Đời sống Xã hội

Chỉ số hạnh phúc của người trưởng thành tại Hàn Quốc tương đối thấp

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:24 03-08-2023
Theo kết quả một cuộc khảo sát, mức độ hài lòng với cuộc sống hay còn gọi là chỉ số hạnh phúc của người trưởng thành Hàn Quốc được đánh giá là không cao.

 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Nhiều ý kiến chỉ ra rằng chính phủ Hàn Quốc cần phải tạo ra một môi trường để gia tăng cảm giác hạnh phúc chủ quan cho người dân đồng thời duy trì và bảo đảm chất lượng dân số trong bối cảnh tốc độ già hóa dân số và tỷ lệ sinh thấp ngày càng nhanh.

Theo một báo cáo nghiên cứu có tiêu đề "Các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc của người Hàn Quốc theo vòng đời", được công bố trên 'Sức khỏe và bệnh tật', tạp chí học thuật chính thức của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc, vào ngày 3, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy rằng chỉ số hạnh phúc của người trưởng thành Hàn Quốc là 6,68 điểm (trên thang điểm 10), được đánh giá là tương đối thấp. 

Nghiên cứu này được thực hiện trên 226.545 người Hàn Quốc trưởng thành từ 19 tuổi trở lên (102.284 nam và 124.261 nữ) tham gia Khảo sát sức khỏe cộng đồng khu vực năm 2015 với mục đích phân tích các yếu tố ảnh hưởng đến chỉ số hạnh phúc và sức khỏe chủ quan.

Theo kết quả nghiên cứu, chỉ số hạnh phúc của tất cả các đối tượng khảo sát đều ở mức thấp là 6,68/10 điểm. Tỷ lệ cảm thấy hạnh phúc chủ quan cón thấp hơn với là 34,7%. Trong đó, xét theo giới tính, nam giới cao hơn một chút (35,4%) so với nữ giới (34,2%).

Khi chia tỷ lệ cảm nhận hạnh phúc chủ quan theo vòng đời (theo tuổi), có thể dễ dàng nhận thấy tuổi càng cao thì tỷ lệ hạnh phúc càng giảm. Cụ thể, từ 19~44 tuổi 39,5%; 45~64 tuổi 35,3%; 65~74 tuổi 29,7%; 75 tuổi trở lên 25,7%.

Nhóm nghiên cứu giải thích: "Kết quả này cho thấy càng lớn tuổi, người Hàn Quốc lại càng cảm thấy ít hạnh phúc. Điều này có thể được coi là sự phản ánh của xã hội Hàn Quốc hiện tại, nơi tỷ lệ người già nghèo đói và người già tự tử cao".

Tỷ lệ cảm nhận hạnh phúc chủ quan xét theo trình độ học vấn lần lượt là 25% đối với những người không đi học/chỉ học hết tiểu học; 32,3% đối với người học hết trung học cơ sở hoặc/và trung học phổ thông; 41,1% đối với những người có trình độ từ đại học trở lên.

Xét theo thu nhập hộ gia đình, những người có thu nhập ít hơn 990.000 won/tháng có tỷ lệ hạnh phúc là 23,1%; thu nhập từ 1 triệu~2,99 triệu won/tháng là 31,6%, từ 3 triệu~4,99 triệu won/tháng là 39,8%; nhiều hơn 5 triệu won/tháng là 49,1%.

Theo đó, có thể thấy trình độ học vấn và thu nhập càng cao thì mức độ hài lòng về cuộc sống càng tích cực hơn.

Cũng theo nghiên cứu, những người hiện đang sống với vợ/chồng của họ sẽ có cảm giác hạnh phúc hơn so với những người không có vợ/chồng do ly hôn, ly thân, góa bụa hoặc chưa kết hôn.

Bên cạnh đó, việc tích cực tham gia các hoạt động xã hội như làm tình nguyện, đến các buổi gặp gỡ tôn giáo, gặp mặt bạn bè, tận hưởng các hoạt động sở thích trong thời gian rảnh rỗi và giữ liên lạc chặt chẽ với các thành viên trong gia đình, hàng xóm, bạn bè và những người xung quanh đồng thời tự cảm thấy tình trạng thể chất của bản thân đang ở trong trạng thái khỏe mạnh, ăn uống đủ bữa và ngủ đủ giấc cũng góp phần làm tăng mức độ hạnh phúc.

Tuy nhiên, nghiên cứu cũng chỉ ra rằng nếu một người không nhận được các dịch vụ y tế cần thiết, mắc các bệnh như viêm khớp, tiểu đường và huyết áp cao, đồng thời hút thuốc và uống rượu thì sẽ có tỷ lệ hạnh phúc bị giảm sút.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기