Đời sống Xã hội

Giới trẻ Hàn Quốc "đắm chìm" với các loại video dạng ngắn

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:45 30-10-2024
Chỉ trong 20 phút trên đường đi làm, chị Park (nhân viên văn phòng, 30 tuổi) đã xem tất cả các tập của một bộ phim bằng cách xem liên tục các video dạng ngắn (short-form) chỉ trích xuất những đoạn phim/nội dung nổi bật từ một tập phim dài khoảng 60 phút thành một video dài khoảng 1 phút.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Không những thế, chị Park còn có sở thích "short-ping (short: ngắn + shopping: mua sắm)" có nghĩa là mua đồ theo sự giới thiệu của chủ tài khoản mạng xã hội đăng các video dạng ngắn mà cô ấy thường xuyên xem và đăng ký.

Đây là phương pháp mua hàng ngay lập tức bằng cách nhấp vào đường link liên kết dẫn đến trung tâm mua sắm ở cuối các video dạng ngắn như TikTok hoặc YouTube. Ưu điểm là, không giống như các kênh Home Shopping trên TV với những lời giải thích phức tạp, người dùng có thể tự xem các thông tin chính một cách cô đọng trên trang web.

Chị Park cho biết: "Đã nhiều lần tôi mua đồ gia dụng mà tôi thường tìm kiếm khi chúng xuất hiện trên mạng xã hội thông qua một thuật toán. Nếu bạn nhấp vào liên kết, sẽ mất chưa đầy một phút để mua hàng".

Các hình thức ngắn khác nhau bao gồm các video ngắn dưới một phút đang xuất hiện ngày một nhiều trong cuộc sống hàng ngày của thế hệ trẻ Hàn Quốc chẳng hạn như "short-toon" (short + webtoon), "short-deu" (short + drama: phim truyền hình), và "short-song" (short + song: bài hát).

Điều này giống như xem một đoạn phim trên Instagram và sau đó mua một thứ gì đó tại một trung tâm mua sắm được kết nối hoặc xem một video cô đọng về một bộ phim dài 90 phút hoặc một bộ phim truyền hình dài 16 tập. Những webtoon dài hơn 100 tập cũng sẽ được tóm tắt hình ảnh, cốt truyện vào các video dài chưa đầy 1 phút.

Theo khảo sát người dùng điện thoại thông minh năm 2023 tại Hàn Quốc của ứng dụng phân tích bán lẻ Wise App Retail Goods, thời gian sử dụng trung bình hàng tháng của mỗi người đối với các ứng dụng cung cấp video dạng ngắn như YouTube, TikTok và Instagram là 46 giờ 29 phút. Con số này dài hơn gấp 5 lần so với thời gian sử dụng trung bình hàng tháng (9 giờ 14 phút) của các nền tảng OTT như Netflix, Wave, TV, Disney+, Watcha và Coupang Play.

Anh Kim (33 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết: “Trước đây, việc chờ đợi một tuần đối với nội dung truyền hình thật khó khăn, còn bây giờ việc xem từ đầu đến cuối 1 tập phim mà không tua cũng thật khó. Nghe nhạc hoặc xem webtoon là sở thích của tôi, nhưng việc chờ đợi khiến tôi cảm thấy rất căng thẳng".

Các kênh tóm tắt ngắn gọn mọi thứ đã trở thành xu hướng trên tất cả các phương tiện truyền thông xã hội.

Trên YouTube, các kênh tổng hợp phim, truyền hình như GMovie (3,58 triệu người xem), Gomong (2,45 triệu người xem) và Kim Si-seon (1,94 triệu người xem) đang thu hút rất nhiều lượt xem trong những năm gần đây.

Thị trường "short-ping", kết nối trực tiếp từ video dạng ngắn đến trung tâm mua sắm thông qua các link được gắn kèm video cũng đang phát triển nhanh chóng.

Trên TikTok, các video có hashtag ‘#Tiktokmademebuyit’ đã được xem hơn 3 tỷ lần và nhiều bài đăng xác minh việc sử dụng thực tế cũng được chia sẻ.

Theo công ty nghiên cứu thị trường Statista, thị trường tiêu dùng toàn cầu dựa trên TikTok, trị giá 4,7 triệu USD vào năm 2016, đang mở rộng hàng năm và tăng hơn 800 lần lên 3,84 tỷ USD vào năm ngoái.

Hiện trạng này là kết quả của sự kết hợp giữa thế hệ trẻ (gen Z) và thị trường theo đuổi ‘hiệu suất tốt và sự hài lòng so với thời gian’.

Anh Lee (33 tuổi) cho biết: "Tôi thường xem những video ngắn khoảng dưới 5 phút vì có thể học được nhiều thông tin cùng một lúc. Bằng cách đó tôi cảm thấy mình có thể vẫn có thể tận hưởng đời sống văn hóa trong lịch trình bận rộn của mình".

Tuy nhiên, có nhiều ý kiến lo ngại rằng chúng ta nên cảnh giác với các tác dụng phụ của video dạng ngắn.

Heo Kyung-ok, giáo sư tại Khoa Đời sống Người tiêu dùng, Văn hóa và Công nghiệp tại Đại học Sungshin, cho biết: "Có khả năng cao điều này sẽ dẫn đến hành vi mua sắm bốc đồng khi mọi người bị cuốn vào ý tưởng rằng họ cần mua thật nhanh trước khi đoạn video kết thúc. Người tiêu dùng phải có khả năng tự mình xem xét và tiêu dùng thận trọng".

Nhà phê bình văn hóa Ha Jae-geun cho biết, "Thế hệ trẻ được gọi là 'người bản xứ kỹ thuật số (digital native)' và tiếp thu rất nhiều thông tin trên thế giới trực tuyến, nhưng họ đã quen với lượng dopamine tăng vọt nhất thời nên khả năng tập trung trong thời gian dài của họ bị giảm sút. Chúng ta đã rơi vào một vòng luẩn quẩn khi tiếp tục tìm kiếm những nội dung chỉ mang tính kích thích. Các công ty nền tảng phải có trách nhiệm chuẩn bị các biện pháp kỹ thuật để tránh đề xuất quá nhiều các video có khả năng dẫn đến nghiện quá mức".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기