Kinh tế Chính trị

Nếu Nhật Bản tiếp tục siết chặt quy định xuất khẩu trong một thời gian dài thì nền kinh tế Hàn Quốc chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)19:22 09-07-2019

[Ảnh = Kinh tế AJU]


Năm ngoái, lần đầu tiên trong lịch sử, xuất khẩu Hàn Quốc vượt quá 600 tỷ đô la và giữ vai trò quan trọng trong hỗ trợ nền kinh tế Hàn Quốc. Tuy nhiên, trong năm nay, xuất khẩu tăng trưởng âm trong vòng bảy tháng liên tiếp. Mặc dù Chính phủ đã tập trung vào việc ổn định thị trường từ cuối tháng 3 với kì vọng có thể nhìn thấy nền kinh tế phục hồi trong 6 tháng cuối năm. Tuy nhiên, tình hình thực tế có vẻ không được khả quan. Khó khăn chồng chất.

Xuất khẩu các mặt hàng chính giảm, giá bán dẫn giảm trong bối cảnh tranh chấp thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc kéo dài. Đó là chưa kể đến động thái bất ngờ siết chặt quy định xuất khẩu vật liệu bán dẫn thiết yếu của chính phủ Nhật Bản. Đặc biệt, nếu hạn chế xuất khẩu từ phía Nhật Bản kéo dài thì càng ngày người ta càng lo ngại rằng xuất khẩu cũng như toàn bộ nền kinh tế Hàn Quốc có thể bị tổn thương.

Chính phủ tuyên bố sẽ tích cực tìm giải pháp khiến Nhật Bản rút các biện pháp kiểm soát xuất khẩu, đồng thời thực hiện các bước đẩy nhanh dự án nhằm hạ thấp sự phụ thuộc vào nguyên liệu của Nhật Bản. Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng công bố vào ngày 1 tháng 6 rằng giá trị xuất khẩu trong tháng 6 là 44,18 tỷ đô la Mỹ. Đây là mức giảm 13,5% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức giảm cao nhất trong 3 năm 5 tháng kể từ tháng 1 năm 2016. Khi đó xuất khẩu giảm 19,6%. Xuất khẩu bắt đầu giảm từ tháng 12 năm ngoái (-1,7%) và giảm liên tục kể từ đó.

Cụ thể, giảm 6,2% trong tháng 1, giảm 11,4% trong tháng 2, giảm 8,2% trong tháng 3, giảm 2,0% trong tháng 4, giảm 9,4% trong tháng 5 và như đã nói ở trên, giảm 13,5% trong tháng 6. Nói cách khác, xuất khẩu đã thể hiện sự tăng trưởng âm trong 7 tháng liên tiếp. Đây là khoảng thời gian suy giảm xuất khẩu khá dài, chỉ đứng sau giai đoạn suy giảm xuất khẩu dài nhất trong lịch sử (19 tháng liên tiếp từ tháng 1 năm 2015 đến tháng 7 năm 2016). Lý do xuất khẩu chậm chạp là do tranh chấp thương mại Mỹ-Trung kéo dài có tác động tiêu cực đến thương mại thế giới. Sự yếu kém của ngành công nghiệp bán dẫn toàn cầu, hóa dầu và công nghiệp lọc dầu khiến giá đơn vị xuất khẩu giảm mạnh. Đơn giá bán dẫn giảm 33,2% và đơn giá hóa dầu giảm 17,3%.

Như vậy, bất chấp kì vọng của Chính phủ khi đưa ra những nỗ lực vào tháng Ba, tình hình vẫn kém khả quan. Khó khăn chồng chất. Đó là chưa kể đến vào ngày công bố kết quả đáng thất vọng của xuất khẩu tháng 6, Nhật Bản thông báo hung tin rằng sẽ thắt chặt kiểm soát xuất khẩu sang Hàn Quốc đối với ba mặt hàng bán dẫn thiết yếu là photoresist (dùng làm chất cảm ứng cho tấm bán dẫn), hydro fluoride (còn được gọi là khí khắc) và polyimide fluoride (vật liệu thiết yếu để sản xuất màn hình hiển thị của điện thoại thông minh). Việc thắt chặt kiểm soát xuất khẩu bắt đầu từ ngày 4 tháng 7.

Trước đây, chính phủ Nhật Bản đã thực hiện các biện pháp ưu đãi để đơn giản hóa quy trình xuất khẩu các mặt hàng này cho chính phủ Hàn Quốc. Tuy nhiên, giờ đây chính phủ Nhật Bản rút lại các ưu đãi này và thực hiện siết chặt kiểm soát xuất khẩu. Vấn đề là chất bán dẫn chiếm một phần lớn trong xuất khẩu của Hàn Quốc. Năm ngoái, xuất khẩu chất bán dẫn lên tới 126,7 tỷ USD, khoảng 148 nghìn tỷ won, chiếm 20,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Nếu các quy định của Nhật Bản kéo dài khiến sản xuất và xuất khẩu chất bán dẫn bị đe dọa thì ngành công nghiệp này sẽ phải chịu tổn thất nghiêm trọng. Hiện nay, hầu hết các nguyên liệu bán dẫn thiết yếu của Hàn Quốc được nhập khẩu từ Nhật Bản. Trên thực tế, trong số ba sản phẩm, photoresist và polyimide fluoride chủ yếu được nhập khẩu từ Nhật Bản trong năm nay còn tỷ lệ nhập khẩu khí khắc từ Trung Quốc và Nhật Bản là tương tự nhau. Thực tế, Hàn Quốc nhập khẩu khoảng 12,96 triệu đô la polyimide fluoride, một vật liệu màn hình OLED vào tháng 5 năm nay, trong đó 93,7% là từ Nhật Bản.

Người ta ước tính rằng tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể giảm 0,6 điểm phần trăm nếu khối lượng xuất khẩu giảm 10 phần trăm do Nhật Bản kiên trì áp đặt các lệnh trừng phạt. Các ngân hàng đầu tư nước ngoài như Goldman Sachs và Citibank cho biết: mức tồn kho DRAM và NAND trong nước cao và cổ phiếu của các nguyên liệu chính bị hạn chế. Tuy nhiên, nếu nguồn cung nguyên liệu ngừng hoàn toàn trong hơn ba tháng, nó sẽ có tác động tiêu cực đến sản xuất chất bán dẫn trong nước và lợi nhuận của công ty.

Kim Gyu-pan, giám đốc Viện Chính sách kinh tế quốc tế Hàn Quốc (KIEP), cho biết: "Nếu một ngày sản xuất bị phá vỡ, hiệu ứng lan tỏa sẽ rất lớn”. Chính phủ kêu gọi Nhật Bản rút các biện pháp kiểm soát xuất khẩu và quyết định tập trung vào nội địa hóa các bộ phận và thiết bị quan trọng để thay đổi cơ cấu công nghiệp. Chính phủ có kế hoạch xác định các mặt hàng có thể bị chính phủ Nhật Bản xử phạt và giúp thiết lập một nền tảng cho sự tự lực trong thời gian sớm nhất. Chính phủ cũng thúc đẩy chiến lược dài hạn. Cụ thể, trong vòng 10 năm kể từ năm tới, mỗi năm Chính phủ sẽ dành hơn 1 nghìn tỷ won ngân sách cho việc phát triển các bộ phận vật liệu và thiết bị bán dẫn.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기