Động thái thắt chặt các biện pháp bảo hộ nằm trong chiến dịch “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Trump có thể dễ dàng dẫn tới kết cục trả đũa thương mại, thậm chí châm ngòi cho một cuộc chiến thương mại toàn cầu, hoặc chí ít thì cũng dẫn tới các cuộc khẩu chiến triền miên.
Tranh chấp thương mại Mỹ - Trung bắt đầu nổ ra khởi nguồn từ việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố sẽ áp thuế 25% đối với 1.300 mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá lên tới 50 tỷ USD vào tháng 3 đầu năm. Tiếp sau đó Bắc Kinh đáp trả bằng kế hoạch sẽ đánh thuế ngược lại đối với hàng hóa Mỹ.
Tưởng rằng hai bên đã có một số thỏa hiệp sau ba vòng đàm phán thương mại, tuy nhiên đến giữa tháng 6 vừa qua, ông Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp đặt mức thuế 25% đối với 1.102 mặt hàng của Trung Quốc kể từ ngày 6 tháng 7 sắp tới. Không chịu thua kém, Trung Quốc khẳng định sẽ đáp trả biện pháp của Mỹ một cách tương xứng.
Xung đột thương mại Mỹ - Trung tiếp tục leo thang, kéo theo cả ‘bóng mây đen’ lên nền kinh tế toàn cầu khi Tổng thống Mỹ tiếp tục phát biểu rằng sẽ đáp trả với quy mô gấp bốn lần nếu như Bắc Kinh tiến hành các biện pháp thuế quan mới. Và chắc chắn rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không dễ dàng gì chấp nhận việc này.
Chịu ảnh hưởng đầu tiên, chính Trung Quốc là quốc gia mất nhiều hơn từ cuộc chiến thương mại này, chỉ số thị trường chứng khoán Thượng Hải (SCI) đã giảm dưới mức 3.000 điểm lần đầu tiên trong vòng hai năm gần đây. Các cổ phiếu liên quan đến mặt hàng ô tô và phụ tùng linh kiện của một số cổ phiếu Trung Quốc niêm yết ở thị trường nước ngoài cũng liên tục giảm điểm. Thị trường chứng khoán Đài Loan, Hồng Kong cũng đã giảm tới mức 6%.
Bên cạnh đó, các quốc gia phụ thuộc chủ yếu vào xuất khẩu như Hàn Quốc cũng đang tỏ ra hết sức lo ngại khi phải chứng kiến những tác động lớn trong bối cảnh xung đột thương mại Mỹ - Trung ngày càng leo thang. Nguy cơ thị trường chứng khoán sụt giảm và đồng Won cũng sẽ giảm giá. Vào ngày 21/6, chỉ số thị trường chứng khoán Hàn Quốc (KOSPI) đã đóng cửa ở mức 2.337,83 điểm, giảm 1,1% so với một ngày trước đó, và ghi nhận mức thấp nhất trong vòng chín tháng. Cùng ngày, tỷ giá hối đoái won-USD đã đạt mức 1.112,8 won/USD, khiến giá trị đồng won hạ xuống mức thấp nhất trong vòng bảy tháng.
Các thị trường chứng khoán toàn cầu và thị trường ngoại hối đều biến động mạnh trước những lo ngại về khả năng cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bùng nổ một cách toàn diện. Rõ ràng, tâm lý các nhà đầu tư đã bị ảnh hưởng trước nguy cơ rủi ro lan rộng. Tại thị trường chứng khoán Hàn Quốc, từ ngày 5/6 đến ngày 20/6, các nhà đầu tư nước ngoài đã bán ra 1.326 tỷ won (hơn 1 tỷ USD). Ngay cả tại Việt Nam, thị trường chứng khoán được cho là đã có mức tăng trưởng hàng đầu thế giới vào đầu năm 2018 thì đến nay cũng liên tục giảm điểm, do ảnh hưởng lực bán ra của các nhà đầu tư nước ngoài.
Xung đột thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ không chỉ làm tổn thương lẫn nhau, mà còn giáng một đòn mạnh vào kinh tế toàn cầu. Trên tờ Straitstimes, nhận định về quyết định tăng thuế đối với sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu của Tổng thống Mỹ Donald Trump, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khẳng định: "Không có nước nào chiến thắng trong các cuộc chiến thương mại". Do đó, hy vọng chỉ khi Mỹ và Trung Quốc dừng xung đột thì kinh tế thế giới mới tiếp tục mở rộng và thị trường chứng khoán toàn cầu ổn định trở lại.