Đời sống Xã hội

Người dân Hàn Quốc bày tỏ bất bình khi văn hóa "tiền boa" bắt đầu len lỏi vào cuộc sống

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:41 23-08-2023
Những ngày gần đây, người tiêu dùng Hàn Quốc đang không cảm thấy không mấy vui vẻ khi chứng kiến nhiều nhà hàng, quán ăn yêu cầu khách trả thêm "tiền boa" khi thanh toán tiền dịch vụ. Có ý kiến ​​cho rằng việc boa một số tiền nhỏ nếu người phục vụ hoặc nhà hàng cung cấp cho khách hàng chất lượng dịch vụ tốt hơn mong đợi không phải là điều gì đó quá khó khăn. Tuy nhiên cũng có không ít ý kiến cho rằng trong bối cảnh vật giá đã tăng lên tương đối cao, việc yêu cầu khách hàng trả thêm "tiền boa" là quá đáng, khi giá thanh toán cuối cùng đã bao gồm cả chi phí dịch vụ.

 
Hộp tiền boa tip box được đặt ngay tại quầy thanh toán của một cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng tại Hàn Quốc ẢnhChụp màn hình
Hộp tiền boa (tip box) được đặt ngay tại quầy thanh toán của một cửa hàng bánh ngọt nổi tiếng tại Hàn Quốc. [Ảnh=Chụp màn hình]
'Tranh cãi về tiền boa' tại Hàn Quốc ngày càng gia tăng khi nền tảng gọi taxi Kakao T giới thiệu tính năng cho phép đưa tiền boa cho tài xế, cũng như nhiều người đã gặp phải trải nghiệm bị xin tiền boa tại một quán cà phê nổi tiếng trong thời gian gần đây.

Tiền boa (hay còn gọi là tiền bo hoặc tiền tip) là một khoản thanh toán thêm bằng tiền mặt như một phần thưởng cá nhân từ khách hàng dành cho người phục vụ. Tiền boa thường xuất hiện trong ngành dịch vụ, nhất là nhà hàng hay khách sạn, với ý nghĩa tạo động lực, khích lệ cho nhân viên phục vụ vì đã mang đến chất lượng dịch vụ tốt, hơn cả mong đợi.

Từ ngày 19/7, Kakao Mobility, công ty quản lý của Kakao T (một ứng dụng gọi xe taxi tại Hàn Quốc), đã giới thiệu chức năng 'tiền boa' trên cơ sở dùng thử cho Kakao T Blue.

Ngay sau khi sử dụng dịch vụ gọi taxi trên ứng dụng Kakao T, chỉ khi khách hàng đánh giá 5 sao (điểm cao nhất) cho tài xế, cửa sổ tiền boa mới xuất hiện. Sau đó, khách hàng có thể lựa chọn các mức tiền boa từ 1.000 won (18.000 VNĐ), 1.500 won (khoảng 27.000 VNĐ) và 2.000 won (khoảng 35.000 VNĐ). Việc có trả thêm tiền boa cho tài xế hay không cũng không phải bắt buộc mà khách hàng hoàn toàn có quyền quyết định, số tiền boa sẽ được chuyển trực tiếp 100% cho tài xế và Kakao Mobility cũng không thu phí số tiền này.

Gần đây hơn, ngày 18/8 vừa qua trên mạng xuất hiện một bài đăng có nội dung "Ở Yeonnam-dong đã xuất hiện quán cà phê yêu cầu tiền boa". 

Tác giả bài đăng này khẳng định nhân viên nhận order tại quầy đã hỏi: "Quý khách nghĩ sao về tiền boa cho nhân viên làm việc chăm chỉ ạ?" và đưa cho tác giả của bài đăng một máy tính bảng với các lựa chọn 5%, 7% và 10%.

Tuy nhiên, tính xác thực của bài đăng vẫn chưa được xác nhận khi tác giả bài đăng không nói rõ tên của quán cà phê mà giải thích "Do quán cà phê này mới mở nên chưa thể tìm được link quán".

Trước đó, cũng có câu chuyện về việc có người đã thấy một tiệm bánh nổi tiếng đặt một 'hộp tiền boa (tip box)' chứa đầy tiền mặt ở ngay quầy thanh toán.

Ngoài hình thức boa bằng tiền mặt, một số tiệm làm tóc ở Gangnam (Seoul) được cho là đăng bài với hình ảnh là các loại đồ uống, bánh ngọt do khách hàng mua tặng cho nhân viên làm tóc vì khách hàng đã nhận được dịch vụ tốt.

Phản ứng của người tiêu dùng Hàn Quốc đối với văn hóa tiền boa, vốn chỉ thấy ở Mỹ hoặc các nước phương tây, nói chung là tiêu cực. Theo thông tin từ một số cuộc phỏng vấn của Yonhap News, lý do chính được mọi người đưa ra là do chất lượng dịch vụ nhận được tại các nhà hàng hoặc quán cà phê chưa tốt đủ tới mức để có thể trả thêm tiền boa.

Khách hàng họ Na (nhân viên văn phòng, 30 tuổi) bày tỏ "Tôi cũng không quá hiểu văn hóa tiền boa ở nước ngoài, nhưng tôi đặc biệt không thích việc tiền boa xuất hiện ở Hàn Quốc. Tôi không nghĩ dịch vụ mình nhận được đủ tốt đến vậy".

Jeong (29 tuổi), sống ở tỉnh Gyeonggi cũng cho hay "Tôi nghĩ số tiền mà mình thanh toán đã bao gồm cả phí dịch vụ. Vấn đề không phải là chuyển gánh nặng này sang cho người tiêu dùng, mà (chủ các cửa hàng kinh doanh) cần tăng lương cho nhân viên".

Có thể hiểu những khách hàng này nhận định rằng việc boa tiền cho nhân viên đồng nghĩa với việc một phần trong số tiền lương mà đáng lẽ các chủ nhà hàng phải trả cho người lao động đang được đẩy về phía khách hàng, những người vốn đã bỏ tiền ra để sử dụng dịch vụ.

 
Chức năng trả thêm tiền boa trong ứng dụng gọi xe taxi Kakao T ẢnhChụp màn hình
Chức năng trả thêm tiền boa trong ứng dụng gọi xe taxi 'Kakao T'. [Ảnh=Chụp màn hình]
Trên thực tế, văn hóa tiền boa chủ yếu được áp dụng ở Mỹ, là một trong những cách giúp người lao động tại Mỹ bảo đảm mức lương tối thiểu, tuy nhiên nếu áp dụng ở Hàn Quốc thì lại khó chấp nhận do chính phủ Hàn Quốc đã quy định một khung lương tối thiểu là như nhau cho tất cả mọi ngành nghề.

Seo (nhân viên văn phòng, 33 tuổi) cho biết "Việc đưa tiền boa khoảng 10.000~50.000 won cho nhân viên phục vụ tại nhà hàng thịt nướng là tự nguyện, nhưng nếu việc boa thêm tiền bị ép buộc hoặc trở thành nghĩa vụ chính thức thì số tiền này sẽ trở thành gánh nặng (cho người tiêu dùng)".

Kwon (48 tuổi), người từng đến quán cà phê có để hộp tiền boa, cho biết: "Việc boa tiền là tự nguyện tuy nhiên nếu không đưa tiền boa tôi e ngại rằng sẽ bị người khác coi là "kẹt xỉ", thiếu lịch sự. Vì thế sau khi thanh toán khoảng 30.000 won cho đồ uống thì tôi đã bỏ thêm 2.000 won tiền mặt mà tôi có vào hộp tiền boa".

Nếu xem xét một cách chặt chẽ, theo luật hiện hành của Hàn Quốc, nếu nhân viên yêu cầu tiền boa riêng tại nhà hàng hoặc quán cà phê, điều đó có thể vi phạm Đạo luật Vệ sinh Thực phẩm. Trong đó luật này quy định người kinh doanh dịch vụ ăn uống phải "đính hoặc dán bảng giá bên ngoài hoặc bên trong địa điểm kinh doanh và nhận số tiền theo đúng bảng giá". Trong trường hợp này, bảng giá đề cập đến giá mà khách hàng thực sự phải trả, đã bao gồm cả VAT.

Mặt khác, theo một cuộc khảo sát, tại Hàn Quốc cứ 10 người tiêu dùng thì có 7 người có cái nhìn tiêu cực về tiền boa.

Theo kết quả khảo sát của 'Open Survey', một nền tảng về dữ liệu người tiêu dùng, về nhận thức về chức năng tip của các nền tảng gọi taxi, có đến 71,7% số người được hỏi đưa ra câu trả lời là "phản đối", áp đảo so với các ý kiến "tán thành" (17,2%).

Theo một cuộc thăm dò trực tuyến được tiến hành từ ngày 27/7~2/8 do nền tảng bỏ phiếu 'The Poll' thực hiện với 22.959 người, khoảng 61,1% (rất tiêu cực 38,1% + hơi tiêu cực 23%) số người được hỏi trả lời "Tiêu cực" cho câu hỏi "Bạn nghĩ gì về văn hóa tiền boa?".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기