Kinh tế Chính trị

Các thương hiệu nhượng quyền thương mại vừa và nhỏ của Hàn Quốc nỗ lực mở rộng ra nước ngoài

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:57 18-07-2025
Các thương hiệu nhượng quyền lớn của Hàn Quốc đang ghi nhận những kết quả đáng chú ý ở nước ngoài. Theo đó, dường như ngay cả các thương hiệu nhượng quyền vừa và nhỏ cũng đang nỗ lực từng bước tiến ra thị trường nước ngoài.
 
Toàn cảnh cửa hàng Yeokjeon Grandma Beer tại Jakarta Indonesia ẢnhYeokjeonFnC
Toàn cảnh cửa hàng Yeokjeon Grandma Beer tại Jakarta, Indonesia. [Ảnh=YeokjeonFnC]
Theo thông tin trong ngành vào ngày 17, Sulbing đã ký hợp đồng nhượng quyền tổng thể (Master Franchise - MF) với 'Beyond Bingsu Café Inc.', một công ty con của công ty Philippines 'Fredley Group of Company', để mở rộng sang Philippines.

Cửa hàng Sulbing đầu tiên tại Philippines sẽ được khai trương tại trung tâm thương mại 'SM Mall of Asia' ở thủ đô Manila trong năm nay, và dự kiến sẽ tiếp tục mở cửa thêm nhiều cửa hàng trong tương lai.

Sulbing đã thâm nhập vào Malaysia và Campuchia trước Philippines, và đang có kế hoạch thâm nhập vào thị trường Đông Nam Á bao gồm Singapore, Đài Loan, Việt Nam và Lào trong tương lai.

Không chỉ Sulbing, mà cả các công ty vận hành các thương hiệu nhượng quyền vừa và nhỏ tại Hàn Quốc cũng đang hướng sự chú ý ra nước ngoài.

The Venti đã ký hợp đồng nhượng quyền tổng thể với công ty 'JKT NETWORKS' của Jordan và thâm nhập vào thị trường Trung Đông. Jordan là quốc gia thứ ba được The Venti lựa chọn sau Canada và Việt Nam, và là "cửa ngõ đầu tiên" vào thị trường Trung Đông.

Thương hiệu quán rượu nhượng quyền Yeokjeon Grandma Beer (Halmaek) gần đây đã khai trương cửa hàng đầu tiên ở nước ngoài tại Jakarta, Indonesia. Việc khai trương cửa hàng này được thúc đẩy dựa trên hợp đồng nhượng quyền tổng thể với Indonesia được ký kết vào ngày 2 tháng 1 năm nay.

Có hai lý do chính khiến các thương hiệu nhượng quyền vừa và nhỏ thâm nhập vào thị trường nước ngoài.

Đầu tiên là quan điểm cho rằng bản thân ngành nhượng quyền thương mại đã đạt đến tình trạng bão hòa tại thị trường trong nước (Hàn Quốc). 

Trên thực tế, theo Ủy ban Thương mại Công bằng, số lượng thương hiệu nhượng quyền tại Hàn Quốc năm 2024 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 12.377 thương hiệu, và số lượng thương hiệu nhượng quyền trong ngành nhà hàng cũng giảm 0,6%. Đây là lần đầu tiên kể từ khi các số liệu thống kê liên quan được tổng hợp vào năm 2019, số lượng thương hiệu nhượng quyền giảm. Mặc dù giá cả và lãi suất cao cùng với sự cố thiết quân luật ngày 3/12 năm ngoái đã có ảnh hưởng đến số lượng thương hiệu nhượng quyền, nhưng việc xu hướng tăng trưởng chậm lại vẫn là điều đáng chú ý.

Lý do thứ hai là hiệu suất hoạt động ở nước ngoài của các thương hiệu nhượng quyền lớn đang ngày càng rõ nét.

Các thương hiệu nhượng quyền lớn đã nhận thấy những hạn chế của nhu cầu trong nước và chủ động tham gia kinh doanh ở nước ngoài. Bên cạnh đó, sau khi nhìn thấy tiềm năng tại các thị trường nước ngoài thì lại tiếp tục thúc đẩy mở rộng đầu tư.

Doanh số của Genesis BBQ Global năm 2024 đã tăng 31,3% so với cùng kỳ năm trước đó, đạt 22,2 tỷ won. Đặc biệt, BBQ đã mở rộng hoạt động kinh doanh tập trung vào thị trường Mỹ, quê hương của đồ ăn nhanh và gà rán, và đã mở cửa hàng tại tổng cộng 32 tiểu bang.

Chủ tịch Tập đoàn Genesis BBQ, ông Yoon Hong-geun cũng bày tỏ tham vọng của công ty và tuyên bố sẽ mở rộng hệ thống nhượng quyền BBQ lên 50.000 cửa hàng vào năm 2030. 

Kyochon F&B China Co. Ltd, một công ty con tại Trung Quốc của Kyochon F&B, đã chứng kiến doanh số tăng 14,4% từ 8 tỷ won năm 2023 lên 9,2 tỷ won năm 2024.

BHC Chicken vận hành 29 cửa hàng tại 7 quốc gia bao gồm Thái Lan, Malaysia, Singapore, Hồng Kông, Hoa Kỳ, Canada và Đài Loan, và cũng có kế hoạch mở rộng sang Đông Nam Á.

Lotteria đã có mặt tại Việt Nam từ khá sớm vào năm 1996, vì vậy sự hiện diện của công ty có thể coi là tương đương với công ty địa phương.

Tính đến năm 2024, với 253 cửa hàng, Lotteria đã đứng đầu thị trường thức ăn nhanh tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, với mục tiêu giới thiệu burger kiểu Hàn Quốc (K-burger) tại Mỹ, Lotteria cũng đang tích cực chuẩn bị cho việc mở cửa hàng đầu tiên tại đây.

Tuy nhiên, sự khác biệt giữa các thương hiệu nhượng quyền lớn và các thương hiệu vừa và nhỏ của Hàn Quốc nằm ở việc thâm nhập thị trường nội địa 'trực tiếp' hay thông qua một thỏa thuận nhượng quyền tổng thể.

Để một công ty nhượng quyền Hàn Quốc có thể thâm nhập trực tiếp vào thị trường nước ngoài, trước tiên trụ sở chính phải thành lập một công ty địa phương, lựa chọn địa điểm, và hơn nữa, ngay cả những chi tiết nhỏ nhất, chẳng hạn như tuyển dụng nhân viên, cũng phải được phối hợp trực tiếp. Điều này cho phép thiết kế cửa hàng phù hợp với mục tiêu của thương hiệu, nhưng vấn đề là tốn rất nhiều thời gian và tiền bạc.

Tuy nhiên, nếu thâm nhập thị trường nước ngoài dưới hình thức nhượng quyền tổng thể với một 'bên nhận nhượng quyền trung gian' tại địa phương, nguồn lực mà trụ sở nhượng quyền phải đầu tư sẽ giảm đáng kể. Rủi ro đầu tư nhờ đó cũng được thu hẹp hơn.

Một chuyên gian trong ngành giải thích: "Thị trường trong nước đã bão hòa đến mức dường tất cả đều đang dõi theo thị trường nước ngoài. Ngoài ra, vì nhiều công ty nhượng quyền đang thâm nhập thị trường nước ngoài vào cùng thời điểm, nên dường như cũng phần nào giúp nâng cao độ nhận diện của thương hiệu với người dân địa phương".

Chuyên gia này cũng cho biết thêm: "Thâm nhập thị trường nước ngoài dưới hình thức nhượng quyền tổng thể chắc chắn ít gánh nặng hơn nhiều so với thâm nhập trực tiếp. Ngay cả các công ty nhượng quyền vừa và nhỏ không có khả năng đầu tư trực tiếp cũng có thể dễ dàng thâm nhập thị trường nước ngoài dưới hình thức nhượng quyền tổng thể".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기