Kinh tế Chính trị

Làm thêm có xu hướng trở thành nghề nghiệp chính tại Hàn Quốc

Thanh Phương (thanhphuongdlu@ajunews.com)10:44 22-04-2019
Cứ 10 người trẻ có 6 người lựa chọn làm thêm thay vì xin việc cố định. Lương tối thiểu tăng được xem là một trong những nguyên nhân chính của sự thay đổi này.

[Ảnh = Yonhap News]


“Làm thêm cũng là năng lực!”

Đó là câu khẩu hiệu do ca sĩ Simon Dominis thực hiện trong quảng cáo ở một trang web chuyên giới thiệu việc làm thêm ở Hàn Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy sự thay đổi lớn trong thị trường tuyển dụng ở Hàn Quốc hiện nay.

Nhận thức về làm thêm của người Hàn Quốc có sự thay đổi mạnh mẽ trong thời gian gần đây phải kể đến ảnh hưởng của việc tăng lương tối thiểu. Bởi lương tối thiểu tăng đã khiến cho các công việc làm thêm cũng trở thành kế sinh nhai đủ để duy trì cuộc sống cho nhiều người.

Tuy nhiên, các chuyên gia Hàn Quốc tỏ ra lo lắng trước hiện tượng này, khi ngành trụ cột của kinh tế là ngành công nghiệp chế tạo đang có nguy cơ yếu thế trong tuyển dụng, bởi đa số người làm thêm chọn các công việc liên quan đến dịch vụ nhiều hơn.

Một khảo sát đối với 825 người trẻ (ở độ tuổi 20, 30) do Job Korea thực hiện cho thấy, có đến 81,1% cho rằng ‘làm thêm cũng là một nghề chính’, trong khi đó chỉ có 18,9% còn lại không đồng tình với suy nghĩ trên. Giải thích cho lý do về nhận thức trên, 31,7% người tham gia khảo sát cho rằng ‘bởi vì chỉ cần làm thêm cũng có thể duy trì kế sinh nhai’.

Bên cạnh đó, nhu cầu làm thêm cũng tăng đáng kể. Có đến 67,4% người tham gia khảo sát trả lời rằng ‘bản thân cũng sẽ có thể lựa chọn làm thêm thay vì xin việc”.

Đại diện Job Korea cho biết: “Lương tối thiểu tăng khiến cho nhiều người trẻ không muốn xin việc mà lựa chọn làm thêm để kiếm tiền. Với ưu điểm không bị bắt buộc phải cố định ở một nơi làm việc, nhiều người trẻ lựa chọn làm thêm để có cuộc sống tự do. Đây là một hình thái mới của thị trường lao động.”

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng hiện tượng này đang làm dấy nên nỗi lo sự thiếu hụt nhân lực trong ngành công nghiệp chế tạo. Việc tăng lương tối thiểu là một trong những nguyên nhân khiến các doanh nghiệp buộc phải tự động hóa ở nhiều khâu sản xuất, cũng như xây dựng các nhà máy ở nước ngoài, khiến số lượng người xin việc có nguy cơ giảm đi.

Hiện tượng này đang xảy ra trên thực tế tại Hàn Quốc. Theo tài liệu của Tổng cục thống kê Hàn Quốc, tháng 1 năm 2013, số lượng lao động xin việc trong lĩnh vực công nghiệp chế tạo là 4,31 triệu người. Tháng 5 năm 2016, con số này đạt mốc 4,6 triệu người, và bắt đầu có xu hướng giảm dần từ sau tháng 5 năm 2017. Đến tháng 3 năm 2019, số lao động xin việc trong các ngành chế tạo đã giảm xuống còn 4,44 triệu người.

Ở chiều ngược lại, số người xin việc trong lĩnh vực dịch vụ ngày càng nhiều, đặc biệt là kể từ sau khi lương tối thiểu tăng lên. Điều này khiến nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự lo ngại đối với thị trường lao động ở lĩnh vực chế tạo sản xuất, bởi đây được xem là một trong những ngành trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기