Đời sống Xã hội

Không khẩu trang·Không cách ly…Hàn Quốc bước vào quá trình coi Covid-19 như bệnh đặc hữu

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:17 11-05-2023
Sau 3 năm 4 tháng kể từ khi Hàn Quốc phát hiện ca bệnh đầu tiên, coronavirus mới (COVID-19) sẽ được coi như "bệnh truyền nhiễm đặc hữu" (một căn bệnh thường xuyên xảy ra trong một khu vực hoặc cộng đồng chẳng hạn như cảm cúm) tại Hàn Quốc bắt đầu từ 1/6. Theo đó, nghĩa vụ cách ly đối với những người được xác nhận mắc COVID-19 sẽ được thay đổi từ " bắt buộc cách ly trong 7 ngày" thành "khuyến nghị cách ly trong 5 ngày", nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà sẽ được dỡ bỏ ở tất cả mọi nơi trừ bệnh viện có phòng điều trị nội trú. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc vẫn quyết định duy trì hỗ trợ cho các chi phí xét nghiệm và điều trị liên quan đến Covid-19 cho tới khi có thông báo tiếp theo.

Tuy nhiên, chỉ vì các quy định kiểm dịch được dỡ bỏ không có nghĩa là Covid-19 đã kết thúc. Hiện tại, ở Hàn Quốc mỗi tuần vẫn còn hơn 100.000 trường hợp được xác nhận. Trong vòng 1 tháng gần đây (tính đến ngày 10/5) Hàn Quốc vẫn ghi nhận 239 người chết vì Covid-19.

Các chuyên gia nhấn mạnh cần chuẩn bị ứng phó với các bệnh truyền nhiễm mới, đồng thời chú ý quản lý nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. Các chuyên gia cũng đề nghị chính phủ nên có các biện pháp bảo vệ 'quyền được nghỉ ngơi khi ốm đau' của người lao động.

 

Phòng khám sàng lọc của Trung tâm Y tế quận Songpa (Seoul) sáng ngày 24/8/2022. [Ảnh=Yonhap News]

Vào sáng ngày 11, Tổng thống Yoon Suk-yeol đã trực tiếp chủ trì cuộc họp của Trụ sở các biện pháp đối phó với thảm họa và an toàn trung ương Hàn Quốc về Covid-19 (gọi tắt là Trụ sở) tại Văn phòng Tổng thống ở Yongsan.

"Chúng tôi quyết định điều chỉnh mức cảnh báo nguy hiểm đối với Covid-19 từ 'nghiêm trọng' thành 'cảnh giác'. Điều chỉnh này sẽ được áp dụng chính thức từ tháng 6", Tổng thống Yoon cho biết.

Trên thực tế, đây có thể coi là một tuyên bố xác nhận Covid-19 là "bệnh truyền nhiễm đặc hữu", sau 3 năm 4 tháng kể từ ca nhiễm Covid-19 đầu tiên được xác nhận tại Hàn Quốc vào ngày 20/1/2020.

Biện pháp này là kết quả của việc phản ánh nhanh chóng tình hình thực tế khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 không còn là tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu vào ngày 5/5 và xem xét các khuyến nghị chuyên môn của Ủy ban Tư vấn Ứng phó Khủng hoảng Bệnh Truyền nhiễm Quốc gia vào ngày 8/5. Theo báo cáo của Trụ sở, số người tử vong trung bình mỗi ngày do Covid-19 trong bốn tuần qua là 7 người, tỷ lệ tử vong là 0,06%, cho thấy nguy cơ mắc bệnh đã giảm đáng kể.

 

Tổng thống Yoon Suk-yeol tuyên bố dỡ bỏ 'Cảnh báo nghiêm trọng về Covid-19' tại cuộc họp của Trụ sở Biện pháp Đối phó An toàn và Thảm họa Trung ương 19 được tổ chức tại Văn phòng Tổng thống ở Yongsan, Seoul vào sáng ngày 11/5/2023. [Ảnh=Yonhap News]

Cũng trong cuộc họp vào ngày 11, Tổng thống Yoon cũng đưa ra tuyên bố ▷Chuyển đổi nghĩa vụ cách ly 7 ngày thành ‘khuyến nghị cách ly 5 ngày’ ▷Dỡ bỏ khuyến nghị xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh ▷Dỡ bỏ các hạn chế liên quan đến COVID-19, chẳng hạn như nghĩa vụ đeo khẩu trang trong nhà (ngoại trừ những bệnh viện có phòng điều trị nội trú).

Hệ thống giám sát và thống kê sẽ được thay đổi từ đơn vị hàng ngày (như hiện tại) thành đơn vị hàng tuần và hệ thống ứng phó thiên tai, được vận hành ở cấp chính phủ dưới sự quản lý trực tiếp của Trụ sở, cũng sẽ được chuyển đổi thành hệ thống vận hành ở cấp bộ do Bộ Y tế và phúc lợi quản lý.

Bên cạnh đó, tổng thống Yoon cho hay "Trong thời điểm hiện tay, chính phủ vẫn sẽ duy trì hỗ trợ cho các xét nghiệm và điều trị liên quan đến Covid-19". Điều này có nghĩa là chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ chi phí điều trị, vắc-xin và thuốc chữa trị để giảm bớt gánh nặng cho người dân và tăng cường bảo vệ cho tầng lớp yếu thế dễ bị tổn thương, chẳng hạn như nhóm người lớn tuổi có nguy cơ nhiễm bệnh cao.

Đa số các chuyên gia phản ứng tích cực với thông báo của chính phủ và cho rằng đó là một "biện pháp có thể dự đoán được". Tuy nhiên, cũng có những tiếng nói lo ngại về sự lây lan của các ca nhiễm tại các cơ sở dễ bị tổn thương như bệnh viện và viện dưỡng lão cũng như việc dỡ bỏ nghĩa vụ cách ly sẽ dẫn đến tình trạng người lao động buộc phải làm việc dù cho đang bị bệnh.

Eom Joong-sik, giáo sư (khoa truyền nhiễm) của Đại học Gacheon cho biết: "Hướng dẫn (giảm nhẹ phòng dịch) của chính phủ là hành động đã được dự đoán trước và sẽ không gây ra vấn đề đặc biệt gì".

Tuy nhiên, liên quan đến khuyến cáo của chính phủ về việc cách ly các cơ sở y tế, cơ sở dễ bị lây nhiễm, giáo sư Eom cảnh báo "Nếu việc cách ly không được thực hiện tốt ở các cơ sở, cơ sở y tế có nguy cơ cao sẽ dẫn đến tình trạng bùng phát bệnh nhân. Chúng ta nên có một hệ thống ứng phó nhanh chóng với các biến thể mới của Covid-19 hoặc các bệnh truyền nhiễm mới. Đặc biệt, cần tích cực tạo ra một môi trường sử dụng vắc-xin và thuốc kháng virus để bảo vệ các nhóm nguy cơ cao và các cơ sở dễ bị tổn thương, đồng thời cần nâng cao môi trường chẩn đoán, điều trị nhanh chóng khi phát sinh bệnh nhân".

Mặt khác, trước đó, khi đợt dịch đầu tiên tấn công Hàn Quốc, chính phủ quốc gia này đã thực hiện các biện pháp mạnh mẽ như đưa ra các hướng dẫn nghiêm ngặt về giãn cách xã hội để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Việc đeo khẩu trang trở thành nghĩa vụ bắt buộc ở mọi nơi, giới hạn số người tụ tập không quá bốn người, yêu cầu hàng quán đóng cửa lúc 9 giờ tối. Các trường học cũng phải tạm thời đóng cửa và học sinh tham gia các lớp học trực tuyến tại nhà. Có tới 70% các công ty chọn cho nhân viên làm việc từ xa để ngăn chặn dịch bệnh bùng phát tại.

 

Đường phố Myeongdong đông đúc trở lại. Ảnh chụp vào chiều ngày 30/4/2023. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기