Kinh tế Chính trị

Các siêu thị bán sỉ tại Hàn Quốc ngày càng thu hút khách hàng nhờ nhu cầu tiêu dùng tiết kiệm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:23 19-02-2025
Ngành phân phối Hàn Quốc, vốn chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố cả chủ quan lẫn khách quan, đang có dấu hiệu hồi sinh với các siêu thị bán sỉ.
 
Cửa hàng Traders chi nhánh Magok Seoul đông nghẹt khách hàng vào ngày khai trương hôm 1422025 ẢnhE-Mart Traders
Cửa hàng Traders chi nhánh Magok (Seoul) đông nghẹt khách hàng vào ngày khai trương hôm 14/2/2025. [Ảnh=E-Mart Traders]
Từ khi dịch bệnh do COVID-19 bùng phát, xu hướng mua sắm nhu yếu phẩm, thực phẩm với số lượng lớn đã lan rộng, nhiều khách hàng cũng chuyển sang lối tiêu dùng tiết kiệm do gánh nặng giá tiêu dùng ngày càng tăng cao.

Trước đây, quan niệm "mua sỉ = Costco" (hệ thống siêu thị của Mỹ, bán nhiều mặt hàng, giá rẻ phù hợp với người dùng mua số lượng lớn) là hoàn toàn đúng, nhưng giờ đây điều đó đã trở thành dĩ vãng khi các nhà phân phối Hàn Quốc đang nỗ lực cạnh tranh để giành lại thị trường của mình.

Trong khi các cửa hàng truyền thống đang gặp khó khăn do bị các kênh trực tuyến đẩy lùi, các siêu thị bán sỉ đã nổi lên như một giải pháp thay thế mới.

Mặc dù các chi nhánh ngoại tuyến của các siêu thị lớn đang giảm dần hàng năm do khách hàng chuyển sang mua sắm trực tuyến, nhưng số lượng siêu thị bán sỉ theo kiểu kho hàng lại đang tăng lên.

Khi suy thoái kinh tế làm suy yếu sức tiêu dùng, sức ảnh hưởng của các cửa siêu thị bán sỉ ngày càng tăng. Với các sản phẩm tiết kiệm chi phí đang nhận được sự chú ý trở lại giữa lúc vật giá tăng cao, các siêu thị bán sỉ có kế hoạch tích cực mở rộng sự hiện diện của mình trong năm nay.

Siêu thị bán sỉ là các siêu thị có quy mô lớn, bày bán sản phẩm theo dạng kho hàng và thường bán sản phẩm theo lố hoặc theo số lượng lớn với giá thấp. Được biết, trung bình giá sản phẩm tại các cửa siêu thị bán sỉ rẻ hơn 10-15% so với giá tại các đại siêu thị.

Theo ngành phân phối, doanh số bán hàng năm 2024 của siêu thị bán sỉ 'Traders' của E-Mart đạt 3.549,5 tỷ won, tăng 5,2% so với năm 2023. Lợi nhuận hoạt động cũng ghi nhận 92,4 tỷ won, tăng 59% so với năm trước đó.

Trong khi hiệu suất của bộ phận cửa hàng giảm giá (E-Mart) và các bộ phận cửa hàng thương hiệu riêng (No Brand, Electromart, Molly's Pet Shop) có phần chậm chạp, Traders là bộ phận duy nhất cho thấy đường cong tăng trưởng, dẫn đầu hiệu suất chung của E-Mart và nổi lên như một con 'át chủ bài'.

Mặt khác, Costco cũng báo cáo hiệu suất hoạt động được cải thiện vào năm ngoái.

Theo báo cáo kiểm toán được nộp lên Cơ quan Giám sát Tài chính, Costco ghi nhận doanh thu là 6.530,1 tỷ won và lợi nhuận hoạt động là 218,6 tỷ won cho năm tài chính 2024 (từ tháng 9 năm 2023 đến tháng 8 năm 2024). Những con số này thể hiện mức tăng lần lượt là 7,6% và 15,8% so với năm tài chính trước đó.

Một người trong ngành cho biết, "Vì các siêu thị bán sỉ có sức cạnh tranh về giá cao hơn các siêu thị lớn nên nhu cầu của khách hàng cũng tăng cao, đặc biệt là trong thời kỳ vật giá leo thang hoặc suy thoái kinh tế. Lý do chúng tôi có khả năng cạnh tranh cao về giá là vì chúng tôi hoạt động với số lượng lớn bằng cách chỉ ký hợp đồng với 1-2 thương hiệu/sản phẩm cho mỗi danh mục và cũng tự đặt mức biên lợi nhuận thấp".

Dự kiến ​​các siêu thị bán sỉ sẽ tiếp tục tăng trưởng trong tương lai.

Hiện nay, E-Mart, Lotte Mart và thậm chí cả E-Land đang cạnh tranh nhau nhảy vào thị trường siêu thị bán sỉ, mỗi bên đều mở rộng số lượng cửa hàng theo chiến lược riêng của mình. Điều này được phân tích là do lòng trung thành của khách hàng ở các siêu thị bán sỉ thường khá cao.

Costco Korea duy trì lòng trung thành của khách hàng với các sản phẩm nhập khẩu trực tiếp từ nước ngoài khó tìm thấy tại các cửa hàng của công ty khác và thương hiệu PB 'Kirkland'.

Các đối thủ của họ bao gồm Traders và Lotte Mart Max (do Lotte Shopping điều hành) lại chọn phương án cải thiện khả năng tiếp cận bằng cách cho phép những người không phải là thành viên cũng có thể sử dụng dịch vụ và vận hành một hệ thống thành viên trả phí với nhiều lợi ích riêng biệt.

Traders đã phát triển nhanh chóng trong những năm gần đây và đang định vị mình là lựa chọn thay thế cho Costco. Hiệu suất đã được cải thiện kể từ khi áp dụng hệ thống thành viên trả phí vào năm 2023, được dự báo là đã đạt 100 tỷ won lợi nhuận hoạt động lần đầu tiên vào năm ngoái (2024).

Lotte Mart Max, tiền thân là 'Big Market', yêu cầu phải trả phí thành viên hàng năm để sử dụng cửa hàng, nhưng hệ thống phí thành viên hàng năm đã bị bãi bỏ vào năm 2020. Mặc dù họ nhấn mạnh vào việc thành viên không cần đóng phí vẫn có thể sử dụng cửa hàng, nhưng thực chất công ty đang theo đuổi chiến lược khuyến khích thành viên trả phí bằng cách tạo ra sự chênh lệch giá giữa thành viên trả phí và thành viên không trả phí.

Hiện, Lotte Mart Max có tổng cộng 6 chi nhánh cửa hàng, bao gồm Yeongdeungpo, Geumcheon và Songcheon. Doanh số năm 2024 của Lotte Mart Max tăng khoảng 5% so với năm trước và vào tháng 1/2025, doanh số đã ghi nhận tăng 20% ​​so với cùng kỳ năm ngoái.

Một người trong ngành phân phối cho biết: "Do giá cao kéo dài nên sự phổ biến của các siêu thị bán sỉ dự kiến ​​sẽ tiếp tục. Mặc dù khối lượng sản phẩm lớn, nhưng không chỉ những người tự kinh doanh mà cả những gia đình mua hàng theo nhóm hay những hộ gia đình độc thân cũng đến cửa hàng của chúng tôi ngày càng nhiều, do có thể được hưởng mức giá chiết khấu chưa từng có so với các kênh phân phối khác".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기