Đời sống Xã hội

[AJU Phỏng vấn] Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng "Giao lưu nhân dân Việt Nam - Hàn Quốc là nền tảng cho quan hệ song phương về chính trị, an ninh và kinh tế"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)18:40 10-03-2023
Trong khuôn khổ chuyến thăm cấp cao của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc từ ngày 4~6/12/2022, vào ngày 5/12/2022, lãnh đạo cấp cao của Việt Nam và Hàn Quốc đã thống nhất thông qua "Tuyên bố chung Việt Nam - Hàn Quốc về quan hệ 'Đối tác chiến lược toàn diện'" qua đó nâng cấp quan hệ ngoại giao song phương lên Đối tác chiến lược toàn diện; mở ra chương hợp tác mới, cao hơn, sâu rộng hơn giữa hai nước trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến là hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân hai nước.

Về khía cạnh này, phóng viên Kinh Tế AJU đã có cuộc phỏng vấn bằng văn bản với Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng.


 

Đại sứ Việt Nam tại Hàn Quốc Nguyễn Vũ Tùng [Ảnh=Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc]

 
Việt Nam và Hàn Quốc kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 2022. Tháng 12 năm ngoái, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Yoon Suk-yeol đã nhất trí nâng cấp quan hệ song phương lên "đối tác chiến lược toàn diện". Theo Đại sứ, Hàn Quốc và Việt Nam có thể làm gì để tiếp tục làm sâu sắc thêm mối quan hệ song phương?

Trong Tuyên bố chung nâng cấp quan hệ lên tầm đối tác chiến lược toàn diện, lãnh đạo hai nước đã nhất trí triển khai quan hệ song phương trên các mặt. Cụ thể là: (i) Tăng cường hợp tác chính trị, ngoại giao cũng như quốc phòng, an ninh; (ii) Mở rộng và làm sâu sắc hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác phát triển; (iii) Hợp tác về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu và nông nghiệp, năng lượng; (iv) Hợp tác khoa học công nghệ, thông tin truyền thông; (v) Hợp tác lao động, y tế, giáo dục; (vi) Hợp tác cơ sở hạ tầng và phát triển đô thị; (vii) Hợp tác văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân; (viii) Hợp tác trong các vấn đề khu vực và quốc tế. Nhiều dòng hành động cụ thể đã được nêu lên trong từng lĩnh vực hợp tác này.

Đây chính là sự cụ thể hóa của chủ trương nâng cấp quan hệ lên một mức cao hơn, đồng thời là sự thể hiện chất toàn diện và chiến lược của mối quan hệ theo khuôn khổ mới, và do đó còn là cơ sở để các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp và người dân xây dựng các kế hoạch công tác cụ thể để đóng góp vào quan hệ giữa hai nước. Năm 2023 là năm hai nước bắt tay vào triển khai các lĩnh vực hợp tác kể trên.

Trước khi đi vào các lĩnh vực, dự án hợp tác cụ thể, tôi thấy hai bên cần tiếp tục củng cố lòng tin, nhận thức rõ hơn về điểm đồng lợi ích, và củng cố cơ chế hợp tác. Đây là những yếu tố quan trọng củng cố nền móng vững chắc cho quan hệ hợp tác hiệu quản.

Ngoài ra, hai bên cần ưu tiên một số lĩnh vực cụ thể như tăng cường trao đổi cấp cao; tích cực xử lý vấn đề thâm hụt thương mại; quan tâm tốt hơn đến các mối giao lưu nhân dân ngày càng tăng lên giữa hai nước; tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác về khoa học, giáo dục, đào tạo, nghiên cứu giữa hai nước, nhất là giữa các cơ sở trường Đại học và Viện nghiên cứu.

Trong đó, Đại sứ nhấn mạnh, các mối giao lưu nhân dân thuộc trụ cột con người, là nền tảng cho quan hệ chính trị-an ninh và kinh tế, cần được quan tâm thường xuyên, liên tục, nhất là trong khi các biện pháp hạn chế chống dịch Covid đã được dỡ bỏ. Luồng người du lịch, lao động và thăm viếng cần được đưa trở lại mức trước dịch Covid. Các chính sách quan tâm đến cộng đồng người dân hai nước đang làm ăn, học tập và sinh sống ở hai nước (khoảng 240,000 người Việt Nam ở Hàn Quốc và 180,000 người Hàn Quốc ở Việt Nam) cũng cần được đẩy mạnh.
 
Hàn Quốc là quốc gia đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nhiều nhất vào Việt Nam. Việt Nam cũng là đối tác thương mại lớn thứ ba của Hàn Quốc. Theo một cuộc khảo sát gần đây của KIET và KOCHAM, bất chấp mối quan hệ đối tác mạnh mẽ này, gần một nửa số công ty Hàn Quốc đang kinh doanh tại Việt Nam dự đoán rằng môi trường kinh doanh có thể xấu đi. Chính phủ Việt Nam có kế hoạch nào để cải thiện môi trường kinh doanh cho các công ty có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các công ty Hàn Quốc không?

Hàn Quốc là đối tác FDI lớn nhất của Việt Nam, đến nay có khoảng gần 9600 dự án và hơn 81 tỷ USD tổng vốn đầu tư còn hiệu lực của nhà đầu tư Hàn Quốc, doanh nghiệp Hàn Quốc có mặt trên khắp các tỉnh thành và mọi lĩnh vực kinh tế. Đồng thời đóng góp tích cực vào quá trình công nghiệp hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hội nhập quốc tế của Việt Nam cũng như là trụ cột quan trọng trong quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam - Hàn Quốc.

Một trong những ưu tiên hàng đầu, xuyên suốt của Chính phủ Việt Nam là cải thiện môi trường đầu tư. Việt Nam tiếp tục cố gắng xây dựng môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, tuân thủ các tiêu chuẩn, thông lệ quốc tế, các cam kết tại các FTA đa phương và song phương mà Việt Nam tham gia cũng như phù hợp với đặc thù, trình độ phát triển của Việt Nam với tinh thần 2 bên cùng có lợi. Việt Nam tiếp tục ưu tiên tạo chuyển biến hơn nữa trong 3 lĩnh vực trụ cột là cải cách thể chế gắn với hiệu quả, hiệu lực trong thực thi; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; hiện đại hóa hạ tầng cứng và mềm. 

Đối với Nhà đầu tư nước ngoài nói chung, Việt Nam có rất nhiều cơ chế đối thoại như Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) thường niên do đích thân Thủ tướng Chính phủ chủ trì. Đối với doanh nghiệp Hàn Quốc, có Cơ chế đối thoại cấp Phó Thủ tướng kinh tế Việt Nam - Hàn Quốc; Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế và khoa học; Ủy ban hỗn hợp về Hợp tác Thương mại, Công nghiệp và Năng lượng Việt Nam – Hàn Quốc. Lãnh đạo các địa phương, đặc biệt nơi có nhiều nhà đầu tư Hàn Quốc, thường xuyên tổ chức các buổi đổi thoại định kỳ với doanh nghiệp Hàn Quốc để lắng nghe, xử lý các vướng mắc, tìm ra các động lực tăng trưởng mới. Đa số các địa phương, cơ quan ban ngành Việt Nam đều có cách tiếp cận rất tích cực, cởi mở với doanh nghiệp Hàn Quốc, nhiều nơi có các Korea Desk chuyên biệt.

Ngoài ra, Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (Korcham) tại Việt Nam đang hoạt động hết sức tích cực, hiệu quả không chỉ thúc đẩy quan hệ hợp tác kinh tế mà còn tìm hướng giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp trong quá trình kinh doanh cũng như tư vấn chính sách để Việt Nam tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư. Chúng tôi cũng đánh giá cao Viện Nghiên cứu Công nghiệp Hàn Quốc (KIET) từ năm 2021 đã phối hợp với Korcham tổ chức khảo sát diện rộng về tình hình kinh doanh của doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam. Kết quả khảo sát có ý nghĩa rất thiết thực để các cơ quan Chính phủ Việt Nam có thể đưa ra các phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt đối với những vấn đề mang tính chủ quan như chính sách và thực thi.
 
Bên cạnh hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư; hai nước có thể hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh hàng hải, biến đổi khí hậu, hòa bình và ổn định khu vực, y tế cộng đồng. Theo Đại sứ, đâu là cơ hội để Việt Nam và Hàn Quốc hợp tác trong các lĩnh vực này?

Khuôn khổ quan hệ mới mang lại nhiều cơ hội hợp tác giữa hai nước trên tầm khu vực và quốc tế.

Hợp tác giữa hai nước trên lĩnh vực chính trị và ngoại giao sẽ góp phần vào quá trình duy trì trật tự quốc tế dựa trên đề cao luật pháp quốc tế, qua đó thúc đẩy hòa bình, ổn định khu vực và thế giới. Đặc biệt, hai bên có cơ hội đẩy mạnh hợp tác trong việc đề cao ASEAN đóng vai trò trung tâm trong các cơ chế khu vực nhất là khi ASEAN đang triển khai tầm nhìn ASEAN về Ấn độ dương - Thái bình dương và Hàn Quốc triển khai chiến lược Ấn độ dương - Thái bình dương và sáng kiến đoàn kết Hàn Quốc – ASEAN (KASI).

Sự hiểu biết và lòng tin cho phép hai bên mở rộng sang các lĩnh vực mới như hợp tác quốc phòng, an ninh biển, can dự sâu hơn vào các vấn đề có tác động đến hòa bình ổn định khu vực như vấn đề Triều Tiên, biển Đông,..). Ngoài ra, hai bên cần và có thể phối hợp chặt chẽ hơn về lập trường và chính sách với các nước lớn và các vấn đề có tính nguyên tắc trong quan hệ quốc tế đang vận động nhanh chóng và phức tạp.

Trên lĩnh vực kinh tế, ngoài hợp tác song phương, việc Việt Nam và Hàn Quốc tích cực tham gia các cơ chế kinh tế đa phương như ASEAN, APEC, RCEP, CPTPP và IPEF sẽ giúp hai nước củng cố vị thế trong quá trình xây dựng luật chơi trong các cơ chế đa phương, nhất là trong các cơ chế đang hình thành. Qua đó, hai nước cũng góp phần vào việc ổn định và xây dựng mới chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, cũng như tạo điều kiện để hai bên hợp tác tiếp cận hiệu quả thị trường thứ ba, mở rộng dư địa hợp tác, vươn ra khỏi khuôn khổ song phương.
 
Bên cạnh kinh tế, thương mại thì trao đổi văn hóa cũng là một lĩnh vực vô cùng quan trọng trong quan hệ song phương Việt Nam - Hàn Quốc. Vậy Đại sứ và Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc đã chuẩn bị những kế hoạch gì để thúc đẩy hơn nữa giao lưu văn hóa giữa hai nước? Và liệu trong tương lai sẽ có một trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc hay không?

Trong năm 2022 khi hai nước tổ chức các hoạt động kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ, nhiều hoạt động trao đổi văn hóa đã được tổ chức tại Hàn Quốc tiêu biểu như Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc (Seoul), Ngày văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc (Gwangju, tỉnh Geoynggi), Lễ hội Văn hóa lần thứ 10 (Quảng trường Gwanghwamun, Seoul) cũng như nhiều triển lãm nghệ thuật, ca nhạc dân tộc và hiện đại, liên hoan phim, trình diễn thời trang, giới thiệu ẩm thực, giới thiệu sách. Các hoạt động tương tự cũng đã được tổ chức ở Việt Nam.

Trong năm 2023, hai nước vẫn tiếp tục có kế hoạch tổ chức các chương trình giao lưu văn hóa đa dạng phong phú như trên.

Một trung tâm văn hóa Việt Nam tại Hàn Quốc được hình thành để điều phối các hoạt động sẽ góp phần thúc đẩy hơn nữa trao đổi văn hóa, qua đó hỗ trợ các hoạt động quảng bá du lịch, đầu tư, thương mại và hỗ trợ cộng đồng.

Trong khi Việt Nam đang tiến tới việc xây dựng một trung tâm văn hóa như vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động chính sau đây cũng tạo ra sự giao lưu văn hóa khá hiệu quả.

Thứ nhất là tăng cường giao lưu nhân dân. Luồng người chuyển dịch giữa hai nước thông qua du lịch, du học, lao động, kinh doanh, và gia đình đa văn hóa làm tăng số lượng người dân sinh sống ở hai nước Việt Nam ở Hàn Quốc. Đây chính là những “sứ giả văn hóa” của hai nước Việt Nam và Hàn Quốc.

Thứ hai, phát triển các nhà hàng. Đây cũng là những kênh hiệu quả giới thiệu văn hóa nói chung và ẩm thực nói riêng của hai nước. Riêng ở Hàn Quốc, các món ăn như Phở, Bánh mì, Nem, và Cà phê Việt Nam đã được ngày càng nhiều người Hàn Quốc yêu thích. Các nhà hàng Hàn Quốc ở Việt Nam cũng giúp lan tỏa Làn sóng Hàn trong công chúng Việt Nam.

Thứ ba, đẩy mạnh phổ biến các nội dung văn hóa dựa trên nền tảng kỹ thuật số.  Đây là kênh rất hiệu quả để theo đó các hoạt động giao lưu văn hóa online có thể diễn ra nhiều hơn, nhanh hơn, và tiếp cận đông đảo công chúng hơn.

Thứ tư, đồng hành cùng các trung tâm hỗ trợ gia đình đa văn hóa, tổ chức sinh viên của các trường Đại học, hội người Việt, hội người Hàn trong cộng đồng. Các tổ chức, hội đoàn kể trên thường xuyên tổ chức hoạt động sinh hoạt cộng đồng có nhiều nội dung quảng bá văn hóa, từ đó góp phần tăng cường giao lưu văn hóa cũng như giữ gìn bản sắc dân tộc cũng như giúp đỡ các thành viên trong cộng đồng hòa nhập vào cuộc sống ở sở tại.

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc rất vui lòng và sẽ tích cực tham gia, đồng hành với các đối tác Việt Nam và Hàn Quốc trong các hoạt động kể trên.
 
Ngày càng có nhiều người Hàn Quốc đến Việt Nam sau khi các hạn chế về Covid-19 được nới lỏng/dỡ bỏ. Không biết Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc và chính phủ Việt Nam có chương trình, chính sách nào mới để thu hút thêm nhiều khách du lịch Hàn Quốc hơn không?

Từ tháng 3/2022, Việt Nam đã mở cửa trở lại. Các đường bay được nối lại, các hạn chế liên quan đến phòng dịch như xét nghiệm, cách ly đã được dỡ bỏ hoàn toàn. Khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam dưới 15 ngày không cần phải xin visa. Theo đó, luồng khách du lịch Hàn Quốc tới Việt Nam đã bắt đầu tăng dần. Trong năm 2022, trên 3,66 triệu khách du lịch quốc tế đến Việt Nam, trong đó khách Hàn Quốc chiếm tỉ lệ cao nhất (26,4%, tương đương khoảng 965.000 lượt người). Mức tăng trưởng riêng trong tháng 12 là 39,7%.

Hiện nay Việt Nam đang có một số biện pháp để tăng cường thu hút khách du lịch Hàn Quốc. Tổng cục Du lịch cả hai nước đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giai đoạn 2023~2024 với các cam kết về tổ chức các hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch, trao đổi thông tin phát triển du lịch, chuyển đổi số và thúc đẩy liên thông hệ thống thẻ du lịch thông minh.

Các doanh nghiệp du lịch Việt Nam cùng các địa phương tổ chức nhiều tour du lịch mới, nâng cấp chất lượng phục vụ như lưu trú, nghỉ dưỡng, ẩm thực, di chuyển, và hướng dẫn viên du lịch. Các hãng hàng không cũng đang hướng tới khai thác các đường bay theo lịch trình trước dịch. Bên cạnh đó, công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách cũng như ngăn chặn một số hành vi ép giá cũng được tăng cường để đảm bảo du khách có kỳ nghỉ đáng nhớ và an toàn ở Việt Nam.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기