Đời sống Xã hội

Có gì ở cửa hàng pop-up đầu tiên của hãng mỳ quốc dân Nongshim?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:54 31-01-2023
"Chỉ cần nhìn thấy màu đỏ thôi là tôi đã cảm thấy như được tiếp thêm sức lực rồi."

Đó là lời chia sẻ của chị Yoo Seon-young (29 tuổi, nhân viên văn phòng), một trong những khách tham quan tại cửa hàng bán lẻ tạm thời (pop-up store) của Shin Ramyun, sản phẩm mỳ ăn liền số 1 Hàn Quốc thuộc thương hiệu Nongshim.

Sau 2 ngày mưa liên tục ở Seoul, chiều thứ 6 (13/1) phóng viên Kinh Tế AJU đã trực tiếp tới cửa hàng pop-up của Shin Ramyun tại Seongsu-dong để tìm hiểu xem liệu cửa hàng pop-up đầu tiên của hãng mỳ quốc dân sẽ có gì thú vị mà thu hút nhiều khách hàng tới tham quan, trải nghiệm đến vậy. 


 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Cửa hàng pop-up 'Shin Ramyun Cafeteria' là một không gian thực tế được tái hiện lại từ chính thiết kế của cửa hàng Shin Ramyun trong nền tảng Naver metaverse thực tế ảo 'Zepeto'. Nongshim đã khai trương 'Shin Ramyun Cafeteria' tại S Factory ở Seongdong-gu (Seoul) vào ngày 9/1 và sẽ vận hành cửa hàng này trong 1 tháng cho đến hết ngày 8/2. Đây là lần đầu tiên một sự kiện ngoại tuyến quy mô lớn với chủ đề tập trung vào 'Shin Ramyun' (sản phầm mỳ ăn liền chủ lực của Nongshim) được tổ chức, 37 năm sau khi sản phẩm này chính thức ra mắt vào năm 1986.

Jeon Hyung-ku, quan chức của Nongshim cho biết "Chúng tôi dự định tạo nhiều chương trình khuyến mãi khác nhau để có thể tích cực tiếp xúc trực tiếp cũng như giao tiếp với người tiêu dùng trẻ tuổi, đặc biệt là nhóm khách hàng gen Z."

 

Tòa nhà pop-up của Shin Ramyun nổi bật với tông màu đỏ đặc trưng. [Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Ngay từ đằng xa, tòa nhà pop-up của Shin Ramyun Cafeteria đã vô cùng nổi bật với tông màu đỏ chủ đạo (gam màu đặc trưng của bao bì Shin Ramyun) cùng với hình ảnh của những nhân vật trong Zepeto.

Quan chức Jeon cũng cho biết "Kể từ khi ra mắt, bao bì của Shin Ramyun chỉ được thay đổi một lần duy nhất vào năm 2014. Còn về hương vị thì từ trước cho đến nay chúng tôi vẫn giữ nguyên "vị cay Hàn Quốc" đặc trưng."

 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Bước vào phía trong cửa hàng, khách tham quan sẽ nhìn thấy ngay cả một bức tường với hình trang trí là hàng chục gói mỳ ăn liền Shin Ramyun, bên cạnh là khu trưng bày chiếc áo thi đấu và trái bóng có chữ ký tay của cầu thủ bóng đá nổi tiếng Son Heung-min - người mẫu đại diện cho Shin Ramyun, người được coi là "bảo vật" trong lĩnh vực bóng đá của Hàn Quốc.

Đi dọc theo hành lang trước khi tiến vào khu vực trải nghiệm, khách tham quan sẽ dễ dàng nắm bắt được lịch sử phát triển của sản phẩm mỳ ăn liền Shin Ramyun nói riêng và của cả thương hiệu Nongshim nói chung với 2 bức tường dài ghi lại những cột mốc nổi bật từ khi Shin Ramyun được ra mắt vào năm 1986, bắt đầu trở thành sản phẩm mỳ ăn liền số 1 tại Hàn Quốc vào năm 1991, đạt cột mốc xuất khẩu sang hơn 100 quốc gia vào năm 2014, là thương hiệu thực phẩm giữ vị trí số 1 về Chỉ số năng lực cạnh tranh thương hiệu quốc gia 11 năm liên tiếp (tính đến năm 2022).

 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Chị Yoo Seon-young hào hứng cho phóng viên của Kinh Tế AJU biết khi được hỏi lý do gì khiến chị tìm đến Shin Ramyun Cafeteria "Shin Ramyun là đại diện mỳ ăn liền tiêu biểu của Hàn Quốc. Khi nghe nói Nongshim mở cửa hàng pop-up, tôi đã tìm đến đây vì muốn biết thêm về lịch sử (của Shin Ramyun) cũng như trải nghiệm nhiều thứ khác nhau tại đây."

Có một điều cũng khá thú vị mà quan chức Jeon cho chúng tôi biết đó là "Tính đến hết năm 2021, doanh thu tích lũy của Shin Ramyun đã vượt quá 15,3 nghìn tỷ KRW. Với độ dài trung bình của tất cả sợi mỳ trong 1 gói là khoảng 50 mét, tổng độ dài của sợi mì Shin Ramyun đã được bán cho đến nay có thể quấn quanh trái đất khoảng 45.000 vòng."

 

Khu vực ăn thử là nơi được nhiều khách hàng yêu thích nhất khi đến Shin Ramyun Cafeteria. [Ảnh=Kim Joo-heon]


Sau khi đi hết bức tường lịch sử, khách tham quan sẽ tới khu vực trải nghiệm, cũng là nơi độc đáo nhất của cửa hàng pop-up với quầy bán đồ lưu niệm, góc chụp ảnh lấy ngay cũng như khu vực dùng thử miễn phí mỳ Shin Ramyun.

Tại đây, phóng viên Kinh Tế AJU còn bắt gặp một bạn mascot (người mặc đồ thú bông) hình gấu trúc Mỹ (racoon), nhân vật đại diện cho một sản phẩm mỳ ăn liền khác cũng vô cùng nổi tiếng của Nongshim đó là 'Neoguri', vô cùng thân thiện và dễ thương. Có thể thấy rất nhiều khách hàng vô cùng thích thú với nhân vật này nên hầu như ai cũng quay phim, thậm chí chụp ảnh chung với bạn mascot 'Neoguri'.

 

Chị Yoo Seon-young (bên trái) đang cùng bạn tạo dáng cùng sản phẩm mỳ ăn liền Shin Ramyun. [Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Tuy nhiên khu vực thu hút nhiều khách tham quan nhất cũng như được mọi người yêu thích nhất chắc chắn là không gian dùng thử mỳ Shin Ramyun. Tại cửa hàng pop-up lần này, khách hàng có thể tự mình lựa chọn các món đi kèm (toping) theo sở thích bao gồm thịt bò, nấm hoặc hành lá. Khách hàng cũng được tự điều chỉnh độ chín của sợi mỳ với 3 mức dai, bình thường hoặc chín hẳn. Đặc biệt, khách hàng có thể được ăn thử loại sản phẩm mới của Shin Ramyun với mức cay gấp 3 lần vị truyền thống.

Các khâu lựa chọn món ăn kèm, mức độ cay hay độ chín của sợi mỳ sẽ được thực hiện thông qua một máy tính bảng. Sau đó nhân viên sẽ in phiếu gọi đồ ra và khách hàng sẽ cầm phiếu gọi đồ này tới quầy bếp để nhận đồ. Việc nấu mỳ sẽ do khách hàng tự chuẩn bị với việc ra máy nấu mỳ tự động, đặt bát mỳ lên bếp điện, ấn nút để lấy nước sôi và chờ hết thời gian hiển thị trên máy là đã có thể bắt đầu thưởng thức món mỳ Shin Ramyun theo đúng sở thích cá nhân.

 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Choi Hee-jae (24 tuổi, nhân viên bộ phận marketing của một công ty metaverse) vừa cười vừa lấy tay lau mồ hôi cho bạn trai đi cùng và nói với phóng viên rằng "Chúng tôi đều thích và cũng thường xuyên ăn mỳ cay. Nghe nói là lần này Nongshim cho ra mắt loại mỳ Shin Ramyun với mức độ cay gấp 3 lần vị truyền thống nên chúng tôi quyết định tới đây ăn thử. Thật sự loại mỳ mới này cay hơn chúng tôi tưởng. Vì thế nên bây giờ mới đổ mồ hôi nhiều thế này."

"Một phần khác, vì thấy khá tò mò nên tôi quyết định đến đây. Tôi nghĩ việc có thể trực tiếp trải nghiệm những trò chơi giống hệt như ở trong Zepeto là một điểm khá thú vị", chị Choi cho biết thêm.

 

Chị Choi Hee-jae cùng bạn trai hào hứng trải nghiệm các khu vực khác tại Shin Ramyun Cafeteria sau khi ăn thử loại mỳ mới có vị cay gấp 3 lần vị truyền thống. [Ảnh=Hoàng Phương Ly]

Ngoài khu vực ăn thử, Shin Ramyun Cafeteria còn có khá nhiều hoạt động thú vị mà khách hàng có thể trực tiếp trải nghiệm. 

Khi được hỏi khu vực nào thú vị nhất tại đây, Jung Su-hyun (27 tuổi, nhân viên văn phòng ở Seongsu) đã cho phóng viên Kinh Tế AJU biết "Tôi đến đây vì tò mò không biết quá trình tự nấu Shin Ramyun theo sở thích cá nhân thì sẽ có gì đặc biệt. Tôi thích ăn mỳ kèm với trứng và thịt. Khu vực thú vị nhất mà tôi thích ở đây là khu vực chụp ảnh lấy ngay."

Chị Choi và bạn trai cũng cho biết là khá thích khu vực chụp và in ảnh lấy ngay, không những thế chị còn có ý định mua đồ lưu niệm là đồ trang trí (miniature) hình gói mỳ Shin Ramyun thu nhỏ. 

 

[Ảnh=Hoàng Phương Ly]


Với nhiều khu vực trải nghiệm thú vị cũng như khu vực dùng thử sản phẩm mới, cửa hàng pop-up của Shin Ramyun đã thu hút được rất đông khách đến tham quan. Quan chức của Shin Ramyun tại nơi tổ chức sự kiện đã cho chúng tôi biết "Tính đến nay (13/1), chúng tôi đã đón khoảng 700 khách tới tham quan, trải nghiệm cửa hàng. Shin Ramyun Cafeteria mở cửa từ 12 giờ trưa hàng ngày, và trong khoảng thời gian giờ ăn trưa, từ 12 giờ đến 2 giờ chiều, khách hàng thường phải xếp hàng để chờ tới lượt vào."

Mặt khác, năm 2020 khi đại dịch COVID-19 bùng phát khiến việc di chuyển giữa các quốc gia/khu vực bị gián đoạn, doanh thu bán mỳ ăn liền, sản phẩm đóng vai trò là lương thực khẩn cấp, đạt 600 triệu USD, tăng 21,6% so với cùng kỳ năm trước đó. 

Theo báo cáo của Euromonitor - một trong những hãng nghiên cứu thị trường hàng đầu thế giới, năm 2021, Việt Nam tiêu thụ khoảng 411.500 tấn mì gói, tăng 9% so với năm 2020 và tăng hơn 20% nếu so với năm 2016. Như vậy, trung bình mỗi ngày, người Việt dùng hơn 1.127 tấn và chi hơn 84 tỷ đồng cho việc ăn mì gói.

Trước đó, số liệu của Hiệp hội Mì ăn liền thế giới (WINA) cũng cho thấy Việt Nam vượt Hàn Quốc thành thị trường tiêu thụ mì ăn liền tính trên đầu người cao nhất thế giới.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기