Kinh tế Chính trị

Những sự kiện nổi bật tại Hàn Quốc năm 2022 ②

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)09:49 30-12-2022
※ Lời người biên tập: Năm 2022 đã đi đến những ngày cuối cùng, khoảng thời gian phù hợp để chúng ta cùng nhìn lại và đánh giá về một năm vừa qua. Tin tức Hàn Quốc nào trong năm qua để lại ấn tượng sâu sắc đối với bạn đọc? Sự kiện quan trọng nào đã xảy ra tại Hàn Quốc trong năm qua mà bạn đọc cảm thấy đáng nhớ nhất? Kinh Tế AJU đã chọn lọc ra những tin tức, sự kiện nổi bật của Hàn Quốc năm 2022 và sẽ cùng bạn đọc điểm lại những khoảnh khắc khó quên và xúc động trong một năm qua.

5. Phóng thành công tên lửa tự phát triển NURI

 

Tên lửa NURI được phóng thành công vào quỹ đạo ngày 21/6/2022 giúp Hàn Quốc trở thành quốc gia thứ 7 (sau Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc) đưa được tên lửa tự chế tạo ra ngoài vũ trụ. [Ảnh=Yonhap News]


Ngày 21/6, Bộ trưởng Bộ Khoa học, Công nghệ và Thông tin và Truyền thông (Bộ KH&CN) Lee Jong-ho chính thức xác nhận phương tiện phóng NURI (KSLV-II) của Hàn Quốc đã được phóng thành công và đi vào quỹ đạo dự kiến.

Vụ phóng thành công NURI, đánh dấu sự xuất hiện của của Hàn Quốc trong lĩnh vực khoa học công nghệ vũ trụ, gần 30 năm sau khi Hàn Quốc phóng tên lửa quan sát khoa học đầu tiên 'KSR-I' vào tháng 6/1993. Theo đó, Hàn Quốc đã trở thành quốc gia thứ 7 phóng thành công tên lửa tự phát triển trên lãnh thổ của mình sau Mỹ, Nga, Liên minh Châu Âu, Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Bộ trưởng Lee đã tổ chức một cuộc họp báo tại trung tâm báo chí tại Trung tâm Vũ trụ Naro ở Goheung-gun, Jeollanam-do vào cùng ngày, "Hôm nay, chúng ta đứng ở một thời điểm quan trọng không chỉ trong lịch sử khoa học và công nghệ ở Hàn Quốc, mà còn trong lịch sử của Hàn Quốc."

6. 'Squid Game' tạo ra cơn sốt trên toàn cầu…Giành giải quan trọng của Emmy Award

 

Nam tài tử Lee Jung-jae và đạo diễn Hwang Dong-hyuk của bộ phim truyền hình "Squid Game" tại lễ trao giải Primetime Emmy lần thứ 74 được tổ chức tại Nhà hát Microsoft ở Los Angeles, Mỹ vào ngày 12/9/2022. [Ảnh=Yonhap News]


'Squid Game (tên tiếng Việt: Trò chơi con mực)' đã viết nên một trang sử mới cho phim truyền hình Hàn Quốc tại lễ trao giải Primetime Emmy lần thứ 74 được tổ chức tại Nhà hát Microsoft ở Los Angeles, California vào chiều ngày 12/9 (theo giờ địa phương). Giải thưởng Emmy là giải thưởng danh giá nhất trong ngành phát thanh truyền hình Hoa Kỳ và được tổ chức bởi Viện Hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Truyền hình Hoa Kỳ kể từ năm 1949. 

Đạo diễn Hwang Dong-hyuk và nam diễn viên chính Lee Jung-jae đã trở thành người Hàn Quốc·người không nói tiếng Anh đầu tiên giành được Giải thưởng Emmy danh giá cho hạng mục Đạo diễn xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất.

'Squid Game' là một bộ phim truyền hình kể về câu chuyện của những người tham gia vào một trò chơi sinh tồn bí ẩn với giải thưởng 45,6 tỷ won, liều mạng để trở thành người chiến thắng cuối cùng. Bộ phim đã được phát hành vào tháng 9/2021 và nhận được sự yêu thích trên toàn thế giới.

7. Siêu ứng dụng Kakaotalk gián đoạn khiến cả Hàn Quốc 'tê liệt'

 

Hàng chục triệu người dùng Kakaotalk đã không thể sử dụng dịch vụ trong ngày 15/10. [Ảnh=Yonhap News]


Vào ngày 15/10, một vụ hỏa hoạn tại trung tâm dữ liệu của SK C&C ở Pangyo đã gây ra gián đoạn dịch vụ nghiêm trọng, khiến ứng dụng KakaoTalk ngừng hoạt động và ảnh hưởng đến 53 triệu người dùng toàn cầu. 


KakaoTalk không hoạt động khiến cuộc sống của hàng triệu người Hàn Quốc bị đảo lộn. Người dùng không thể trả tiền cho các vật dụng hàng ngày tại cửa hàng tiện lợi, đặt thực phẩm và hàng hóa, khó đặt taxi theo thói quen, việc xem bản đồ cũng bị vô hiệu hóa.

Quá trình khôi phục được nhanh chóng thực hiện tuy nhiên vẫn phải mất 127 giờ 30 phút (hơn 5 ngày) để tất cả các dịch vụ bao gồm cả thanh toán, ngân hàng, game,... được khôi phục hoàn toàn.

Sau khi bình thường hóa lại hệ thống, Kakao đã tổ chức một cuộc họp khẩn cấp vào ngày 19/10 và tuyên bố xin lỗi công chúng, đồng thời CEO Kakao Namgung-hoon cũng đã xin từ chức.

Người ta đánh giá rằng sự cố "sập Kakao" này cho thấy lỗ hổng của 'xã hội siêu kết nối', nơi con người với con người, con người với vật thể, thậm chí cả thông tin được kết nối chặt chẽ với nhau.
 

8. 'Thảm họa giẫm đạp' kinh hoàng đêm Halloween ở Itaewon 

 

Hình ảnh một người dân đã rơi nước mắt sau khi đến viếng và đặt hoa tại bàn thờ tưởng niệm chung cho các nạn nhân của thảm họa Itaewon tại quảng trường Seoul ở Jung-gu, Seoul. Ảnh chụp ngày 31/10/2022. [Ảnh=dbeorlf123@ajunews.com]


Tối 29/10, tại Itaewon-dong, quận Yongsan, Seoul đã xảy ra một vụ tai nạn giẫm đạp nghiêm trọng khiến hơn 300 người thương vong.

Vụ việc xảy ra trong một con hẻm dốc dài khoảng 50m và rộng 4m cạnh khách sạn Hamilton ở Itaewon khiến tổng cộng 158 người thiệt mạng và 196 người bị thương, trong số các nạn nhân có nhiều người nước ngoài và phần lớn là thanh niên ở độ tuổi 20~30.

Đây là tai nạn là tồi tệ nhất ở Hàn Quốc kể từ vụ chìm tàu ​​chở khách Sewol năm 2014 khiến 304 người thiệt mạng đồng thời cũng là tai nạn tồi tệ nhất ở Seoul kể từ vụ sập khu mua sắm Sampoong năm 1995 khiến 502 người thiệt mạng. 

Sau vụ tai nạn, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã có bài phát biểu trước người dân, tuyên bố từ ngày 20/10 đến ngày 5/11 sẽ là quốc tang, đồng thời quận Yongsan được chỉ định là "khu vực thiên tai đặc biệt" để triển khai các biện pháp hỗ trợ gia đình tang quyến và những người bị thương.

Cảnh sát Hàn Quốc cũng ngay lập tức thành lập một trụ sở điều tra đặc biệt để điều tra kỹ lưỡng nguyên nhân vụ tai nạn và quy trách nhiệm cho những người có liên quan. Quốc hội Hàn Quốc đã mở cuộc điều tra các vấn đề nhà nước kéo dài 45 ngày và lần lượt bắt giữ Chủ tịch quận Yongsan Park Hee-young, cựu chỉ huy trưởng đồn cảnh sát Yongsan phụ trách khu vực quận Itaewon Lee Im-jae và một số nhân vật có liên quan khác. Hiện, vụ việc vẫn đang được tiếp tục điều tra.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기