Đời sống Xã hội

Cuộc sống chồng chất khó khăn khiến số lượng người trẻ tuổi tại Hàn Quốc mắc chứng trầm cảm ngày càng tăng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:07 14-09-2022
Những người trẻ ở độ tuổi 20 và 30, nhóm đối tượng hoạt động tích cực nhất trong xã hội ở thời điểm hiện tại, đang ngày càng có nhiều nguy cơ phải đối diện với nhiều vấn đề về tâm lý và tinh thần. Lý do chủ yếu là bởi cơ hội việc làm bị thu hẹp do dịch COVID-19 kéo dài, tình trạng mất an toàn việc làm gia tăng, và căng thẳng trong cuộc sống trở nên trầm trọng hơn do lạm phát và lãi suất đều tăng cao. Giống như cảm lạnh thông thường, bất cứ ai cũng có thể mắc bệnh trầm cảm. Tuy nhiên nếu không được điều trị, các triệu chứng sẽ nặng dần khiến cho thời gian hồi phục kéo dài hơn và làm giảm chất lượng cuộc sống.

Theo số liệu thống kê của Cục Kiểm tra và Đánh giá Bảo hiểm Y tế, số bệnh nhân đến khám tại các bệnh viện vì trầm cảm đã tăng 33,9% trong 4 năm từ 680.169 năm 2017 lên 910.785 người năm 2021. Chỉ riêng năm 2021, gần 1 triệu bệnh nhân đã đến bệnh viện vì trầm cảm. Đặc biệt, tỷ lệ bệnh nhân điều trị trầm cảm ở độ tuổi 20 và 30 tăng 45,7% trong cùng thời kỳ, cho thấy cứ 10 bệnh nhân trầm cảm thì có 3~4 người là người trẻ tuổi. Trong số đó, trầm cảm ở độ tuổi 20 là nghiêm trọng nhất. Những người ở độ tuổi 20 được điều trị trầm cảm đã tăng 127,9% từ 76.246 vào năm 2017 lên 173.745 vào năm 2021, mức tăng lớn nhất so với tất cả các nhóm tuổi.

Cho Seong-jun, giáo sư tâm thần học tại bệnh viện Kangbuk Samsung cho biết “Chứng trầm cảm ở thanh thiếu niên đang ở mức độ nghiêm trọng. Nguyên nhân chính của chứng trầm cảm ở thanh niên là căng thẳng, khó khăn trong trường học, hôn nhân và bất ổn kinh tế, và các cơ hội việc làm bị thu hẹp do ảnh hưởng của COVID-19."

Nguyên nhân của trầm cảm rất đa dạng, bao gồm các yếu tố sinh học như sự mất cân bằng của chất dẫn truyền thần kinh trong não, và căng thẳng quá mức do học hành, việc làm, hôn nhân và gia tăng lo lắng về kinh tế. Trầm cảm có thể dẫn đến giảm sút tâm trạng, lo âu và gây khó ngủ, mệt mỏi dẫn đến tình trạng kém tập trung, suy giảm nhận thức. Cảm giác thèm ăn có thể giảm hoặc ngược lại tăng lên bất thường. Bệnh trầm cảm được chẩn đoán khi các triệu chứng này kéo dài hầu như hàng ngày hoặc duy trì trong cả ngày.

Trầm cảm có thể được khắc phục bằng cách chẩn đoán, điều trị và quản lý sớm. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng nếu bệnh trầm cảm được điều trị sớm, tỷ lệ chữa khỏi có thể đạt khoảng 80% trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, nếu bỏ qua thời gian điều trị ban đầu, các triệu chứng nặng dần lên sẽ khiến cho thời gian hồi phục kéo dài hơn, làm giảm chất lượng cuộc sống. Đặc biệt, trầm cảm thường được cho là điểm khởi đầu cho những lựa chọn cực đoan.

Bệnh trầm cảm ở mức độ trung bình hoặc nặng hơn có thể phải dùng thuốc chống trầm cảm tùy từng bệnh nhân. Các loại thuốc chống trầm cảm khác nhau giúp cân bằng các chất dẫn truyền thần kinh khác nhau liên quan đến chứng trầm cảm để các triệu chứng có thể thuyên giảm nhanh chóng.

Để vượt qua chứng trầm cảm, bệnh nhân cần tìm cách điều trị chuyên nghiệp và tạo ra những thay đổi trong cuộc sống chẳng hạn như tập thể dục thường xuyên và nhận đủ ánh sáng mặt trời sẽ giúp kích hoạt việc tiết ra serotonin (còn được gọi là 'hormone hạnh phúc'). Đặc biệt, thay vì che giấu cảm xúc chán nản bệnh nhân nên hạn chế uống rượu, thay vào đó cố gắng dành thời gian để tâm sự với những người thân thiết hoặc chuyên gia điều trị của mình để phần nào xoa dịu đi những cảm giác tiêu cực.

Giáo sư Cho cũng nhấn mạnh: "Khi nghi ngờ mắc bệnh trầm cảm, đừng trì hoãn mà hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa và và nhận điều trị nếu cần thiết. Đặc biệt, vì trầm cảm không phải do suy nhược nên không cần phải đổ lỗi cho bản thân và có thể điều trị đầy đủ thông qua tư vấn chuyên môn và dùng thuốc chống trầm cảm."

 

[Ảnh=Getty Images Bank]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기