Đời sống Xã hội

Lao động nước ngoài tại Hàn Quốc có xu hướng chi tiêu cho bản thân hơn là gửi về cho gia đình

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:15 23-07-2024
Gần đây, người ta nhận thấy tỷ lệ người lao động nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc có xu hướng giữ tiền tại tài khoản và chi tiêu cho cá nhân hơn là gửi về cho gia đình ở quê nhà.
 
ẢnhYonhap News
[Ảnh=Yonhap News]
BC Card đã hợp tác với Global Money Express (GME), một công ty fintech chuyên dịch vụ chuyển tiền ra nước ngoài, và phân tích dữ liệu chuyển tiền và tiêu dùng của hơn 1 triệu người lao động nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc cho thấy số tiền gửi tại tài khoản của cá nhân đã tăng lên so với số tiền gửi đến tài khoản của các thành viên trong gia đình như cha mẹ, anh chị em và vợ/chồng.

Theo kết quả phân tích 6 tháng đầu năm trong 4 năm gần đây, tỷ lệ kiều hối gửi về cho cha mẹ, anh chị em, vợ chồng năm 2021 chiếm hơn một nửa, tức 58%. Tuy nhiên, vào năm ngoái (2023) tỷ lệ chuyển tiền vào tài khoản cá nhân lần đầu tiên vượt quá 20%. Năm nay con số này ghi nhận ở mức 25%, tăng 10 điểm phần trăm so với năm 2021. Trong thời gian này, tỷ lệ chuyển tiền sang tài khoản của gia đình (cha mẹ, anh chị em, vợ/chồng) giảm xuống dưới chỉ còn 49%.

Một quan chức của GME cho biết, "Hiện này, đa người lao động nước ngoài sống ở Hàn Quốc đều là những người trẻ tuổi với đặc điểm coi trọng cuộc sống của bản thân; điều này dường như đã được phản ánh qua tình trạng chuyển tiền. Nếu thế hệ cha mẹ trước đây chủ yếu gửi tiền về để hỗ trợ gia đình thì những người lao động trẻ bây giờ có xu hướng tiết kiệm cho tương lai của bản thân mình hơn".

Mức tiêu dùng của lao động nước ngoài cư trú tại Hàn Quốc cũng chủ yếu được dẫn dắt bởi thế hệ thanh niên từ 20~39 tuổi.

Tính trong 6 tháng đầu năm nay, những người từ 20~39 tuổi lần lượt chiếm 64% và 57% trong số lượt và số tiền sử dụng thẻ. 

3 khu vực dẫn đầu có mức tiêu dùng của lao động nước ngoài sống tại Hàn Quốc tăng cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái là Jeonnam, Gyeongnam và Gangwon. Đặc biệt, tại Jeonnam, cả số lượt sử dụng thẻ (12%) và số tiền sử dụng (7%) đều cao hơn mức trung bình toàn quốc hơn 10 điểm phần trăm.

Theo báo cáo của Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc về tình hình làm việc của người lao động nước ngoài trong quý I/2024, ba khu vực này có tốc độ tăng trưởng lao động nước ngoài cao nhất so với cùng kỳ năm ngoái Gyeongnam 29%, Jeonnam và Gangwon mỗi nơi đều là 27%.

Kết quả phân tích chi tiết về tình trạng sử dụng thẻ của lao động trẻ người nước ngoài tại 3 khu vực này cho thấy các khoản chi tiêu chủ yếu là mua sắm hoặc mua đồ ăn uống.

Đầu tiên, tại vùng Jeonnam, mức tiêu dùng đạt mức cao nhất ở khu vực Yeongam-gun nơi có hơn 10.000 người nước ngoài sinh sống. Ngành có doanh thu tăng cao nhất là phân phối, chiếm 33%. Yeongam-gun là nơi tọa lạc của Khu liên hợp công nghiệp quốc gia Daebul và số lượng công nhân nước ngoài đang tăng lên nhanh chóng do sự bùng nổ gần đây của ngành đóng tàu.

Tại khu vực Gyeongnam, thành phố Gimhae, nơi có khoảng 20.000 công nhân nước ngoài sinh sống, được coi là khu vực có mức tiêu thụ cao nhất, chiếm 30%. Tuy nhiên, chi tiêu nhiều nhất lại chủ yếu vào việc đóng tiền thuê nhà. Được biết khu vực này tìm nhà còn khó hơn tìm việc. Theo đó, Hamyang-gun là chính quyền địa phương đầu tiên tại Hàn Quốc mở ký túc xá cho người nước ngoài vào tháng 4 vừa qua.

Tại tỉnh Gangwon, thành phố Wonju (có khoảng 6.000 người lao động nước ngoài cư trú), ncũng là khu vực ghi nhận mức tiêu thụ cao nhất. Gangwon-do có truyền thống thu hút nhiều lao động nước ngoài trong các ngành nông nghiệp, chăn nuôi và thủy sản nhưng gần đây đã mở rộng sang cả các ngành sản xuất và xây dựng.

Oh Seong-su, người đứng đầu bộ phận kinh doanh dữ liệu của BC Card cho biết: "Trong bối cảnh có tới 2,6 triệu người nước ngoài đang cư trú tại Hàn Quốc, các khoản chi tiêu này giúp ích rất nhiều trong việc phục hồi nền kinh tế địa phương. BC Card sẽ nỗ lực hết sức, tiếp tục giúp thiết lập các chính sách hiệu quả để cung cấp nhiều hỗ trợ khác nhau ứng phó với những thay đổi của xã hội".

Các chuyên gia cho rằng việc sử dụng Internet ngày càng tăng cũng là một yếu tố làm tăng mức "tiêu dùng cho bản thân" của người nước ngoài.

Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, giải thích "Người lao động nước ngoài không sống ở quê nhà nên họ sẽ sử dụng Internet nhiều hơn là dành thời gian cho bạn bè. Có nhiều yếu tố trên Internet thúc đẩy tiêu dùng, thêm vào đó việc mua sắm trực tuyến có đặc điểm là tương đối dễ thực hiện (nên đã dẫn đến kết quả này)".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기