Đời sống Xã hội

Khủng hoảng y tế tại Hàn Quốc…Hàng loạt bác sĩ thực tập, nội trú nộp đơn xin thôi việc và rời khỏi bệnh viện

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:15 20-02-2024
Gần 6.500 bác sĩ thực tập, nội trú tại hơn 100 bệnh viện nộp đơn nghỉ việc Hơn 1.500 người rời khỏi nơi làm việc
Để phản đối quyết định của chính phủ về việc tăng số lượng sinh viên y khoa nhập học từ 3.000 của hiện tại lên thành 5.000, nhiều bác sĩ thực tập và nội trú tại các bệnh viện lớn ở Hàn Quốc đang tham gia phong trào thôi việc tập thể. Cuộc đình công rầm rộ của các bác sĩ thực tập, bác sĩ nội trú đã bắt đầu gây ra tình trạng hỗn loạn tại các bệnh viện, dẫn đến các ca phẫu thuật và điều trị bị trì hoãn hoặc tạm hủy.
 
Một bác sĩ đang di chuyển giữa hành lang đầy các bệnh nhân tại một bệnh viện đại học ở Daegu Ảnh chụp vào chiều ngày 1922024 ẢnhYonhap News
Một bác sĩ đang di chuyển giữa hành lang đầy các bệnh nhân tại một bệnh viện đại học ở Daegu. Ảnh chụp vào chiều ngày 19/2/2024. [Ảnh=Yonhap News]
Tình trạng hỗn loạn tương tự xảy ra vào đầu năm 2020 khi cựu Tổng thống Moon Jae-in thúc đẩy tăng số lượng bác sĩ thực tập sinh thêm 400 người mỗi năm để đạt công suất tuyển sinh hàng năm là 4.000 sinh viên. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc khi đó cũng sớm phải đối mặt với sự phản ứng mạnh mẽ từ các bác sĩ, những người sẵn sàng đình công trên toàn quốc trong bối cảnh đại dịch Covid-19 đang diễn ra.

Các bác sĩ phản đối quyết định của chính phủ, cho rằng chỉ tăng số lượng sinh viên ngành y sẽ không giải quyết được sự chênh lệch trong khu vực và các vấn đề khác nhau liên quan đến chi phí y tế thấp và tình trạng thiếu bác sĩ. Bộ Y tế và Hiệp hội Y khoa Hàn Quốc, hiệp hội đại diện cho khoảng 60% bác sĩ Hàn Quốc, đã đi đến thỏa thuận vào tháng 9/2020 là hoãn mọi hành động, bao gồm cả đình công và tiếp tục thảo luận khi đại dịch COVID-19 lắng xuống. Tuy nhiên, các cuộc thảo luận đã không bao giờ được tiếp tục.

Hành động xin thôi việc tập thể lần này của các bác sĩ được kích hoạt bởi thông báo của Văn phòng Tổng thống đưa ra vào tháng 10 năm ngoái (2023).

Trong đó, Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc cho biết rõ rằng họ sẽ thúc đẩy tăng số lượng sinh viên y khoa mới vào năm 2025. Tổng thống Yoon Suk-yeol cũng bày tỏ ý chí nghiêm khắc, ngụ ý rằng cơ quan hành chính nước này sẽ kiên quyết thúc đẩy việc thay đổi hệ thống tuyển sinh trường y của Hàn Quốc.

Từ ngày 19/2, các bác sĩ nội trú tại 5 bệnh viện lớn (bệnh viện tuyến đầu) của Hàn Quốc bao gồm Bệnh viện Đại học Quốc gia Seoul, Bệnh viện Severance, Trung tâm Y tế Asan, Bệnh viện Samsung Seoul và Bệnh viện St. Mary's của Đại học Công giáo Hàn Quốc, đã đồng loạt gửi đơn xin thôi việc.

Theo thống kê của Bộ Y tế Hàn Quốc sau khi thanh kiểm tra 100 bệnh viện đào tạo lớn, tính đến 11 giờ tối ngày 19/2 đã có tổng cộng 6.415 người (55%) bác sĩ thực tập, nội trú nộp đơn xin thôi việc. Khoảng 25% trong số đó, tương đương 1.630 người, đã thực sự rời khỏi nơi làm việc.

Hậu quả là lịch phẫu thuật tại nhiều bệnh viện đã phải điều chỉnh giảm còn 50% so với thông thường.

Tại 5 bệnh viện top đầu, bác sĩ nội trú chiếm tới 40% tổng số bác sĩ. Do sự đình công đông đảo của các bác sĩ nội trú, một số bệnh nhân phải chờ đợi phẫu thuật vô thời hạn sau khi lịch trình ban đầu bị hoãn lại. Các bệnh viện cũng đang cố gắng ứng phó với tình trạng này bằng cách cử các giáo sư trường y và nghiên cứu sinh (một bác sĩ đã tốt nghiệp trường y và nội trú và đã chọn học thêm một chuyên ngành y học) đến phòng khám.

Tuy đối mặt với phản ứng gay gắt từ cộng đồng y bác sĩ, nhưng chính phủ Hàn Quốc vẫn chưa cho thấy ý định rút lui khỏi lập trường ban đầu. 

Bộ Y tế Hàn Quốc đã yêu cầu các bác sĩ nội trú ở yên tại vị trí công tác và tiếp tục điều trị cho bệnh nhân, đồng thời huy động các phòng khám y tế công cộng và nhân viên quân y để giảm thiểu thiệt hại do thiếu nhân lực. Nếu cần thiết, bác sĩ được phép chẩn đoán bệnh nhân thông qua dịch vụ y tế từ xa, hiện vốn vẫn còn bị hạn chế trong phạm vi tiến hành.

Bộ Y tế cũng một lần nữa nhấn mạnh, chất lượng giáo dục y tế sẽ không suy giảm ngay cả khi số lượng sinh viên y khoa tăng thêm 2.000 người, vì trong quá khứ, chỉ tiêu của các trường y vốn đã nhiều hơn hiện tại.

Theo Bộ Y tế, số sinh viên tại trường y của Đại học Quốc gia Seoul là 260 vào những năm 1980, nhưng hiện tại là 135. Trong cùng thời gian, Đại học Quốc gia Pusan ​​​​giảm từ 208 xuống còn 125 và Đại học Quốc gia Kyungpook giảm từ 196 xuống 110.

Park Min-soo, Thứ trưởng thứ hai về Y tế và Phúc lợi, cho biết: "Điều kiện giáo dục của trường y hiện nay đã được cải thiện vượt trội so với trước đây, bao gồm cả sự gia tăng số lượng giáo sư. Chính phủ đã xem xét kết quả khảo sát nhu cầu của từng trường đại học và xác nhận rằng trường có thể tuân thủ các tiêu chuẩn đánh giá y tế hiện hành ngay cả khi số lượng sinh viên tăng thêm 2.000".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기