Đời sống Xã hội

Số người lựa chọn không kết hôn hoặc kết hôn nhưng không sinh con ở Hàn Quốc ngày càng tăng…Giải pháp nào cho vấn đề tỷ lệ sinh thấp?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:54 06-01-2023
Không kết hôn dường như đã trở thành một xu hướng trong xã hội Hàn Quốc. Họ chọn cuộc sống độc thân vì nhiều lý do khác nhau, chẳng hạn như không có tiền, công việc không ổn định, không có đối tượng ưng ý. Tuy nhiên dù là vì lý do gì thì điều này cũng góp phần khiến tỷ lệ sinh vốn đã ở mức thấp của Hàn Quốc càng trở nên trầm trọng hơn.

 

[Ảnh=Getty Images Bank]


Theo kết quả từ Cổng thông tin thống kê quốc gia (KOSIS) vào ngày 6, ước tính số hộ gia đình độc thân (gia đình có 1 thành viên) vào năm 2023 là 7.341.206, tăng khoảng 170.000 so với năm ngoái. Điều này có nghĩa là số hộ gia đình độc thân chiếm khoảng 33,6% tổng số hộ gia đình.

Hộ gia đình độc thân chiếm 27,2% tổng số hộ gia đình vào năm 2015, dự kiến ​​sẽ tăng lên 35,6% vào năm 2030 và 39,6% vào năm 2050. Xét đến việc tỷ lệ hộ gia đình độc thân ở độ tuổi 20 và 30 tương đối cao, số lượng cặp vợ chồng mới cưới giảm theo từng năm, đồng nghĩa với việc số người không kết hôn cũng tăng tương ứng.

Sự gia tăng số lượng hộ gia đình độc thân và tỷ lệ không kết hôn là do sự thay đổi trong suy nghĩ cho rằng hôn nhân là không cần thiết. Ngay cả báo cáo gần đây của Cục Thống kê Quốc gia cũng chỉ ra rằng gần một nửa tổng dân số (45,8%) nghĩ rằng 'không cần thiết phải kết hôn'.

Để phù hợp với xu hướng này, cũng xuất hiện các doanh nghiệp cung cấp các ưu đãi phúc lợi cho nhân viên chưa kết hôn. Theo đó, những nhân viên tuyên bố không kết hôn cũng sẽ được nhận tiền chúc mừng và nghỉ phép có lương như nhân viên đã kết hôn. Hiện tại, mặc dù chỉ mới có một số doanh nghiệp lớn áp dụng phúc lợi cho nhân viên, tuy nhiên khi số lượng người không kết hôn tăng lên, nỗ lực để cân bằng các điều kiện đãi ngộ giữa nhân viên không kết hôn và nhân viên đã kết hôn dự kiến sẽ được mở rộng hơn nữa.

Những thay đổi của các công ty này đang nhận được sự hưởng ứng lớn khi thế hệ trẻ ngày càng có xu hướng ngại kết hôn và quyết tâm sống một mình. Tuy nhiên, xét trên khía cạnh việc không kết hôn là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tỷ lệ sinh thấp thì cũng có không ít ý kiến cho rằng các doanh nghiệp cần phải xem xét thấu đáo hơn về việc áp dụng những phúc lợi này.

Khi tình trạng không kết hôn có xu hướng ngày càng gia tăng, kỳ vọng về tỷ lệ sinh của Hàn Quốc cũng đạt đến mức nghiêm trọng. Tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc (số con mà một phụ nữ dự kiến ​​sẽ có trong đời) là 0,808, mức thấp nhất trong số các nước OECD. Dự đoán đến năm 2070, Hàn Quốc sẽ là quốc gia duy nhất có dân số già vượt quá dân số lao động.

Sự gia tăng của những người kết hôn mà không muốn có con (DINK: Double Income No Kids; tạm dịch: thu nhập nhân đôi, không con cái) cũng là một tín hiệu xấu đối với tỷ lệ sinh thấp. Trong số các cặp vợ chồng mới cưới lần đầu đã kết hôn được 1 đến 5 năm, số cặp vợ chồng không có con tăng từ 35% năm 2017 lên 38% năm 2018 và 42% vào năm 2022. Tỷ lệ kết hôn, cũng như tỷ lệ các cặp vợ chồng đã sinh con, đang cùng ghi nhận xu hướng giảm.

Lee Tae-seok, trưởng nhóm nghiên cứu về cơ cấu dân số của Viện Phát triển Hàn Quốc (KDI), cho biết: "Trong quá khứ, tỷ lệ sinh của xã hội chúng ta cao là do những đứa trẻ lớn lên mà không cần bố mẹ làm gì lớn lao, nhưng bây giờ thì mọi chuyện đã khác xưa rất nhiều. Ngày nay, họ (cha mẹ), những người đã từng trải qua sự bất công trong xã hội, không muốn sinh con ra vì cho rằng họ không thể cho con mình đủ cơ hội."
  
Các tín hiệu cho thấy khủng hoảng kinh tế - xã hội như giảm dân số lao động do tỷ lệ sinh thấp, gánh nặng phúc lợi và tốc độ tăng trưởng giảm đang trở nên rõ ràng hơn. Tuy nhiên vấn đề là chính phủ Hàn Quốc mới chỉ đang thực hiện các biện pháp ngắn hạn chủ yếu là hỗ trợ tiền mặt mà không đưa ra được các giải pháp hoặc chính sách có tầm nhìn trung và dài hạn.

Chính phủ đã thành lập và đang vận hành 'Ủy ban về xã hội về vấn đề già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp', một cơ quan dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống phụ trách các chính sách liên quan đến tỷ lệ sinh thấp. Tuy nhiên Ủy ban này vẫn chưa thể đóng vai trò của như một tháp chỉ huy để xử lý các chính sách dân số phức tạp liên quan tới nhiều bộ ban ngành. Ủy ban này cũng nhận không ít chỉ trích chẳng hạn như ngân sách hàng năm quá ít, không quá 2 tỷ won và phó chủ tịch, người lãnh đạo 19 nhân viên, xuất thân từ chính trị gia và không có tính chuyên môn.

Ngay cả trong 'Định hướng chính sách kinh tế 2023', văn bản tóm tắt sơ lược các chính sách của chính phủ cũng không cho thấy quyết tâm cần có để giải quyết một cách cơ bản vấn đề tỷ lệ sinh thấp. 

Tỷ lệ sinh thấp cũng được chọn là một trong bốn nhiệm vụ chính của chính phủ hiện tại, nhưng chỉ giới hạn ở việc trả 700.000 won tiền mặt mỗi tháng cho các gia đình có con nhỏ từ 0 tuổi, kéo dài thời gian nghỉ phép của cha mẹ để chăm con, và mở rộng đối tượng nhận trợ cấp nghỉ sinh con.

Tất nhiên, hỗ trợ tiền mặt có thể giúp tăng tỷ lệ sinh tạm thời, nhưng đây không phải là một giải pháp hiệu quả cho trung và dài hạn. Ngoài ra, mặc dù chính sách nghỉ sinh con đã được củng cố, nhưng hiệu quả của việc nghỉ sinh con vẫn chưa rõ ràng và việc nghỉ sinh con chủ yếu mới chỉ được áp dụng ở một số công ty lớn.

Kim Dong-soo, nghiên cứu viên cao cấp tại KDI, cho biết: "Hỗ trợ kinh tế (tiền mặt) có thể có tác động tạm thời đến tỷ lệ sinh thấp, nhưng chúng ta không nên kỳ vọng nó sẽ là vĩnh viễn và (chính sách) phải được thiết kế cẩn thận để ngăn chặn điểm mù trong chính sách. Khi kỳ vọng của người dân được cải thiện, việc tạo ra một môi trường trong đó trẻ em có thể được sinh ra và lớn lên là ưu tiên hàng đầu."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기