Đời sống Xã hội

Lịch sử đau thương 'Jeju ngày 3 tháng 4' và 'cuộc cách mạng xanh hóa sau chiến tranh' của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là Di sản tư liệu thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:56 11-04-2025
Lịch sử đau thương của sự kiện ngày 3 tháng 4 tại Jeju và quá trình ‘Cách mạng Xanh’ sau chiến tranh của Hàn Quốc đã trở thành Di sản tư liệu thế giới (hay còn được gọi là Chương trình Ký ức thế giới) do UNESCO công nhận.
 
Di sản tư liệu thế giới của UNESCO Ký lục Jeju 43 ẢnhChính quyền tỉnh Jeju
Di sản tư liệu thế giới của UNESCO 'Ký lục Jeju 4·3'. [Ảnh=Chính quyền tỉnh Jeju]

Theo Cục Di sản quốc gia Hàn Quốc và Đảo Jeju vào ngày 11, Hội đồng chấp hành UNESCO đã quyết định đăng ký 'Bản ghi chép về vụ thảm sát Jeju ngày 3/4/1948 (Ký lục Jeju 4·3)' và 'Bản ghi chép về việc tái tạo rừng sau chiến tranh Triều Tiên (Ký lục Xanh hóa núi rừng)' là Di sản tư liệu thế giới tại cuộc họp được tổ chức tại Paris, Pháp vào chiều ngày 10 (theo giờ địa phương).

Hai bản ghi chép này được coi là tài liệu quan trọng chứa đựng một phần lịch sử hiện đại của Hàn Quốc.

'Ký lục Jeju 4·3' bao gồm tổng cộng 14.673 tài liệu ghi chép gồm lời khai của nạn nhân, quá trình tìm kiếm sự thật và quá trình hòa giải liên quan đến vụ thảm sát dân thường xảy ra tại đảo Jeju vào ngày 3 tháng 4 năm 1948.

Cụ thể bao gồm danh sách tù nhân tại tòa án quân sự và thư được gửi từ nhà tù (27 tài liệu), lời khai của nạn nhân và gia đình họ (14.601 tài liệu), hồ sơ về phong trào tìm kiếm sự thật của xã hội dân sự (42 tài liệu) và báo cáo điều tra chính thức của chính phủ (3 tài liệu).

'Ký lục Jeju 4·3' có ý nghĩa quan trọng vì ghi lại cuộc xung đột vũ trang kéo dài khoảng 7 năm, tập trung quanh đảo Jeju, từ ngày 1 tháng 3 năm 1947 đến ngày 21 tháng 9 năm 1954 và quá trình đàn áp cuộc xung đột này.

Với việc công nhận đây là Di sản tư liệu thế giới, UNESCO đã công nhận giá trị lịch sử, tính xác thực và tầm quan trọng toàn cầu của 'Ký lục Jeju 4·3'.

Ủy ban Cố vấn Quốc tế (IAC), đơn vị trước đây đã đánh giá các hồ sơ, đã xác định rằng các tài liệu này "làm sáng tỏ những nỗ lực nhằm khám phá sự thật về bạo lực nhà nước, đạt được sự hòa giải xã hội và khôi phục danh dự cho nạn nhân. Đây là thành tựu thực hành dân chủ của cộng đồng địa phương hướng tới hòa giải và chung sống hòa bình".

Cục Di sản Quốc gia Hàn Quốc đã giải thích ý nghĩa của sự kiện này như sau: "Sự công nhận này cho thấy tầm quan trọng của nhân quyền trong lịch sử thế giới và gợi ý một cách mới để giải quyết quá khứ đau thương thông qua tinh thần hòa giải và chung sống của người dân Jeju".

Với sự ghi nhận này, Tỉnh Jeju hiện nắm giữ cả 5 danh hiệu của UNESCO gồm Khu dự trữ sinh quyển (năm 2022), Di sản thiên nhiên thế giới (Đảo núi lửa Jeju và các ống dung nham, năm 2007), Công viên địa chất toàn cầu (năm 2010), Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (Múa lên đồng Yeongdeunggut ở đền Chilmeoridang, năm 2009) và Di sản tư liệu thế giới ('Ký lục Jeju 4·3' và 'Ký lục Xanh hóa núi rừng', năm 2025).

Thống đốc Jeju Oh Young-hoon bày tỏ cảm xúc của mình về sự ghi nhận lần này, rằng: "Chúng tôi sẽ thu thập và lưu giữ một cách có hệ thống các hồ sơ liên quan đến ngày 3 tháng 4 và sử dụng chúng như nguồn tài nguyên sống cho giáo dục hòa bình và nhân quyền cho các thế hệ tương lai".
 
Bức ảnh cho thấy quá trình phục hồi Vịnh Yeongil trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1977 ẢnhCục Di sản Quốc gia
Bức ảnh cho thấy quá trình phục hồi Vịnh Yeongil trong khoảng thời gian từ năm 1973 đến năm 1977. [Ảnh=Cục Di sản Quốc gia]
Các bản ghi chép và quá trình tái tạo rừng vừa được công nhận là Di sản tư liệu thế giới là những hồ sơ nhấn mạnh thành tựu đáng kể từ hợp tác công tư trong việc tái thiết lại quốc gia, sau khi bị tàn phá bởi Chiến tranh Triều Tiên.

"Xanh hóa núi rừng" là việc phủ xanh các ngọn núi và đồng ruộng bằng cách trồng cây, hoa, v.v. 'Ký lục Xanh hóa núi non' được công nhận bao gồm khoảng 9.600 tài liệu, trong đó có nhiều công văn, ảnh, tài liệu quảng cáo và tem được tạo ra với mục đích góp phần phục hồi rừng.

Trong đó bao gồm nhiều quy tắc khác nhau được tạo ra trong quá trình tổ chức 'hợp tác xã lâm nghiệp' tại mỗi làng, các áp phích có dòng chữ 'Hãy gieo hy vọng của 30 triệu người dân trên núi' và những bức ảnh chụp trong quá trình phục hồi Vịnh Pohang Yeongil từ năm 1973 đến năm 1977.

Một quan chức của Cục Quản lý Di sản Quốc gia Hàn Quốc giải thích: "Đây là trường hợp điển hình mà các nước đang phát triển trên thế giới có thể tham khảo và cũng là ví dụ mẫu mực về các vấn đề quốc tế như ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng ngừa sa mạc hóa".

Với việc bổ sung thêm hai hạng mục, số lượng Di sản tư liệu thế giới của Hàn Quốc đã tăng lên 20.

Di sản tư liệu thế giới của Hàn Quốc được UNESCO công nhận là 'Hunminjeongeum Haeryebon (Huấn dân chính âm giải lệ bản)' và 'Joseon wangjo sillok (Triều Tiên vương triều thực lục)' vào năm 1997, sau đó là các Di sản tư liệu thế giới tiêu biểu khác như 'Nhật ký Seungjeongwon', 'Tài liệu chữ cổ Jikjisimcheyojeol' và 'Uigwe (bản hướng dẫn nghi lễ hoàng gia của triều đại Joseon)'.

Mặt khác, UNESCO lựa chọn Di sản tư liệu thế giới 2 năm một lần kể từ năm 1997 để bảo tồn và sử dụng các hồ sơ có giá trị như sách, tài liệu cổ và thư từ khắp nơi trên thế giới.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기