Bộ trưởng Bộ Thương mại Công nghiệp và Năng lượng Hàn Quốc Lee Chang-yang đã có chuyến thăm tới Hà Nội, Việt Nam vào ngày 22 để tham dự Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Hàn Quốc lần thứ 12 và Ủy ban hỗn hợp FTA Việt-Hàn lần thứ 6 nhằm thảo luận về các biện pháp mở rộng hợp tác kinh tế giữa hai quốc gia.
Chuyến thăm này của Bộ trưởng Lee có thể được coi là bước triển khai tiếp theo những thành tựu đã đạt được trong chuyến thăm cấp nhà nước của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tới Hàn Quốc vào ngày 5/12 vừa qua bao gồm 'Biên bản ghi nhớ hợp tác về khoáng sản hiếm' được ký kết giữa Bộ Công nghiệp hai nước.
Phát biểu khai mạc tại Ủy ban Hỗn hợp về Công nghiệp do Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Nguyễn Hồng Diên chủ trì, Bộ trưởng Lee cho biết: "Hàn Quốc và Việt Nam đã luôn hợp tác chặt chẽ trong 30 năm qua kể từ khi thiết lập quan hệ ngoại giao. Với hội đàm thượng đỉnh Hàn-Việt vào 5/12, quan hệ ngoại giao của hai nước đã chính thức được nâng cấp lên thành Đối tác chiến lược toàn diện. Tôi hi vọng chúng ta có thể cùng nhau chia sẻ tầm nhìn về tương lai của 2 nước trong 30 năm tới tại cuộc họp Ủy ban hỗn hợp về công nghiệp và thương mại lần này."
"Hai nước sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác chặt chẽ trên nhiều lĩnh vực trong thời gian tới như đảm bảo chuỗi cung ứng ổn định, ứng phó với biến đổi khí hậu, điều phối môi trường thương mại toàn cầu", Bộ trưởng Lee nhấn mạnh.
Cùng ngày, hai nước đã thảo luận về các biện pháp tăng cường hợp tác kinh tế mới cùng với việc tiếp nối các thành tựu hợp tác kinh tế đạt được tại hội nghị cấp cao đầu tháng 12, tập trung vào 3 lĩnh vực: thương mại, tài nguyên năng lượng và kỹ thuật công nghiệp.
Trong lĩnh vực thương mại, hai bên nhất trí hợp tác để đạt mục tiêu thương mại song phương 100 tỷ USD vào năm 2023 và mục tiêu thương mại song phương 150 tỷ USD vào năm 2030, nội dung vốn đã được đề cập nhân dịp hội nghị thượng đỉnh hồi đầu tháng 12. Để đạt được mục tiêu này, hai nước sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác thông qua các nền tảng thương mại đa phương mà cả hai quốc gia đều tham gia chẳng hạn như IPEF và RCEP; đồng thời chia sẻ tình hình các khâu xử lý của phía Việt Nam đối với việc ký kết "Bản cam kết thực hiện các điều khoản tích lũy xuất xứ FTA Anh-Việt" vốn đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh hôm mùng 5.
Về 'Biên bản ghi nhớ hợp tác chuỗi cung ứng khoáng sản hiếm' cũng đã được ký kết tại hội nghị thượng đỉnh vừa qua, hai nước sẽ hợp tác trên cơ sở toàn diện liên quan đến khoáng sản hiếm (xúc tiến thương mại/đầu tư, duy trì chuỗi cung ứng, phát triển công nghệ, v.v.); cùng với đó hai nước cũng quyết định tăng cường hợp tác trong lĩnh vực năng lượng và tài nguyên hướng tới mục tiêu trung lập carbon, chẳng hạn như năng lượng sạch (hydro, năng lượng mặt trời, năng lượng gió, v.v.) và sản xuất điện LNG.
Bộ trưởng Lee cũng đề nghị Chính phủ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ để các công ty Hàn Quốc có công nghệ và kinh nghiệm xuất sắc có thể tham gia vào các dự án thăm dò, phát triển mỏ dầu khí và phát điện LNG tại Việt Nam.
Tại Ủy ban Công nghiệp hỗn hợp Hàn Quốc-Việt Nam lần thứ 12, hai bên đã ký tổng cộng 3 Biên bản ghi nhớ, bao gồm 'Bản ghi nhớ hợp tác về nhà máy điện hạt nhân', 'Biên bản ghi nhớ hợp tác năng lượng sạch' và 'Biên bản ghi nhớ về tư vấn năng lượng'. Biên bản ghi nhớ hợp tác về nhà máy điện hạt nhân bao gồm việc trao đổi thông tin và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực nhà máy điện hạt nhân giữa các cơ quan của hai nước.
Măt khác, trong khuôn khổ chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Lee cũng tổ chức gặp gỡ các doanh nghiệp Hàn Quốc đã vào Việt Nam, động viên các doanh nghiệp đi đầu trong hợp tác kinh tế giữa hai nước và lắng nghe các đề xuất cũng như khó khăn từ các doanh nghiệp.