Đời sống Xã hội

Thói quen ăn uống và sức khỏe tâm thần của thanh niên Hàn Quốc có chiều hướng ngày càng xấu đi

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:58 22-11-2024
Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, tỷ lệ uống rượu và hút thuốc của thanh niên Hàn Quốc đã giảm đáng kể xuống còn 1/3 so với 20 năm trước. Tuy nhiên, tỷ lệ thanh niên bỏ bữa sáng đã tăng 1,5 lần trong 20 năm và các chỉ số như căng thẳng, trầm cảm ngày càng xấu đi trong 10 năm qua, cho thấy cần phải cải thiện thói quen ăn uống và sức khỏe tâm thần của thanh niên.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc và Bộ Giáo dục Hàn Quốc đã tổ chức buổi thuyết trình về kết quả Khảo sát Hành vi Sức khỏe Thanh niên lần thứ 20 tại COEX ở Seoul vào ngày 22 và công bố kết quả chính của cuộc khảo sát năm nay cũng như xu hướng trong 20 năm qua.

Khảo sát Hành vi Sức khỏe Thanh thiếu niên, bắt đầu vào năm 2005, là khảo sát được thực hiện hàng năm đo lường thói quen hút thuốc, uống rượu, hoạt động thể chất và ăn kiêng của khoảng 60.000 học sinh từ 800 trường trung học cơ sở và trung học phổ thông trên toàn Hàn Quốc. Cuộc khảo sát lần này được thực hiện trong 1 tháng từ tháng 6~7/2024.

Nhìn vào những thay đổi về kết quả trong 20 năm qua, các chỉ số về hút thuốc, uống rượu và hoạt động thể chất đã được cải thiện rõ rệt.

'Tỷ lệ hút thuốc hiện tại', là tỷ lệ phần trăm số người hút thuốc hơn 1 ngày trong 30 ngày qua, là 3,6% (4,8% đối với nam, 2,4% đối với nữ) tính đến năm 2024, đã cho thấy sự sụt giảm mạnh chỉ bằng 1/3 so với 20 năm trước tại thời điểm điều tra lần đầu tiên vào năm 2005 (11,8%).

'Tỷ lệ uống rượu hiện tại', là tỷ lệ thanh niên đã uống một hoặc nhiều ly trong 30 ngày qua, cũng giảm đáng kể từ 27,0% (nam 27,0%, nữ 26,9%) năm 2005 xuống 9,7% (nam 11,8%; nữ 7,5%) trong năm 2024.

Tỷ lệ thanh thiếu niên tham gia hoạt động thể chất hơn 60 phút mỗi ngày, 5 ngày một tuần là 10,9% (15,7% đối với nam, 5,4% đối với nữ) vào năm 2009 khi tỷ lệ này lần đầu tiên được đưa vào câu hỏi khảo sát, nhưng đã tăng lên 17,3% (25,1% đối với nam, 8,9% đối với nữ) trong khảo sát lần này.

Kết quả khảo sát còn cho thấy học sinh trung học cơ sở đã trở nên năng động hơn về mặt thể chất so với học sinh trung học phổ thông.

Mặt khác, số học sinh bỏ bữa sáng đã tăng 1,5 lần trong 20 năm qua.

Với khảo sát năm nay, tỷ lệ thanh thiếu niên bỏ bữa sáng là 42,4% (40,2% đối với nam, 44,7% đối với nữ), với hơn 4/10 người trả lời rằng họ bỏ bữa sáng hơn 5 ngày/tuần. Đó là mức tăng 15,3 điểm phần trăm (%p) từ tỷ lệ 27,1% năm 2005 (nam 26,4%, nữ 28,0%).

Tỷ lệ học sinh ăn trái cây nhiều hơn một lần trong ngày là 18,6% (nam 18,3%, nữ 19,0%), tăng nhẹ so với năm 2023 nhưng giảm so với mức 32,6% của năm 2005 (nam 32,0%, nữ 33,4%) .

Mức độ tiêu thụ thức ăn nhanh đã tăng lên đáng kể và tỷ lệ tiêu thụ thức ăn nhanh 3 lần trở lên trong một tuần đã tăng hơn gấp đôi từ 12,1% (nam 13,4%, nữ 10,7%) năm 2009 lên 28,9% (nam 31,2%, nữ 26,5%).

Các chỉ số sức khỏe tâm thần đã được cải thiện so với 20 năm trước, nhưng so với năm 2015, các chỉ số này đã cho thấy chiều hướng xấu đi trong 10 năm qua.

Tỷ lệ thanh thiếu niên cảm thấy 'cực kỳ nhiều' hoặc 'nhiều' căng thẳng hàng ngày đã giảm từ 45,6% (nam 39,7%, nữ 52,2%) năm 2005 xuống còn 35,4% (nam 29,6%, nữ 41,7%) vào năm 2015 tuy nhiên sau đó đã tăng lên 42,3% trong năm nay (nam 35,2%, nữ 49,9%).

'Tỷ lệ trải qua trầm cảm', là tỷ lệ phần trăm những người cảm thấy buồn hoặc vô vọng đến mức phải ngừng các hoạt động hàng ngày trong hai tuần trong 12 tháng qua, cũng giảm từ 29,9% vào năm 2005 (25,6% đối với nam giới, 34,7% đối với nữ) xuống 23,6% vào năm 2015 (19,7% đối với nam, 27,8% đối với nữ), nhưng tăng lên 27,7% (nam 23,1%, nữ 32,5%) trong năm nay.

Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Giáo dục Hàn Quốc Lee Joo-ho cho biết: "Hoạt động thể chất vốn đã giảm trong thời kỳ COVID-19 đang gia tăng trở lại, tỷ lệ hút thuốc và uống rượu đang giảm dần, nhưng có vẻ như chúng ta cần quan tâm và hỗ trợ nhiều hơn cho giới trẻ trong về sức khỏe tâm thần và thói quen ăn uống. Chúng tôi sẽ tăng cường các kế hoạch chi tiết để bổ sung các chỉ số y tế cần cải thiện khi thực hiện các chính sách liên quan trong thời gian tới".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기