Quốc.
 
Nhiều biển hiệu trong khu vực Myeongdong Seoul được viết bằng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài ẢnhYonhap News
Nhiều biển hiệu trong khu vực Myeongdong, Seoul được viết bằng hoàn toàn bằng tiếng nước ngoài. [Ảnh=Yonhap News]
Theo Chính quyền Thủ đô Seoul, trong số 7.795 biển hiệu ở Seoul năm 2023, có 1.651 biển (21,2%) chỉ viết bằng tiếng nước ngoài. Trong khi đó, chỉ có 1.450 biển hiệu viết bằng cả tiếng Hàn và tiếng nước ngoài, chiếm 18,6%.

Điều 12, Khoản 2 Nghị định thi hành Luật Quảng cáo ngoài trời hiện hành của Hàn Quốc quy định chữ trên bảng hiệu phải ghi bằng tiếng Hàn; nếu không có lý do đặc biệt, chữ nước ngoài phải được viết kèm chữ Hàn. Tuy nhiên, biển hiệu bằng tiếng nước ngoài vẫn tràn ngập do luật nhãn hiệu của các công ty nước ngoài và vì biển hiệu dưới 5㎡ không phải cầu báo cáo hoặc xin phép của chính quyền địa phương.

Tại Yongridan-gil, Yongsan-gu, Seoul trong số 47 cửa hàng trải dài 350 m từ ga Sinyongsan đến ga Samgakji, 36 cửa hàng chỉ có biển hiệu viết bằng tiếng nước ngoài. Trên các con phố, người ta dễ dàng bắt gặp các cặp đôi đang dùng ứng dụng dịch thuật trên điện thoại để dịch các biển hiệu tiếng Nhật, các sinh viên đang cố gắng giải mã các cụm từ tiếng Pháp và người dân đang lướt điện thoại di động để tìm hướng dẫn bằng tiếng Hàn.

Seosunla-gil bên cạnh Công viên Quảng trường Jongmyo ở Jongno-gu cũng tương tự. Có những cửa hàng được chuyển đổi từ những ngôi nhà truyền thống của Hàn Quốc (Hanok) nhưng biển hiệu lại được viết bằng tiếng nước ngoài như tiếng Anh và tiếng Pháp, tạo cảm giác không hài hòa với những bức tường đá truyền thống và làm mất đi bầu không khí đặc trưng của Hàn Quốc.

Việc "kiểm tra trình độ ngoại ngữ" của khách hàng vẫn tiếp tục ngay cả trên thực đơn của các cửa hàng. Trong nhiều trường hợp, thực đơn được viết bằng tiếng nước ngoài hoặc được dịch phiên âm sang tiếng Hàn chứ không có phần giải thích, liên tục gây bất tiện cho khách hàng.

Ông Lee (64 tuổi), người từng ghé thăm một nhà hàng trên đường Yeonmujang-gil thuộc khu vực Seongsu-dong, cho biết: "Ngày nay, ngay cả việc gọi đồ ăn cũng khó khăn nếu bạn không đi cùng con, cháu của mình. Những người không biết ngoại ngữ (như tôi) không khỏi cảm thấy bối rối và khó khăn".

Chủ nhà hàng này cho biết: “Chúng tôi nhận được rất nhiều thắc mắc về việc có thực đơn bằng tiếng Hàn hay không nên đã chuẩn bị sẵn một thực đơn riêng nhưng chỉ mang ra khi khách hàng yêu cầu. Chúng tôi có rất nhiều khách hàng nước ngoài và chúng tôi nghĩ hầu hết khách hàng đều hiểu ngoại ngữ nên đã viết thực đơn bằng tiếng nước ngoài".

Tuy nhiên, ngay cả thế hệ trẻ cũng phàn nàn về sự bất tiện.

Anh Choi (35 tuổi), người thường xuyên ghé thăm Yongridan-gil, cho biết: "Tôi có thể đọc được tiếng Anh nhưng không đọc được các biển hiệu bằng tiếng Việt hay tiếng Trung. Tôi không biết cửa hàng đang bán gì nên cuối cùng tôi phải tìm kiếm thông tin trên mạng rồi mới vào".

Các chuyên gia chỉ ra rằng điều này có thể dẫn đến sự thiếu cân nhắc đối với người dùng Hangeul và làm suy yếu chủ quyền ngôn ngữ. Các chuyên gia cũng cho rằng chính phủ Hàn Quốc cần có những nỗ lực như sửa đổi luật để cải thiện tình trạng này.

Lee Do-heum, giáo sư ngôn ngữ và văn học Hàn Quốc tại Đại học Hanyang, cho biết: "Các dấu hiệu ngoại ngữ có thể là một phần của văn hóa hiện đại, nhưng việc sử dụng quá nhiều ngoại ngữ sẽ dẫn đến cuộc khủng hoảng về ngôn ngữ và bản sắc Hàn Quốc. Vì tiếng Hàn chứa đựng cảm xúc và thế giới quan của Hàn Quốc nên những phần không thể thay thế bằng tiếng nước ngoài phải được thể hiện bằng tiếng Hàn".

Lee Geon-beom, người đứng đầu Tổ chức Đoàn kết Văn hóa Hangeul, cũng cho biết: "Các biển hiệu ngoại ngữ không quan tâm đến người tiêu dùng không biết ngoại ngữ và xâm phạm quyền được biết và quyền tiêu dùng của họ. Ngay cả khi sử dụng tiếng nước ngoài, việc sửa đổi luật là hoàn toàn cần thiết để yêu cầu tiếng Hàn phải được viết kèm. Điều này cũng phải được thực hiện từ góc độ bảo vệ người tiêu dùng".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기