Kể từ sau khi Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai tại Hà Nội kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào giữa hai phía, thảo luận về phi hạt nhân hóa trên bán đảo Hàn rơi vào tình trạng bế tắc, đồng thời mối quan hệ giữa Hàn Quốc và Triều tiên cũng trở nên nguội lạnh.
Trong lễ kỷ niệm tròn 1 năm Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm (27/4/2018 - 27/4/219) diễn ra hôm thứ bảy, phía Triều Tiên đã không cử đại diện tham dự khiến cho sự kiện chỉ có phía Hàn Quốc đơn phương tổ chức và tham gia. Đối với ý định tổ chức gặp mặt thượng đỉnh liên Triều lần thứ 4 do Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in chủ trương, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un cũng không có bất cứ phản hồi nào thể hiện việc đồng thuận xúc tiến hoạt động này.
Tờ ‘Dân tộc chúng ta’ – đơn vị truyền thông chuyên đưa tin về các vấn đề đối ngoại và quan hệ liên Triều của Triều Tiên số ra ngày 28/4/2019 đã phê phán mạnh mẽ việc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc, đồng thời cho rằng điều này chính là “mồi lửa làm dấy lên căng thẳng trên bán nđảo Hàn, phá vỡ mối quan hệ liên Triều”.
Trước đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin về Hội nghị thượng đỉnh mở rộng Nga-Triều đã trích dẫn phát ngôn của Chủ tịch Kim Jong-un về việc Mỹ thể hiện thái độ không thiện chí trong Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần thứ hai tại Hà Nội hồi cuối tháng 2 vừa qua. Điều này khiến tình hình trên bán đảo Hàn trong thời gian gần đây lâm vào tình trạng bế tắc và nguy hiểm đến mức không thể quay trở lại vạch xuất phát. Nhà lãnh đạo Triều Tiên cũng khẳng định, nước này sẵn sàng đối phó với mọi tình huống.
Triều Tiên cũng kêu gọi và khuyến khích người dân nước này xây dựng nền kinh tế tự lập theo lãnh đạo của đảng, trước tình hình quan hệ hai miền Triều Tiên tiếp tục căng thẳng và các lệnh cấm vận kinh tế của Mỹ chưa được tháo gỡ.
Về phía Hàn Quốc, chính quyền của Tổng thống Moon Jae-in vẫn đang thể hiện nỗ lực và thiện chí trong quan hệ ngoại giao với Triều Tiên. Tổng thống Moon trong đoạn video chúc mừng lễ kỷ niệm tròn 1 năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm cho rằng đây là thời điểm để hai miền nhìn lại và tìm ra hướng đi phù hợp. Đồng thời, Tổng thống Hàn Quốc cũng khẳng định “hòa bình chính là con đường mà hai miền sẽ cùng bước đi”, “vì đây là một con đường mới, con đường phải đi cùng nhau, do đó chúng ta sẽ đợi người đang đến chậm.”