Ngày 15/10, Hàn Quốc và Triều Tiên nhất trí tổ chức một buổi lễ động thổ vào cuối tháng 11, đầu tháng 12 tới cho dự án hiện đại hóa và kết nối hệ thống đường sắt, đường bộ khu vực biên giới liên Triều.
Thỏa thuận đạt được ngay trong những giờ đầu cuộc đối thoại giữa quan chức cấp cao Hàn Quốc và Triều Tiên diễn ra sáng 15/10 tại Nhà Hòa bình thuộc phía Hàn Quốc ở làng đình chiến Panmunjom. Hai bên cũng nhất trí, trước khi làm lễ động thổ sẽ làm một cuộc khảo sát thực địa đối với hệ thống đường sắt dọc hành lang phía Tây biên giới liên Triều từ cuối tháng 10 và với hệ thống đường sắt dọc biên giới phía Đông vào đầu tháng 11. Chi tiết về hoạt động khảo sát sẽ được hai bên thống nhất thông qua các công hàm trao đổi giữa hai bên.
Dự án kết nối lại tuyến đường sắt liên Triều không chỉ giúp hàn gắn quan hệ Hàn Quốc và Triều Tiên mà còn mang lại nhiều lợi ích khác. Phía Hàn Quốc rất quan tâm đến sự án này bởi nó giúp mở đường cho quá trình hội nhập của Bán đảo Triều Tiên với tuyến đường sắt xuyên Siberia và tuyến đường sắt xuyên Mông Cổ, cho phép Hàn Quốc tăng cường trao đổi hàng hóa với Trung Quốc, Nga, thậm chí mở ra cánh cửa vào Châu Âu cho cả Seoul với Bình Nhưỡng.
Nếu tuyến đường sắt liên Triều tái kết nối, các công ty Hàn Quốc cũng sẽ được hưởng nhiều cơ hội kinh doanh như thành lập các doanh nghiệp liên doanh với các công ty nước ngoài.
Trước đó, Ông Lee Eun-sun, một quan chức đến từ Tập đoàn CJ Logistics cho biết, với tuyến đường sắt đó, công ty này có thể đưa các sản phẩm sản xuất tại Mỹ tới 64 nước nằm giữa châu Âu và Hàn Quốc mà không cần phải vận chuyển bằng đường hàng không như hiện nay.
Công ty Hyundai Glovis, chi nhánh logistics thuộc Tập đoàn Hyundai Motor cũng nhận thấy, đường sắt liên Triều sẽ tạo thuận lợi cho các hoạt động kinh doanh quốc tế của công ty bởi đường sắt này sẽ giúp kết nối với tuyến đường sắt xuyên Siberia, từ đó tạo kết nối trực tiếp từ Hàn Quốc tới châu Âu.