Đời sống Xã hội

Cuộc sống ở thành phố nào của Hàn Quốc khiến người trẻ tuổi cảm thấy hài lòng nhất?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:26 06-12-2023
Theo kết quả khảo sát về mức độ hài lòng với cuộc sống của thanh niên Hàn Quốc từ 20~39 tuổi sống tại 6 thành phố đô thị lớn (thành phố trực thuộc trung ương) và thủ đô Seoul, thành phố có mức độ hạnh phúc cao nhất là Busan và khu vực có mức độ hạnh phúc thấp nhất là thành phố Incheon.
 
Mức độ hài lòng với cuộc sống của thanh niên Hàn Quốc ở 7 thành phố trực thuộc trung ương ẢnhNAFI
Mức độ hài lòng với cuộc sống của thanh niên Hàn Quốc ở 7 thành phố trực thuộc trung ương. [Ảnh=NAFI]
Theo báo cáo 'Sự hài lòng về cuộc sống của thanh niên ở các thành phố lớn: Tập trung vào 7 thành phố trực thuộc trung ương' do Viện Tương lai Quốc hội (National Assembly Futures Insitute·NAFI) công bố vào ngày 4, thành phố có 'mức độ hạnh phúc' của thanh niên cao nhất là Busan với 7,34 điểm (trên thang điểm 10); ngược lại Incheon là thành phố được thanh niên đánh giá là có mức độ hạnh phúc thấp nhất với 6,14 điểm.

Các vị trí còn lại lần lượt là Daejeon xếp thứ hai (7,04 điểm), tiếp theo là Daegu (6,86 điểm), Seoul (6,82 điểm), Ulsan (6,66 điểm) và Gwangju (6,50 điểm).

Báo cáo này sử dụng 'Khảo sát Hạnh phúc Hàn Quốc' do NAFI thực hiện năm 2022, phân tích câu trả lời của 2.151 thanh niên từ 20~39 tuổi sống ở Seoul, Busan, Daegu, Incheon, Gwangju, Daejeon và Ulsan.

'Mức độ hài lòng chung với cuộc sống' cũng được cho là có cùng thứ tự với 'mức độ hạnh phúc'. Mức độ hài lòng của giới trẻ ở Busan cao nhất với 4,96 điểm (trên thang điểm 7), tiếp theo là Daejeon (4,94 điểm), Seoul (4,86 điểm) và Daegu (4,77 điểm). Incheon lại tiếp tục là thành phố có mức độ hài lòng thấp nhất với 4,56 điểm.

'Mức độ hài lòng với tiêu chuẩn sinh hoạt' cao nhất cũng thuộc về Busan (6,88 điểm). Tiếp theo là Daejeon (6,60 điểm), Ulsan (6,26 điểm) và Seoul (6,25 điểm). Ngược lại các khu vực có mức độ hài lòng tương đối thấp là Gwangju (5,80 điểm) và Incheon (5,77 điểm).

'Mức độ hài lòng và cảm thấy an toàn về môi trường nơi cư trú' cao nhất lại tiếp tục thuộc về Busan (6,87 điểm) và thấp nhất là ở Incheon (5,98 điểm). 

Mặt khác, báo cáo cũng khảo sát các yếu tố như sự cô đơn, buồn rầu trong cuộc sống sinh hoạt hàng ngày cũng như thời gian di chuyển để tới chỗ làm.

Theo đó, Seoul và Incheon là hai thành phố có tỷ lệ cô đơn và phiền muộn cao nhất.

Seoul là thành phố được người tham gia khảo sát đánh giá cao nhất về 'mức độ hài lòng về sức khỏe' với 7,32 điểm; còn Ulsan nhận đánh giá thấp nhất với 6,66 điểm. Tuy nhiên, tần suất cảm thấy cô đơn và phiền muộn, liên quan đến sức khỏe tâm thần ở khu vực vùng thủ đô lại cao nhất. Trong đó, về chỉ số cô đơn thì Incheon (1,40 điểm) là cao nhất, theo sau là Seoul (1,33 điểm), Gwangju (1,25 điểm) và Daejeon (1,20 điểm). Mức độ u uất cao nhất cũng là Incheon (1,37 điểm).

Thời gian đi làm trung bình của thanh niên ở khu vực đô thị cũng dài hơn.

Thời gian di chuyển trung bình từ nhà tới chỗ làm ở Seoul (71,77 phút) và Incheon (66,01 phút) đều hơn một giờ, gần gấp đôi so với các thành phố khác. Không có sự khác biệt đáng kể giữa các thành phố như Busan (43,97 phút), Ulsan (43,39 phút), Gwangju (39,85 phút), Daegu (38,40 phút) và Daejeon (34,37 phút).

NAFI cho biết: "Chúng tôi xác nhận rằng trong khi thanh niên đang chuyển đến các khu vực đô thị như Seoul và Incheon để tìm việc làm, học tập, v.v., thì sự hài lòng với chất lượng cuộc sống của giới trẻ ở các thành phố lớn trong khu vực vùng thủ đo là không cao. Điều này được cho là do các điều kiện (sự hài lòng trong cuộc sống) giảm xuống dưới mức mong đợi so với chi phí sinh hoạt cao ở các khu vực này".

"Seoul và Incheon là những khu vực tập trung nhiều dân cư trẻ tuổi nhưng mức độ cảm thấy cô đơn và trầm cảm lại tương đối cao. Chúng ta cần đưa ra các biện pháp hỗ trợ để ngăn chặn cảm giác bị cô lập xã hội của giới trẻ", NAFI nhấn mạnh thêm.
 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기