Kinh tế Chính trị

Hàn Quốc lo ngại thâm hụt kép…Kim ngạch thương mại 7 tháng đầu năm ghi nhận thâm hụt lũy kế 15,25 tỷ USD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)10:36 02-08-2022
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài và giá nguyên liệu thô tăng cao, cán cân thương mại của Hàn Quốc tiếp tục chìm trong sắc đỏ trong tháng thứ 4 liên tiếp do tăng trưởng xuất khẩu, động lực tăng trưởng của nền kinh tế Hàn Quốc, đang chững lại. Đặc biệt, cán cân thương mại với Trung Quốc, đối tác thương mại lớn nhất của Hàn Quốc, cũng ghi nhận thâm hụt ba tháng liên tiếp lần đầu tiên sau 30 năm.

Lo ngại về suy thoái kinh tế ngày càng gia tăng trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng của kinh tế Hàn Quốc đang bị thu hẹp toàn bộ do cuộc khủng hoảng '3 cao' (lạm phát cao, tỷ giá hối đoái cao và lãi suất cao) cũng như giá năng lượng và nguyên liệu thô dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong nửa cuối năm.


 

[Ảnh=Yonhap News]


Theo Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng ngày 1, xuất khẩu của Hàn Quốc trong tháng 7 tăng 9,4% lên 60,7 tỷ USD và nhập khẩu tăng 21,8% lên 65,37 tỷ USD. Kết quả là cán cân thương mại thâm hụt 4,67 tỷ USD. Đây là tháng thứ 4 liên tiếp ghi nhận thâm hụt thương mại kể từ tháng 4 (-2,51 tỷ USD) và mức độ thâm hụt cũng đã nới rộng hơn so với tháng trước (-2,575 tỷ USD).

Sau khi bắt đầu thâm hụt vào tháng Giêng, cán cân thương mại đã ghi nhận thặng dư 'bất ngờ' lần lượt là 900 triệu USD và 210 triệu USD trong tháng Hai và tháng Ba, nhưng sau đó lại quay đầu giảm từ tháng Tư.

Thâm hụt thương mại lũy kế từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay đạt 15,25 tỷ USD, cao nhất trong 66 năm kể từ năm 1956 khi các số liệu thống kê liên quan bắt đầu được tổng hợp.

Hơn nữa, những lo ngại ngày càng tăng về việc cán cân thương mại sẽ rơi vào tình trạng thâm hụt kép (twin deficit: được sử dụng để chỉ sự thâm hụt đồng thời tài khoản vãng lai và ngân sách của một quốc gia)' khi cán cân thương mại thâm hụt 4 tháng liên tiếp sau khoảng 14 năm kể từ giai đoạn tháng 6~9/2008 của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Lần cuối cùng Hàn Quốc ghi nhận thâm hụt kép là trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997.

Nhập khẩu tiếp tục tăng, vượt xuất khẩu trong 14 tháng liên tiếp kể từ tháng 6 năm ngoái. Đây là hậu quả của việc giá năng lượng và nguyên liệu thô tăng vọt khi sự bất ổn của chuỗi cung ứng toàn cầu trở nên tồi tệ hơn do cuộc chiến kéo dài giữa Nga và Ukraine.

Đặc biệt, nhập khẩu tháng trước đạt mức cao nhất tính theo tháng do nhập khẩu năng lượng tăng vọt. Kim ngạch nhập khẩu hàng tháng đã duy trì ở mức 60 tỷ USD trong 5 tháng liên tiếp kể từ tháng 3 năm nay.

Tháng trước, kim ngạch nhập khẩu của ba nguồn năng lượng chính là dầu mỏ, khí đốt và than đá đã lên tới 18,5 tỷ USD, tăng 8,79 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (9,71 tỷ USD).

Bộ Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng giải thích rằng trong khi giá của cả ba nguồn năng lượng đều ở mức cao hơn năm ngoái, nhu cầu sử dụng năng lượng tăng lên vào mùa hè khiến nhập khẩu tăng vọt.

Nếu xu hướng nhập siêu tiếp tục kéo dài, có khả năng Hàn Quốc sẽ ghi nhận mức thâm hụt thương mại hàng năm lần đầu tiên sau 14 năm kể từ năm 2008 (-13,27 tỷ USD).

Thâm hụt thương mại trong 4 tháng liên tiếp đồng nghĩa với việc xuất khẩu đang chậm lại và nhập khẩu gia tăng, làm dấy lên lo ngại về tăng trưởng thấp và lạm phát cao.

Theo Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc, xuất khẩu tăng 3,6% so với quý trước, dẫn đầu tăng trưởng kinh tế trong quý đầu tiên, nhưng giảm 3,1% trong quý thứ hai.

Trong tháng 7, nhập khẩu tăng 21,8% so với một năm trước đó, nhưng về lượng lại giảm 3,6%.

Điều này có nghĩa là sự gia tăng nhập khẩu chủ yếu bị ảnh hưởng bởi đơn giá tăng, làm dấy lên lo ngại rằng hiện trạng vật giá leo thang sẽ vẫn còn tiếp tục tiếp diễn.

Seong Tae-yoon, giáo sư tại Đại học Yonsei, cho biết, "Mặc dù giá trị đồng won hiện tại đang suy yếu, cán cân thương mại vẫn không cải thiện, vì vậy về cơ bản điều kiện xuất khẩu đang không tốt. Vì nhập khẩu tăng mạnh phần lớn là do đơn giá tăng nên kim ngạch nhập khẩu sẽ đóng vai trò là yếu tố làm tăng áp lực lên lạm phát của Hàn Quốc."

Triển vọng xuất khẩu nửa cuối năm cũng không mấy sáng sủa. Điều này là do các ngân hàng trung ương của các nước lớn, chẳng hạn như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đang tăng cường thắt chặt tiền tệ để ứng phó với tình hình lạm phát cao, gây căng thẳng cho nền kinh tế. Nền kinh tế Mỹ gần đây ghi nhận mức tăng trưởng âm trong quý thứ hai liên tiếp, làm dấy lên lo ngại về một cuộc suy thoái toàn cầu.

Tiếp tục nhập siêu cũng có thể làm cho thị trường tài chính trở nên bất ổn.

Joo Won, trưởng phòng nghiên cứu kinh tế tại Viện nghiên cứu Hyundai cho biết "Thị trường tài chính nhạy cảm với các cán cân thương mại. Nếu nhập siêu kéo dài, có khả năng ngoại hối sẽ thoát ra nước ngoài, và khi đó tỷ giá sẽ tăng cao hơn nữa."

Ngoài ra, đồng won giảm giá (tỷ giá hối đoái tăng) làm tăng giá nhập khẩu và ảnh hưởng đến giá tiêu dùng.

Giáo sư Kim Jeong-sik của Đại học Yonsei cho biết "Sự thâm hụt cán cân thương mại làm giảm độ tín nhiệm đối ngoại có khả năng sẽ được phản ánh trong tỷ giá hối đoái. Xét đến thâm hụt thương mại gần đây với Trung Quốc, khả năng cạnh tranh xuất khẩu đang suy yếu và có thể gây ảnh hưởng xấu đến tốc độ tăng trưởng về lâu dài."

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기