Đời sống Xã hội

Vị trí hàng đầu của Samsung có bị lung lay khi Apple mở rộng nhà máy sản xuất và cửa hàng tại Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:41 17-05-2023
Apple đang cho thấy nhiều động thái trong quá trình thoát khỏi sự phụ thuộc vào Trung Quốc bằng cách mở rộng sự hiện diện của mình bằng cách nhà máy sản xuất hoặc cửa hàng bán sản phẩm tại Việt Nam, Ấn Độ, Thái Lan. Theo đó có nhiều ý kiến cho rằng việc này có thể đe dọa vị trí của Samsung Electronics tại các quốc gia này nói riêng và nhiều thị trường mới nổi nói chung, khu vực vốn được coi là thành trì của Samsung.

 

Apple thông báo sẽ mở cửa hàng trực tuyến chính thức tại Việt Nam vào 9h sáng ngày 18/5 (theo giờ địa phương).[Ảnh=Apple Việt Nam]

Theo Apple vào ngày 16, công ty dự kiến ​​mở một cửa hàng trực tuyến tại Việt Nam vào ngày 18 (theo giờ địa phương). Apple, vốn đã bán sản phẩm cho thị trường Việt Nam thông qua các nhà cung cấp được cấp phép, đã chính thức công bố gia nhập thị trường.

Nhiều chuyên gia trong ngành giải thích đây là một tín hiệu cho thấy việc trong tương lai không xa Apple sẽ mở một cửa hàng ngoại tuyến tại Việt Nam. Apple đã lần lượt mở các cửa hàng ngoại tuyến ở Mumbai và Delhi lần lượt vào ngày 18/4 và 20/4, ba năm sau khi mở cửa hàng trực tuyến ở Ấn Độ vào tháng 9/2020. Reuters lưu ý rằng "các doanh nghiệp thường mở cửa hàng trực tuyến trước khi mở cửa hàng truyền thống", và Phó chủ tịch cấp cao phụ trách bán lẻ của Apple, Deirdre O'Brien cho biết, "Chúng tôi tự hào khi có thể mở rộng kinh doanh tại Việt Nam".

Ngoài ra, Apple cũng đang coi Việt Nam là cứ điểm sản xuất MacBook.

Được biết, Quanta Computers, nhà sản xuất MacBook được ủy thác của Apple, mới đây đã ký hợp đồng với chính quyền Thành phố Nam Định để xây dựng một nhà máy mới trị giá 121,7 triệu USD. Foxconn, đối tác lớn nhất của Apple, đã thuê một khu đất rộng 450.000 mét vuông tại Khu công nghiệp Sài Gòn - Bắc Giang (tỉnh Bắc Giang) vào tháng 2 năm nay và mua lại quyền sử dụng khu đất rộng 480.000 mét vuông ở tỉnh Nghệ An, miền trung Việt Nam vào ngày 9/5 vừa qua. Apple được cho là đã yêu cầu Foxconn chuyển một số dây chuyền sản xuất MacBook sang Việt Nam vào cuối năm ngoái. Cho đến thời điểm hiện tại, Apple đã phân phối dây chuyền sản xuất iPhone và các thiết bị khác ở các quốc gia khác nhau, nhưng dây chuyền sản xuất MacBook thì vẫn chỉ đặt ở Trung Quốc.

Phân tích của chuyên gia trong ngành cho thấy Apple đã hoàn toàn củng cố ý chí rời khỏi Trung Quốc sau khi nhà máy Foxconn ở Trịnh Châu đóng cửa vào năm ngoái do Covid-19. Có thể hiểu rằng Apple, vốn do dự trong việc giảm bớt sự phụ thuộc vào Trung Quốc bất chấp xung đột leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc, đã thay đổi quyết định sau khi chính sách "không Covid (zero Covid)" của chính phủ Trung Quốc làm gián đoạn việc sản xuất hơn 20 triệu chiếc MacBook mỗi năm. Wall Street Journal (WSJ) đã đưa tin vào cuối năm ngoái rằng Apple "khuyến khích các nhà cung cấp lắp ráp nhiều sản phẩm hơn ở các khu vực khác của châu Á, đặc biệt là ở Ấn Độ và Việt Nam" sau sự việc ở nhà máy Foxconn. CEO Tim Cook của Apple sau đó đã đến thăm Ấn Độ và gặp gỡ Thủ tướng Narendra Modi, hứa hẹn mở rộng đầu tư vào quốc gia này.

Apple cũng xác nhận ý chí của tập đoàn trong việc thoát khỏi phụ thuộc vào Trung Quốc thông qua việc sản xuất iPhone. Bloomberg đã báo cáo vào tháng trước rằng thị phần sản xuất iPhone toàn cầu của Ấn Độ đã tăng từ 1% vào năm 2021 lên 7% vào năm ngoái. JP Morgan dự đoán rằng Apple sẽ tăng tỷ lệ sản xuất iPhone ở Ấn Độ lên 25% vào năm 2025. "Tại Ấn Độ, hoạt động kinh doanh của chúng tôi đã ghi nhận hiệu suất hàng quý cao nhất từ ​​​​trước đến nay, cho thấy mức tăng trưởng hai con số so với năm trước", CEO của Apple cho biết trong cuộc họp báo cáo thành tích quý I/2023. Công ty tư vấn đầu tư Deepwater Asset Management ước tính rằng Ấn Độ đã chiếm 3% tổng doanh số bán hàng của Apple.

Apple cũng đang lên kế hoạch chuyển dây chuyền sản xuất AirPod sang Ấn Độ. Vào ngày 15, chính quyền bang Telangana đã thông báo rằng Foxconn có kế hoạch đầu tư hơn 500 triệu đô la vào việc thành lập nhà máy tại đây. Foxconn, công ty chịu trách nhiệm sản xuất 70% iPhone, được cho là đã nhận sản xuất AirPods vào đầu năm nay để tăng cường quan hệ với Apple.

Dựa trên các thành tích có được ở Ấn Độ và Việt Nam, Apple dường như đang có kế hoạch tiếp tục mở rộng sang cả Thái Lan. Nikkei Asia đã trích dẫn một nguồn tin vào tháng trước và cho biết Apple đang liên hệ với một công ty địa phương của Thái Lan với mục tiêu sản xuất hàng loạt MacBook sớm nhất trong năm nay. Steven Chang, một nhà phân tích tại Bloomberg Intelligence, dự đoán rằng Apple có thể giảm 20~40% sự phụ thuộc vào Trung Quốc vào năm 2030 nhờ một loạt các quyết định mà hãng đang thực hiện.

 

CEO Apple Tim Cook bắt tay Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi trong chuyến thăm New Delhi (Ấn Độ) vào ngày 19/3/2023 (theo giờ địa phương). [Ảnh=Yonhap News]

Việc Apple rời khỏi Trung Quốc khiến nhiều chuyên gia trong ngành đưa ra ý kiến rằng với những động thái này của Apple, vị thế của Samsung Electronics tại các thị trường mới nổi có thể bị đe dọa. Trong đó Samsung Electronics đã tranh giành vị trí thứ nhất và thứ hai về thị phần với các công ty Trung Quốc tại các thị trường Ấn Độ, Việt Nam và Thái Lan trong nhiều năm với vũ khí là điện thoại thông minh cấp thấp.

Theo hãng nghiên cứu thị trường Counterpoint Research, tính đến quý I/2023, xếp hạng các công ty chiếm giữ thị phần điện thoại thông minh tại Ấn Độ là Samsung Electronics (20%), Vivo (17%), Xiaomi (16%), Oppo (12%) và Realme (9%). Theo IDC, Samsung Electronics cũng đứng đầu thị trường điện thoại thông minh Việt Nam với 36,6% thị phần (tính đến 2022). Apple đứng thứ 4 với 13,1%, sau Oppo (20,4%) và Xiaomi (14,8%).

Tuy nhiên, tại thị trường điện thoại thông minh cao cấp ở Ấn Độ, Samsung Electronics đã thua Apple.

Theo Counterpoint Research, Apple đứng đầu trong quý III/2022 với 40% thị phần trên thị trường điện thoại thông minh cao cấp có giá từ 30.000 rupee trở lên (khoảng 365 USD) của Ấn Độ. Vị trí thứ hai là Samsung Electronics. Lần đầu tiên, iPhone 13 đứng đầu bảng xếp hạng tổng doanh số hàng quý của điện thoại thông minh ở thị trường Ấn Độ.

Theo nhà nghiên cứu thị trường Canalys, "điện thoại thông minh cao cấp đang thúc đẩy tăng trưởng giá bán trung bình (ASP) của thị trường điện thoại thông minh nói chung ở Ấn Độ. Người tiêu dùng Ấn Độ với thu nhập khả dụng tăng lên (thu nhập cho phép họ thoải mái chi tiêu và tiết kiệm trong thu nhập cá nhân) đang sẵn sàng chi nhiều tiền hơn cho các thiết bị cao cấp".

Cũng xác nhận được xu thế, Samsung Electronics hiện đang tập trung vào việc đáp ứng nhu cầu bằng cách mở rộng dòng sản phẩm được sản xuất tại địa phương vốn tập trung vào mẫu giá rẻ sang các mẫu điện thoại cao cấp hơn.

Gần đây, nhà máy Noida ở Ấn Độ đã bắt đầu sản xuất được lượng hàng đáp ứng 100% nguồn cung Galaxy S23 tại địa phương. Samsung Electronics cho biết họ đang xem xét phương án sản xuất điện thoại gập thế hệ tiếp theo Galaxy Zflip 5 và Fold 5 dự kiến sẽ ra mắt vào nửa cuối năm nay tại Ấn Độ.

Tại Hội nghị Unpacked dòng Galaxy S23 được tổ chức tại San Francisco (Mỹ) vào tháng 2 năm nay, Roh Tae-moon, người đứng đầu bộ phận MX của Samsung Electronics, cho biết: "Mục tiêu của chúng tôi là giành lại và giữ vị trí số 1 tại Ấn Độ. Chúng tôi đang đạt được tiến bộ từng chút một bằng cách vận hành một mô hình trực tuyến phù hợp với thị trường Ấn Độ và tối ưu hóa để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng địa phương".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기