Đời sống Xã hội

Doanh số của các công ty thực phẩm Hàn Quốc tăng trưởng tích cực nhờ sự nổi tiếng của K-food trên toàn cầu

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:15 15-02-2023
Bất chấp các cuộc khủng hoảng phức tạp như vật giá leo thang, lãi suất và tỷ giá hối đoái đều ở mức cao, doanh số bán hàng năm ngoái (2022) của các công ty thực phẩm Hàn Quốc lại ghi nhận được sự tăng trưởng vô cùng tích cực.

 

Các sản phẩm Samlip được trưng bày tại một siêu thị lớn ở trung tâm thành phố Seoul vào ngày 3/11/2022. [Ảnh=Yonhap News]


Trong trường hợp của CJ CheilJedang, chỉ riêng doanh thu trong lĩnh vực kinh doanh thực phẩm đã vượt quá 10 nghìn tỷ won vào năm ngoái.

Ngoài ra, số lượng các công ty thực phẩm trong bảng xếp hạng "câu lạc bộ 3 nghìn tỷ won" (bảng xếp hạng với các công ty có doanh thu hàng năm vượt quá 3 nghìn tỷ won) dự kiến ​​sẽ tăng gấp đôi so với năm trước đó.

CJ CheilJedang đã công bố vào ngày 13 rằng doanh thu cả năm 2022 ước tính đạt 30.795 tỷ won (khoảng 23,7 tỷ USD), tăng 14,4% so với năm 2021. Trong số đó, doanh thu của bộ phận kinh doanh thực phẩm là 11.104 tỷ won (khoảng 8,75 tỷ USD), lần đầu tiên vượt qua cột mốc 10 nghìn tỷ won.

CJ CheilJedang giải thích rằng ẩm thực Hàn Quốc (K-food), chẳng hạn như các sản phẩm thuộc thương hiệu 'bibigo', đã trở nên phổ biến ở nước ngoài, theo đó dẫn đến kết quả tốt như vậy. Trên thực tế, trong doanh thu của bộ phận kinh doanh thực phẩm, doanh thu của các chi nhánh nước ngoài đã tăng hơn 5 nghìn tỷ won.

Cùng với sự lan rộng của nội dung liên quan đến làn sóng Hàn Quốc (Hallyu), rất nhiều người trên thế giới đã ngày càng quan tâm đến sản phẩm mì gói ăn liền (ramyun) của Hàn Quốc. Nhờ đó, Nongshim, công ty sản xuất ra loại mỳ quốc dân 'Shin ramyun', cũng đã ghi nhận thành tích kỷ lục và lần đầu tiên gia nhập câu lạc bộ 3 nghìn tỷ won vào năm ngoái.

Doanh thu của Nongshim năm 2022 là 3.129 tỷ won (khoảng 2,46 tỷ USD), tăng 17,5% so với năm trước đó. Đây là lần đầu tiên sau 57 năm kể từ khi thành lập, doanh thu năm của Nongshim vượt con số 3 nghìn tỷ won. Nongshim cũng cho biết doanh số bán hàng tăng trưởng tích cực như vậy là nhờ sự phát triển của hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.

Trong trường hợp của Lotte Confectionery, công ty đã sáp nhập với Lotte Food vào ngày 1/7/2022, doanh thu của cả năm 2022 đã vượt quá 4 nghìn tỷ won.

Nếu cộng doanh số của Lotte Confectionery và Lotte Food trước khi sáp nhập vào với nhau thì tổng doanh thu sẽ là 4.745 tỷ won (khoảng 3,2 tỷ USD), tăng 11,1% so với năm 2021. Công ty cho biết doanh số bán hàng tăng nhờ việc mở cửa trở lại và hoạt động kinh doanh mạnh mẽ ở nước ngoài như tại Ấn Độ và Kazakhstan.

Lotte Confectionery, công ty đã đạt doanh thu 4 nghìn tỷ won sau khi tăng quy mô, đã đưa ra mục tiêu tăng doanh thu từ 4~6% trong năm nay so với năm ngoái bằng cách tối đa hóa sức mạnh tổng hợp từ việc sáp nhập. Chỉ tiêu tăng trưởng doanh thu theo bộ phận là 8~10% đối với mảng kinh doanh nước ngoài, cao hơn so với mảng bánh kẹo (2~3%) và mảng kinh doanh thực phẩm (4~5%).

SPC Samlip cũng tiết lộ rằng doanh thu năm ngoái đã tăng 12,5% so với cùng kỳ năm trước đó lên 3.314 tỷ won (khoảng 2,6 tỷ USD).

SPC Samlip giải thích rằng lợi nhuận được cải thiện thông qua tăng trưởng doanh số bán hàng.

Đặc biệt, sự ra mắt của loạt sản phẩm 'Bánh mì Pokemon' vào tháng 2/2022 dường như đã thúc đẩy mạnh doanh số bán hàng.

Ngoài ra, Ottog, công ty sẽ công bố kết quả vào tháng tới, cũng có khả năng tham gia 'Câu lạc bộ 3 nghìn tỷ won'.

Vào năm 2021, chỉ có 4 công ty thực phẩm có doanh thu hàng năm hơn 3 nghìn tỷ won bao gồm CJ CheilJedang, Dongwon F&B, Daesang và Hyundai Green Food. Tuy nhiên trong năm 2022 con số này đã tăng gấp đôi, lên thành 8 công ty.

Ngoài ra, nhờ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài, Orion cũng ghi nhận hiệu suất cao kỷ lục vào năm ngoái, với doanh số bán hàng tăng 22,% so với cùng kỳ năm ngoái lên 2.873 tỷ won (khoảng 2,26 tỷ USD), gần chạm mốc 3 nghìn tỷ won.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp bị sụt giảm lợi nhuận hoạt động do gánh nặng chi phí gia tăng như chi phí tái sản xuất, chi phí vận chuyển, chi phí năng lượng tăng.

Đặc biệt, giá lương thực thế giới, trong đó có lúa mì, tăng cao trong năm qua do ảnh hưởng của cuộc chiến tranh Nga - Ukraine. Ngành lương thực cho biết vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn, do đó trong năm ngoái các mặt hàng lương thực vẫn có xu hướng tăng giá.

Đối với trường hợp của Lotte Confectionery, lợi nhuận hoạt động năm ngoái là 135,3 tỷ won (khoảng 106,6 triệu USD), giảm 6,3% so với năm 2021.

Doanh thu của Daesang đã vượt quá 4 nghìn tỷ won vào năm ngoái, nhưng lợi nhuận hoạt động của công ty chỉ đạt 139,2 tỷ won (khoảng 109,7 triệu USD), giảm 9,2% so với năm trước đó.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기