Đời sống Xã hội

Tỷ lệ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc tăng gấp đôi sau 6 năm…Mức độ hài lòng về cuộc sống ở top cuối OECD

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:23 27-12-2022
Theo kết quả của "Báo cáo Chất lượng Cuộc sống của Trẻ em và Thanh thiếu niên năm 2022" được công bố vào ngày 27, năm 2021 tại Hàn Quốc tỷ lệ tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng lên, đạt mức cao nhất mọi thời đại kể từ năm 2000. Tỷ lệ trẻ em và thanh thiếu niên bị lạm dụng cũng có xu hướng gia tăng nhanh chóng trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

 

Học sinh ở một lớp học tại Trường tiểu học Hwajeong ở thành phố Jeonju. [Ảnh=Yonhap News]


◇ Tỷ lệ tự tử của trẻ em và thanh thiếu niên là 2,7 trên 100.000 người…Liên tục tăng kể từ năm 2015

Theo báo cáo, trong số trẻ em và thanh thiếu niên từ 0 đến 17 tuổi, vào năm ngoái có 2,7 trên 100.000 người chết do tự tử. Đây là con số cao nhất kể từ năm 2000.

Tỷ lệ tự tử tăng từ mức 1,2 năm 2000 lên 2,6 năm 2009 và sau đó giảm xuống 1,4 năm 2015. Tuy nhiên, kể từ sau năm 2015, tỷ lệ này đã liên tục tăng, ghi nhận mức tăng gần gấp đôi sau 6 năm. Đặc biệt, nó đã tăng đáng kể trong thời kỳ dịch Covid-19 từ 2,1 năm 2019 lên 2,5 năm 2020 và 2,7 năm 2021.

Xét theo nhóm tuổi, tỷ lệ tự tử là 9,5/100.000 người ở độ tuổi 15~17, 5/100.000 người ở độ tuổi 12~14. Có thể thấy rằng tuổi càng lớn thì tỷ lệ tự tử càng cao.

Một quan chức của Văn phòng Thống kê Quốc gia cho biết, "Có vẻ như 'Corona Blue' (chứng trầm cảm do Covid-19 gây ra) đã gây ra một số ảnh hưởng nhất định đến xu hướng này. Mối quan hệ với bạn bè là rất quan trọng nhưng dường như thời gian qua nhiều em đã cảm thấy bị cô lập."

Tỷ lệ nhận thức về căng thẳng, cho thấy mức độ căng thẳng của học sinh cấp hai và cấp ba, đã tăng từ 34,2% vào năm 2020 lên 38,8% vào năm ngoái.

◇ Tỷ lệ trẻ em là nạn nhân bị lạm dụng cao kỷ lục (502,2 trên 100.000 người)

Trong thời gian Covid-19 bùng phát, số lượng nạn nhân bị lạm dụng là trẻ em cũng tăng đột biến.

Năm ngoái, trong số trẻ em và thanh thiếu niên từ 0 đến 17 tuổi, tỷ lệ bị lạm dụng là 502,2 trên 100.000 người, mức cao nhất từ ​​trước đến nay, cũng là mức tăng mạnh so với mức 401,6/100.000 người vào năm 2020.

Nhiều ý kiến cho rằng có một phần ảnh hưởng của việc trẻ em phải ở nhà trong một thời gian dài do Covid-19.

Việc cải thiện nhận thức về lạm dụng trẻ em dường như cũng đã tác động đến các con số. Đặc biệt, có vẻ như các báo cáo liên quan đã tăng lên do 'sự cố Jung In' bé gái 16 tháng tuổi qua đời do bị cha mẹ nuôi bạo hành vào tháng 10/2020.

Mặt khác, tỷ lệ bị bạo lực từ bạn bè đã giảm từ 8,5% vào năm 2018 xuống còn 5,9% vào năm 2020 do thời gian học online ở nhà (vì Covid-19) tăng lên.
 

Mức độ hài lòng về cuộc sống ở các nước OECD [Ảnh=Tổng cục thống kê]


◇ 47% trẻ em tham gia các lớp học thêm sau giờ học…Sự hài lòng về cuộc sống của thanh thiếu niên thấp nhất trong OECD

Thời gian giải trí vào các ngày trong tuần của trẻ em và thanh thiếu niên đã tăng lên.

Trong số trẻ em và thanh thiếu niên 9~17 tuổi, tỷ lệ thời gian rảnh rỗi từ 3 tiếng trở lên vào các ngày trong tuần đã tăng từ 34,7% vào năm 2019 lên 41,8% vào năm 2021.

Tuy nhiên, các hoạt động chính sau giờ học là học thêm cũng tăng lên.

Năm 2018, khi hỏi trẻ em và thanh thiếu niên từ 9~17 tuổi thường làm gì sau giờ học, 47,3% trả lời là đến các trung tâm dạy thêm hoặc học gia sư. Con số này tương đương mức tăng 6,7 điểm phần trăm so với năm 2013 (40,6%).

Ngoài ra, mức độ hài lòng về cuộc sống của trẻ em và thanh thiếu niên Hàn Quốc cũng đã trở nên tồi tệ hơn.

Mức độ hài lòng của trẻ em và thanh thiếu niên từ 9~18 tuổi giảm từ 6,99 điểm năm 2017 xuống 6,80 điểm năm 2020. Trong đó, điểm càng gần 10 thì mức độ hài lòng càng cao.

Khi so sánh mức độ hài lòng với cuộc sống của thanh niên 15 tuổi ở Hàn Quốc với các nước thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), thì vị trí của Hàn Quốc chỉ xếp thứ 26/30 quốc gia được khảo sát.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기