Lee Jae-yong, người đã nhận chức phó chủ tịch của Samsung Electronics vào năm 2012, sau 10 năm đã chính thức lên nắm giữ chức chủ tịch tập đoàn.
Mặc dù phó chủ tịch Lee (con trai của cố chủ tịch Lee Kun-hee) đã lãnh đạo công việc quản lý tổng thể với tư cách là người đứng đầu tập đoàn trong suốt khoảng thời gian qua, tuy nhiên với chức danh 'Chủ tịch Samsung', kỷ nguyên 'Samsung Lee jae-yong' đến nay đã chính thức mở ra.
Samsung Electronics đã tổ chức một cuộc họp hội đồng quản trị vào ngày 27/10 và đưa ra thông báo về việc quyết định thăng chức cho Lee Jae-yong làm chủ tịch tập đoàn.
Hội đồng quản trị Samsung Electronics giải thích rằng quyết định này được đưa ra vì cần phải gấp rút ▲ Tăng cường quản lý trách nhiệm ▲ Nâng cao tính ổn định trong kinh doanh cho tập đoàn trong bối cảnh điều kiện đối ngoại toàn cầu đang xấu đi.
Đề án thăng chức chủ tịch Lee Jae Yong được đề xuất bởi chủ tịch hội đồng quản trị Kim Han Jo, giám đốc bên ngoài, và được biểu quyết thông qua thảo luận với hội đồng quản trị.
Theo đó, Chủ tịch Lee sẽ được chính thức nhận chức chủ tịch chính thức sau hơn 4 năm được Ủy ban Thương mại Công bằng chỉ định là người lãnh đạo của tập đoàn Samsung vào năm 2018.
Cũng là hai năm kể từ khi cố Chủ tịch Lee Kun-hee, qua đời vào tháng 10/2020 và 31 năm kể từ khi ông gia nhập Samsung Electronics vào năm 1991. Quá trình nhận chức chủ tịch của Chủ tịch Lee Jae-yong chậm hơn so với cố Chủ tịch Lee Kun-hee khoảng 9 năm, người lên nắm quyền chủ tịch ở tuổi 45 vào tháng 12/1987.
Chủ tịch Lee, 54 tuổi, gia nhập Samsung Electronics vào năm 1991 sau khi tốt nghiệp trường Trung học Kyungbok và Khoa Lịch sử Phương Đông tại Đại học Quốc gia Seoul.
Sau khi hoàn thành chương trình học, Lee Jae-yong trở lại Samsung Electronics với vai trò trợ lý giám đốc điều hành tại phòng kế hoạch kinh doanh vào năm 2001, bắt đầu tham gia vào các công việc kinh doanh một cách nghiêm túc và trở thành giám đốc điều hành vào năm 2003.
Năm 2004, ông tham gia quản lý toàn diện với tư cách là giám đốc đã đăng ký của một liên doanh giữa Samsung Electronics và Sony, và vào tháng 1/2007, ông được thăng chức thành giám đốc điều hành và giám đốc khách hàng (CCO).
Năm 2008, Lee Jae-yong từ chức giám đốc khách hàng để làm việc trên tuyến đầu của các hoạt động ở nước ngoài của Samsung Electronics. Năm 2009, Tòa án Đại án Hàn Quốc tuyên bố Samsung không phạm tội trong việc kế thừa quyền quản lý, và sự kế thừa của tập đoàn này dần trở nên rõ ràng.
Vào tháng 5 năm 2014, sau khi Lee Kun-hee đổ bệnh do nhồi máu cơ tim cấp tính, Lee Jae-yong tiếp quản công việc kinh doanh. Vào tháng 5/2015, ông trở thành chủ tịch của Samsung Life Charity Foundation và Samsung Culture Foundation. Năm 2016, ông trở thành giám đốc đã đăng ký của Samsung Electronics và bắt đầu chuẩn bị cho việc kế nhiệm. Tuy nhiên, do dính líu đến vụ hối lộ cựu Tổng thống Park Geun-hye, ông đã bị cơ quan công tố điều tra lần đầu với tư cách là nhân chứng vào tháng 11 năm đó. Tháng 5/2017, ông bị kết án 5 năm tù, trở thành người đứng đầu tập đoàn Samsung đầu tiên phải ngồi tù.
Sau khi bị kết án quản chế và được trả tự do tại phiên tòa phúc thẩm vào tháng 2/2018, chủ tịch Lee đã cố gắng bắt đầu 'hệ thống Lee Jae-yong' bằng cách tiết lộ tầm nhìn về 'New Samsung (Samsung mới)' kế thừa tinh thần của cố chủ tịch Lee Kun-hee. Tuy nhiên vào tháng 1/2021, chủ tịch Lee Jae-yong lại bị kết án 2 năm 6 năm tù giam.
Vào tháng 5/2020, ông đã tổ chức một cuộc họp báo để xin lỗi công chúng lần đầu tiên với tư cách là người đứng đầu công ty và tuyên bố 'từ bỏ quản lý 4 thế hệ', theo đó sẽ không truyền lại quyền quản lý cho các con của mình, và thành lập Ủy ban Tuân thủ Samsung.
Chủ tịch Lee được tạm tha vào tháng 8/2021, nhưng vẫn bị hạn chế hoạt động kinh doanh do quy định giới hạn quyền lực 5 năm sau khi mãn hạn tù. Vào tháng 8 năm nay, tất cả các hạn chế đã được dỡ bỏ khi chủ tịch Lee Jae-yong được ân xá đặc biệt nhân Ngày Giải phóng 15/8.
Là động thái chính thức đầu tiên sau khi được phục chức, chủ tịch Lee đang tăng cường các hoạt động của tập đoàn chẳng hạn như lễ khởi công khu phức hợp R&D bán dẫn tại khuôn viên Giheung của Samsung Electronics, cũng như thăm các địa điểm kinh doanh trong và ngoài nước của các chi nhánh lớn của tập đoàn bao gồm Samsung Engineering, Samsung SDS, Samsung Life và Samsung Biologics.
Theo đó, dự kiến sẽ sớm có một thông điệp "New Samsung" tiếp nối "Tuyên bố quản lý mới tại Frankfurt" năm 1993 của chủ tịch Lee Kun-hee với câu nói bất hủ "Hãy thay đổi tất cả ngoại trừ vợ và các con của bạn."
Cũng có những quan sát cho rằng, với danh hiệu chủ tịch, Lee Jae-yong sẽ tích cực mua lại và sáp nhập (M&A) trong các lĩnh vực kinh doanh mới trong tương lai như sinh học, trí tuệ nhân tạo (AI), viễn thông thế hệ tiếp theo.
Sự chú ý cũng tập trung vào việc liệu tháp điều khiển của Samsung, hiện đang ở cấp lực lượng đặc nhiệm (taskforce·TF), có được khôi phục lại như một tổ chức chính thức hay không.
Vào cuối tháng 2/2017, Samsung đã bãi bỏ Văn phòng Chiến lược Tương lai, vốn là tháp kiểm soát của tập đoàn và đang vận hành ba lực lượng đặc nhiệm (TF) được chia thành các bộ phận bao gồm tăng cường hỗ trợ kinh doanh (Samsung Electronics), nâng cao năng lực cạnh tranh tài chính (Samsung Life Insurance), tăng cường năng lực cạnh tranh EPC (thiết kế, mua sắm và xây dựng) (Samsung C&T).
Việc thăng chức giúp ông Lee trở thành lãnh đạo doanh nghiệp quyền lực bậc nhất tại Hàn Quốc. Chức vụ này tuy không khác biệt nhiều so với thời gian gần đây khi ông gần như đã là lãnh đạo trên thực tế, tuy nhiên việc danh chính ngôn thuận là tân chủ tịch sẽ giúp việc quản lý của ông Lee trở nên suôn sẻ hơn. Được biết, chủ tịch Lee sẽ vẫn tiếp tục làm việc không nhận lương trong thời gian này.