Đời sống Xã hội

Những điều người nước ngoài nên chú ý trong thời gian trước và trong bầu cử Tổng thống tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:56 21-05-2025
Chỉ còn chưa đầy hai tuần nữa là đến kỳ bầu cử Tổng thống lần thứ 21 tại Hàn Quốc. Trên khắp các tuyến phố, từ ngõ nhỏ đến quảng trường trung tâm, các tấm áp phích vận động tranh cử của các ứng cử viên được dán dày đặc, các hình thức kêu gọi cử tri độc đáo thi nhau xuất hiện, và các buổi tranh luận trực tiếp trên truyền hình cũng đang diễn ra sôi nổi.

Trong bầu không khí chính trị sục sôi đó, những người nước ngoài đang học tập, làm việc hoặc sinh sống tại Hàn Quốc cũng vô tình trở thành những "khán giả bất đắc dĩ" dõi theo diễn biến bầu cử.

Tuy nhiên, do sự khác biệt về thể chế và luật pháp, nếu không nắm rõ các quy định trong mùa bầu cử, người nước ngoài có thể gặp rắc rối nghiêm trọng từ phạt hành chính cho đến truy tố hình sự và bị trục xuất khỏi Hàn Quốc.

 
Tại một công viên ở thành phố Daegu nhân viên Ủy ban Quản lý Bầu cử kêu gọi cử tri tích cực tham gia vào các cuộc bỏ phiếu ẢnhYonhap News
Tại một công viên ở thành phố Daegu, nhân viên Ủy ban Quản lý Bầu cử kêu gọi cử tri tích cực tham gia vào các cuộc bỏ phiếu. [Ảnh=Yonhap News]
Bầu cử được mệnh danh là “bông hoa của dân chủ”, là nền tảng cốt lõi của chế độ dân chủ. Hàn Quốc đặt trọng tâm vào việc bảo đảm tính công bằng và minh bạch của bầu cử, yêu cầu mọi công dân và ứng cử viên phải nghiêm túc tuân thủ pháp luật.

Theo Hiến pháp và Luật Bầu cử công chức Hàn Quốc, người nước ngoài không có quyền bầu tổng thống, sẽ bị nghiêm cấm tham gia vào bất kỳ hình thức hoạt động chính trị nào trong thời gian bầu cử.

Điều này bao gồm cả việc thể hiện thái độ ủng hộ hay phản đối một ứng cử viên thông qua mạng xã hội, tham gia các buổi vận động, hay thậm chí chỉ đơn giản là chia sẻ, bấm thích các bài viết có nội dung thiên vị chính trị. Những hành động tưởng như vô hại này có thể bị quy vào hành vi can thiệp bầu cử, dẫn đến án phạt hành chính hoặc truy cứu hình sự.

Trong thời gian tranh cử, các cơ quan khảo sát dư luận thường xuyên công bố tỷ lệ ủng hộ các ứng cử viên.

Tuy nhiên, theo Điều 108, Khoản 1 của Luật Bầu cử công chức Hàn Quốc, kể từ 6 ngày trước ngày bầu cử cho đến ngày bầu cử chính thức, việc công khai kết quả thăm dò ý kiến là hoàn toàn bị cấm. Ví dụ, ngày bầu cử năm nay là 3/6, thì kết quả khảo sát cuối cùng sẽ chỉ có thể được công bố trước ngày 28/5.

Tất cả các tổ chức, cơ quan truyền thông, hoặc cá nhân đăng tải dữ liệu thăm dò sau thời điểm này, kể cả trên mạng xã hội, đều có thể bị phạt tù tới 1 năm hoặc phạt tiền tới 20 triệu won (khoảng 10.000 USD).

Mục đích của quy định này là để ngăn chặn ảnh hưởng quá mức đến phán đoán của cử tri.
 
Các quan chức tại Ủy ban bầu cử Incheon Michuhol-gu đang xem xét lại vị trí dán các áp phích của các ứng cử viên tranh cử Tổng thống lần thứ 21 ẢnhYonhap News
Các quan chức tại Ủy ban bầu cử Incheon Michuhol-gu đang xem xét lại vị trí dán các áp phích của các ứng cử viên tranh cử Tổng thống lần thứ 21. [Ảnh=Yonhap News]

Không những thế, do là một xã họi đặc biệt nhạy cảm với các tín hiệu chính trị nên ngay cả các chương trình giải trí như "SNL Korea" cũng phải điều chỉnh kiểu tóc mái của người dẫn để thể hiện thái độ trung lập chính trị, chẳng hạn như chia tóc 5:5 thay vì 3:7, nhằm tránh bị suy diễn là thiên vị cho một bên nào đó.

Một số nghệ sĩ khi đăng ảnh "check-in" bầu cử cũng phải cân nhắc màu sắc trang phục (tránh đỏ và xanh, là màu đại diện của các đảng lớn) và tư thế tay (tránh tạo hình mang ý nghĩa số hiệu của ứng cử viên).

Tất cả những điều đó phản ánh không chỉ sự khắt khe trong bầu cử tại Hàn Quốc, mà còn là bức tranh văn hóa chính trị nơi mà mọi biểu hiện nhỏ nhất đều có thể bị phân tích dưới lăng kính chính trị.

Nếu bạn bắt gặp những nhóm người tay cầm biểu ngữ, phát tờ rơi hoặc biểu diễn trên đường phố để cổ động cho ứng cử viên nào đó, hãy nhớ: người nước ngoài bị cấm tuyệt đối tham gia các hoạt động tương tự.

Theo quy định, người nước ngoài không được đeo huy hiệu, dán nhãn, mặc áo có in số hiệu ứng cử viên, phát tờ rơi, tham gia tụ tập, đứng gần điểm bầu cử, hay quay video quá trình bỏ phiếu. Đặc biệt, việc chụp ảnh phiếu bầu là hành vi vi phạm nghiêm trọng, có thể bị phạt tù tới 2 năm hoặc phạt tiền tới 4 triệu won.

Ngay cả khi chỉ đăng tải ý kiến cá nhân như "ủng hộ chính sách của ứng cử viên A" hay "không đồng tình với ứng cử viên B" trên các nền tảng cá nhân như Facebook, Tiktok hay trong nhóm chat bạn bè, người nước ngoài cũng có thể bị quy kết là thể hiện lập trường chính trị. Điều này bao gồm cả việc chia sẻ, thích (like), bình luận, dù chỉ là vô tình.
 

Ngày 21 tại Ủy ban bầu cử Yangcheon-gu ở Yangcheon-gu Seoul các quan chức bầu cử đang in phiếu bầu vắng mặt cho cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 21 Bỏ phiếu vắng mặt là phương pháp bỏ phiếu dành cho những cử tri sống xa điểm bỏ phiếu và gặp khó khăn khi bỏ phiếu trực tiếp chẳng hạn như những người lính sống trên tàu ngoài khơi xa trong thời gian dài ẢnhYonhap News
Ngày 21, tại Ủy ban bầu cử Yangcheon-gu ở Yangcheon-gu, Seoul, các quan chức bầu cử đang in 'phiếu bầu vắng mặt' cho cuộc bầu cử tổng thống lần thứ 21. Bỏ phiếu vắng mặt là phương pháp bỏ phiếu dành cho những cử tri sống xa điểm bỏ phiếu và gặp khó khăn khi bỏ phiếu trực tiếp, chẳng hạn như những người lính sống trên tàu ngoài khơi xa trong thời gian dài. [Ảnh=Yonhap News]

Một số người có hiểu biết về chính trị Hàn Quốc có thể còn đăng tải các quan điểm kiểu "bầu ai cũng như nhau", "chính trị Hàn Quốc chỉ là sân chơi của tài phiệt", v.v.. Tuy đây có thể được xem là tự do ngôn luận ở nhiều nơi, nhưng trong bối cảnh nhạy cảm tại Hàn Quốc, những phát ngôn này có thể bị quy chụp là làm suy giảm lòng tin vào dân chủ, gián tiếp can thiệp vào nội bộ chính trị của nước sở tại.

Trong trường hợp xấu, những phát ngôn này có thể bị truyền thông Hàn Quốc khai thác và thổi phồng thành "người nước ngoài can thiệp bầu cử Hàn Quốc", gây tổn hại nghiêm trọng đến quan hệ song phương.

Việc người nước ngoài tại Hàn Quốc quan tâm đến bầu cử là điều dễ hiểu. Tuy nhiên, trong thời điểm nhạy cảm này, điều quan trọng nhất là nắm rõ luật pháp, tránh tuyệt đối mọi hành vi có thể bị xem là thiên vị chính trị.

Khi cần thiết, người nước ngoài nên theo dõi thông báo từ đại sứ quán của nước mình để biết những điểm cần lưu ý nhằm tránh mắc phải rủi ro không đáng có. Quan sát với thái độ điềm tĩnh, không thể hiện lập trường cá nhân nơi công cộng, là cách tốt nhất để vừa hiểu thêm về xã hội Hàn Quốc, vừa không tự đưa mình vào tình thế khó xử.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기