Xếp hạng chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc xếp ở nhóm cuối bảng trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) với vị trí 32 trên tổng số 38 quốc gia.
Theo 'Nghiên cứu cơ bản phân tích về hiệu quả và xu hướng của các chính sách xã hội' (tác giả Kim Sung-ah và cộng sự) của Viện nghiên cứu về Y tế và các vấn đề xã hội Hàn Quốc (KIHASA) vào ngày 26, mức độ hạnh phúc của Hàn Quốc năm 2021 dựa trên khảo sát của Gallup World Poll đạt 6,11 trên thang điểm 10 điểm, xếp thứ 7 từ dưới lên trong bảng xếp hạng chỉ số hạnh phúc của các quốc gia OECD.
6 quốc gia đứng sau Hàn Quốc là Hy Lạp (6,10 điểm), Nhật Bản (6,09 điểm), Mexico (5,99 điểm), Ba Lan (5,98 điểm), Colombia (5,29 điểm) và Thổ Nhĩ Kỳ (4,37 điểm).
Quốc gia có chỉ số hạnh phúc cao nhất là Phần Lan (7,79 điểm), Đan Mạch (7,70 điểm), Israel (7,58 điểm), Iceland (7,56 điểm) và Thụy Điển (7,44 điểm). Mỹ và Anh lần lượt đạt 6,96 và 6,87 trong khi Đức và Pháp đạt 6,75 và 6,66.
Theo KIHASA, điểm số hạnh phúc của người Hàn Quốc bắt đầu từ mức 6,12 vào năm 2010 và hầu hết đều ở dưới mức 6,5 ngoại trừ mức tăng đáng kể lên 6,95 vào năm 2011. Năm 2019, trước khi dịch Covid-19 bùng phát, chỉ số hạnh phúc của Hàn Quốc là 5,90, nhưng đến năm 2020, khi dịch Covid-19 xuất hiện, chỉ số này đã bị hạ xuống 5,79 điểm và tăng trở lại vào năm 2021 (6,11).
Gallup World Poll cũng đưa ra câu hỏi "Có bạn bè hoặc người thân nào mà bạn có thể nhờ giúp đỡ trong những tình huống khó khăn không?" và tỷ lệ những người trả lời "Không" cho câu hỏi này càng cao thì mức độ cô lập xã hội càng lớn. Kết quả là Hàn Quốc có tỷ lệ trả lời cao thứ 4 trong số các nước thành viên OECD với 18,9%. Đứng sau Hàn Quốc trong chỉ số này chỉ có 3 quốc gia là Colombia (20,7%), Mexico (22,1%) và Thổ Nhĩ Kỳ (26,4%).
Bên cạnh đó, khi được hỏi "Thông thường có tin tưởng vào mọi người xung quanh hay không?", chỉ có 32,9% người Hàn Quốc trả lời là "Có", thấp hơn cả Mỹ là 37,0% và Nhật Bản là 33,7%.
Niềm tin vào chính phủ, các tổ chức và phương tiện truyền thông cũng ở mức tương đối thấp. Cụ thể, niềm tin vào chính phủ là 12,9%; niềm tin vào quốc hội là 14,2% và niềm tin vào truyền thông thấp ở mức 13,7%.
OECD đánh giá mức độ hạnh phúc của các quốc gia thành viên trên 24 chỉ số, bao gồm nhà ở, thu nhập và sự giàu có, công việc và thu nhập, quan hệ xã hội, giáo dục, môi trường và sự tham gia của công dân.
Trong số các tiêu chí, Hàn Quốc đạt điểm số cao hơn mức trung bình của OECD về thành tích giáo dục, tiêu chuẩn các kỹ năng của học sinh, tỷ lệ bỏ phiếu, tuổi thọ trung bình, cảm giác an toàn đi lại ban đêm.
Ngược lại, Hàn Quốc ghi nhận số điểm thấp ở các chỉ số như độ ổn định của thị trường lao động, tỷ lệ việc làm, hệ thống hỗ trợ xã hội, tình trạng sức khỏe chủ quan, sự hài lòng về cuộc sống và thời gian dành cho giải trí và chăm sóc cá nhân.