Đời sống Xã hội

Thanh niên Hàn Quốc đang gặp khó khăn với "3 không"…Không tiền·Không nhà·Không việc làm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:39 16-05-2023
Khó khăn việc làm kéo dài và liên tục cùng giá nhà đất tăng cao đã khiến giới trẻ Hàn Quốc gặp khó khăn khi bước vào xã hội bằng chính năng lực của mình. Ngày càng có nhiều người trẻ tuổi ở quốc gia này tự nhận mình là người nghèo, và những thất vọng, kêu ca của họ cũng trở thành tâm điểm của các vấn đề xã hội.

 

[Ảnh=Yonhap News]

Viện Nghiên cứu Chính sách Thanh niên Hàn Quốc thuộc Bộ Phụ nữ và Gia đình Hàn Quốc, đã công bố kết quả của "Nghiên cứu II về Tình trạng Nghèo đói của Thanh niên và Kế hoạch Xây dựng Mạng lưới An sinh Tự lực" được tiến hành với đối tượng là 4.032 thanh niên từ 19~34 tuổi trên toàn Hàn Quốc.

Kết quả nghiên cứu cho thấy 81,2% số người được hỏi cho biết "có nhu cầu sở hữu nhà ở do mình đứng tên (tự ở)". Trong đó, lý do quan trọng nhất là để "để ổn định cuộc sống" (80,7%), tiếp theo là "gia tăng tài sản" (9,3%) và "để chuẩn bị kết hôn" (6,0%). Tuy nhiên, hầu hết những người được phỏng vấn cho biết họ không thể mua bất động sản bằng thu nhập của mình mà cần có sự hỗ trợ của bố mẹ.

Trong cuộc khảo sát này, kết quả khảo sát đối với sinh viên và học viên đã tốt nghiệp đại học hoặc cao học (3.550 người) cho thấy 40,8% số người được hỏi cho biết "đã được tư vấn chuẩn bị việc làm như tư vấn nghề nghiệp khác ngoài học chính quy trong thời gian học đại học". Trong số đó, 30% số người được hỏi trả lời "chuẩn bị việc làm thông qua trường luyện thi và các khóa đào tạo khác", và các lý do bao gồm "chuẩn bị cho kỳ thi tuyển dụng và công chức" (42,9%), "lấy chứng chỉ trình độ chuyên môn" (31,4%) và "bổ sung thêm cho kiến thức ở trường" (11,9%), v.v.

Ngoài ra, 1/3 thanh niên tự nhận mình là "đối tượng khó khăn" về trình độ học vấn hoặc điều kiện nhà ở. Trong số tất cả những người được hỏi, 27,8% tự coi mình là "kém về học vấn" và 31,3% tự cho mình là "nghèo về nhà ở". Đặc biệt, nhóm tuổi càng cao thì xu hướng coi tự coi bản thân là những người kém học vấn, không được giáo dục hoặc đào tạo bài bản, càng mạnh mẽ.

Người ta phân tích rằng hiện tượng này là do tình hình kinh tế gần đây ngày càng trở nên khó khăn hơn dẫn đến ít cơ hội việc làm và gây sức ép lên những người trẻ tuổi.

Kim Hyung-joo, nhà nghiên cứu cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Thanh niên Hàn Quốc, chỉ ra rằng "có rất nhiều các khó khăn khác nhau đang xảy ra ở mọi khía cạnh trong cuộc sống của thanh niên". 

Thực tế, trong 'Xu hướng việc làm tháng 4/2023' do Cục Thống kê quốc gia công bố số lượng người có việc làm đã giảm 137.000, mức giảm lớn nhất kể từ tháng 2/2021 và số người có việc làm đã giảm mạnh trong 6 tháng liên tiếp. 

Chuyên viên Kim nhấn mạnh: "Mọi người nghĩ rằng miễn là tìm được việc làm thì có thể giải quyết vấn đề nghèo đói của giới trẻ tuy nhiên sự thật lại cho thấy cuộc khủng hoảng thất nghiệp của thanh niên vẫn đang diễn ra trong một thời gian dài. Đã đến lúc chính phủ cần xem xét các vấn đề khác nhau trong cuộc sống của thanh niên và kịp thời đưa ra các chính sách hỗ trợ tương ứng".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기