Kinh tế Chính trị

[Kinh tế] Thương mại Việt Nam – Hàn Quốc phát triển đầy khởi sắc

Minh Tân (mintyni@ajunews.com)12:21 10-07-2018
Sau hơn 25 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước, Việt Nam và Hàn Quốc đã và đang nhận được những kết quả phát triển đáng kể. Thương mại giữa hai quốc gia chỉ đạt 500 triệu USD vào thời điểm thiết lập ngoại giao, nhưng cho đến nay thống kê kim ngạch thương mại đã đạt 63,9 tỷ USD, và hướng đến đạt 100 tỷ USD vào năm 2020.

Cùng với tài nguyên phong phú, sức mạnh của đất nước có dân số gần đạt ngưỡng 100 triệu người… Việt Nam đang trở thành một trong những quốc gia có vị trí địa lý chính trị quan trọng bậc nhất trong khu vực và trên thế giới. Việt Nam là nền kinh tế mở thứ hai sau Singapore trong 10 nước ASEAN, đã tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do (FTA) song và đa phương với 55 quốc gia, trong đó có Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc là những đối tác kinh tế hàng đầu thế giới. Ngoài ra trong hơn 200 đối tác thương mại, Việt Nam đã có gần 30 thị trường đạt thành tích xuất khẩu 1 tỷ USD trở lên.
 

[사진=베트남비즈]

Năm 2017, Kinh tế Việt Nam đạt tăng trưởng 6.81%, mức cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây nhờ vào khu vực công nghiệp có mức tăng 9,4%, khu vực dịch vụ đạt tăng trưởng hơn 7% và đặc biệt là sự hồi phục đáng kể của khu vực nông lâm và thủy sản với mức tăng 2,90%. Thặng dư thương mại năm 2017 của Việt Nam là 2,72 tỷ USD, nhờ có phần đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, khi tổng kim ngạch thương mại của khối này có giá trị thặng dư 24,51 tỷ USD.

◆ Kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững nhờ những quyết sách đúng đắn của Chính phủ thông qua các khâu đột phá chiến lược.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 2011-2020 Chính phủ Việt Nam xác định ba khâu đột phá, gồm: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng và cải cách hành chính; Xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn và, Phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào việc đổi mới căn bản nền giáo dục quốc dân, gắn kết chặt chẽ phát triển nguồn nhân lực với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu nền kinh tế với 3 mũi nhọn là: Tái cơ cấu đầu tư công – đầu tư tập trung vào những công trình mang lại hiệu quả Kinh tế - Xã hội cao, tránh dàn trải; Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước theo hướng giảm số doanh nghiệp nhà nước cần nắm giữ; đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa và thoái vốn các doanh nghiệp nhà nước không cần nắm giữ; và Tái cơ cấu hệ thống tài chính, ngân hàng theo hướng hiệu quả hơn, phục vụ tốt hơn yêu cầu của các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

◆ Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam

Hiện nay Việt Nam đã trở thành một điểm đến hấp dẫn cho đầu tư trực tiếp nước ngoài, đã có 104 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam, trong đó đầu tư của Hàn Quốc đứng vị trí thứ nhất, tiếp sau là Nhật Bản, Singapore, Đài Loan.

Theo Tổng cục Thống Kê, trong năm 2017, FDI tại Việt Nam tăng mạnh, từ 26,89 tỷ USD năm 2016 lên tới 35,88, tăng 44,4%. Cộng dồn đến cuối 2017, Việt Nam đã thu hút được 318,72 tỷ USD. Đầu tư nước ngoài đã góp phần quan trọng trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Việt Nam theo hướng công nghiệp hóa khi phần lớn FDI đổ vào công nghiệp chế tạo và chế biến, chiếm trên 53%. Tiếp theo là lĩnh vực bất động sản chiếm 23%, và Sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa chiếm 4%.

◆ Đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam

Trong những năm trước 2014, Hàn Quốc luôn giữ vị trí thứ hai, sau Nhật Bản về FDI tại Việt Nam. Tuy nhiên, kể từ năm 2014 đến 2016, Hàn Quốc vượt qua Nhật Bản trở thành nhà đầu tư thứ nhất trong 3 năm.
 

[Thời báo Kinh tế AJU] Hàn Quốc - Nhà đầu tư lớn nhất vào Việt Nam.


Riêng năm 2017, đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đạt con số kỷ lục gần 8,5 tỷ USD nhưng vẫn đứng thứ hai, sau Nhật Bản vì Nhật Bản mới được cấp Giấy phép đầu tư cho 2 dự án nhà máy điện theo hình thức BOT, nên tổng vốn đầu tư của Nhật bản trong năm 2017 đạt trên 9,1 tỷ USD. Tuy nhiên, tính tổng đầu tư từ trước đến hết năm 2017, Hàn Quốc vẫn dẫn đầu và vượt xa Nhật Bản.

Các Tập đoàn công nghiệp lớn của Hàn Quốc như Samsung, LG, Doosan, Kumho, Posco, Lotte, GS, Hyosung…, các dự án FDI từ Hàn Quốc thời gian qua có xu hướng đầu tư theo hình thức 100% vốn FDI. Với nhiều nguyên nhân có thể kể đến như: các địa phương đều cung cấp dịch vụ hỗ trợ nhà đầu tư nước ngoài trong việc tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam, hỗ trợ tuyển dụng và đào tạo lao động…; Với cộng đồng 5.600 doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam ngày càng lớn mạnh và các đơn vị hỗ trợ như KOTRA, công ty Luật cũng phát triển và dày dặn kinh nghiệm hơn, sẵn sàng hỗ trợ nhà đầu tư ngay từ khi mới bước chân vào Việt Nam; Hơn nữa, hình thức 100% vốn cho phép nhà đầu tư toàn quyền quyết định mọi vấn đề trong quá trình sản xuất kinh doanh, tránh được những bất đồng giữa các bên đối tác liên doanh.

Hiện nay theo thống kê, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã có mặt ở 55 địa phương của cả nước. Trong 05 năm gần đây, Bắc Ninh, Thái Nguyên đã tiếp nhận nhiều dự án lớn của tập đoàn Samsung và Hải Phòng trở thành cơ sở đầu tư quan trọng của LG, đã vươn lên trở thành những địa phương thu hút nhiều nhất đầu tư từ Hàn Quốc, vượt xa so với các địa phương thu hút FDI truyền thống trước đây là Hà Nội, Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…

Qua đó một lần nữa cho thấy, cùng với những kết quả đáng mừng sau chuyến thăm cấp Nhà nước tại Việt Nam của tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đầu năm 2018 vừa qua, chúng ta cùng chờ xem các doanh nghiệp Việt sẽ làm gì để bắc nhịp cầu trong các lĩnh vực thương mại, đầu tư và du lịch sao cho đồng bộ, theo kịp với làn sóng đầu tư đang tăng nhanh từ Hàn Quốc, một đối tác được xem là con rồng châu Á đầy bản lĩnh hiện nay.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기