Đời sống Xã hội

Năm 2021 có hơn 3.000 trường hợp 'cái chết cô độc'…Hàn Quốc đẩy mạnh các biện pháp ngăn chặn

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:43 19-05-2023
Bất ổn kinh tế, vật giá leo thang và khó khăn trong tìm kiếm việc làm khiến cho giới trẻ Hàn Quốc ngày càng kết hôn muộn và ngại sinh con, đồng nghĩa với việc số dân của các hộ gia đình một người tăng lên. Điều này cũng dẫn đến việc dễ có nhiều hơn các trường hợp "cái chết cô độc". Theo kết quả một cuộc khảo sát gần đây, năm 2021 ghi nhận hơn 3.000 "cái chết cô độc" tại Hàn Quốc, đặc biệt 50~60 là nhóm tuổi có nguy cơ cao có thể phải trải qua cái chết cô độc.

Theo đó, chính phủ Hàn Quốc đã cố gắng xác định và tăng cường hỗ trợ cho những nhóm có nguy cơ cao với mục tiêu giảm 20% số trường hợp cái chết cô độc vào năm 2027.


 

Thứ trưởng Bộ Y tế và Phúc lợi Lee Gi-il công bố kế hoạch cơ bản đầu tiên để ngăn chặn cái chết cô độc tại Khu liên hợp Chính phủ Seoul ở Jongno-gu, Seoul vào sáng ngày 18/5/2023. [Ảnh=Yonhap News]

Ngày 18, Bộ Y tế và Phúc lợi Hàn Quốc cùng với các bộ liên quan đã thành lập và công bố "Kế hoạch cơ bản để ngăn chặn cái chết cô độc lần thứ nhất (2023~2027)". 'Cái chết cô độc' đề cập đến cái chết được phát hiện sau một khoảng thời gian nhất định của một người sống một mình, không có mối quan hệ với những người xung quanh.

Theo một cuộc khảo sát tìm hiểu thực tế do chính phủ thực hiện lần đầu tiên vào năm ngoái, số người chết trong cô đơn ở Hàn Quốc đã tăng từ 2.412 trường hợp vào năm 2017 lên 3.378 trường hợp vào năm 2021.

Ngoài ra, trong một cuộc khảo sát 9.471 hộ gia đình độc thân do Bộ Y tế và Phúc lợi thực hiện từ tháng 11~12/2022, ước tính có 1.525.000 người, tương đương 3% dân số, có nguy trải qua cái chết cô độc.

Theo đó, lần đầu tiên, chính phủ đưa ra một kế hoạch cơ bản bao gồm các biện pháp toàn diện với mục tiêu giảm 20% số người chết cô đơn từ mức 1,06/100 người vào năm 2021 xuống 0,85/100 người vào năm 2027.

Kế hoạch cơ bản bao gồm 4 chiến lược thúc đẩy và 13 nhiệm vụ cốt lõi với tầm nhìn về 'một xã hội kết nối mật độ cao mà không lo lắng về sự cô lập xã hội' với ngân sách cần thiết dự tính là khoảng 390,7 tỷ won (khoảng 294 triệu USD). Một số nhiệm vụ tiêu biểu bao gồm phát hiện những người có nguy cơ cao đối mặt với cái chết cô độc, sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông (IT) để nắm bắt sớm các dấu hiệu khủng hoảng tại các khu dân cư, đồng thời giải quyết các yếu tố khủng hoảng bằng cách liên kết và hỗ trợ các chương trình phúc lợi đa dạng.

Ngoài ra cũng mở rộng các tang lễ tập thể đối với những người thuộc trường hợp cái chết cô độc mà không có người nhận thi thể. Chu kỳ tìm hiểu hiện trạng về cái chết cô độc cũng sẽ được rút ngắn từ 5 năm hiện tại xuống còn 1 năm.

Nhiều chương trình trao đổi khác nhau cũng được thực hiện để những người có nguy cơ tử vong mà không có ai bên cạnh có thể kết nối với cộng đồng, tránh khỏi tình trạng cô lập về mặt xã hội. Các kế hoạch sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông cũng được thúc đẩy để có thể định kỳ gọi điện hỏi thăm sức khỏe cũa những người sống 1 mình, phát hiện các tình huống bất thường như ngã và giảm mạnh khối lượng hoạt động.

Kế hoạch cơ bản cũng bao gồm các nội dung hỗ trợ tập trung vào các dịch vụ cần thiết để giải quyết các yếu tố liên quan đến sức khỏe, việc làm phù hợp với cuộc sống của tầng lớp thanh niên, người trung niên và người cao tuổi.

Đối với những thanh niên bị cô lập hoặc tự tách biệt mình với xã hội, thời gian kiểm tra sức khỏe tâm thần được rút ngắn và các chương trình hỗ trợ việc làm và cải thiện năng lực công việc sẽ được liên kết với nhau.

Trong trường hợp nhóm trung niên có nguy cơ cao, những người chiếm hơn một nửa số ca tử vong trong cái chết cô độc, sẽ có các chính sách liên kết các chương trình giáo dục trọn đời hoặc tìm kiếm việc làm trở lại cùng với việc khuyến khích tham gia vào các hoạt động xã hội, thiết lập các dịch vụ hỗ trợ sinh hoạt như chăm sóc, hỗ trợ tinh thần. 

Đối với người cao tuổi, loại hình dịch vụ chăm sóc theo yêu cầu sẽ dần được mở rộng và tăng cường dịch vụ "người cao tuổi chăm sóc cho người cao tuổi" trong khu vực. Bên cạnh đó, cũng sẽ có chính sách hỗ trợ để những người sống 1 mình chuẩn bị trước cho đám tang của chính mình.

Dự án thí điểm quản lý và ngăn chặn cái chết cô độc hiện đang được xúc tiến ở 39 thành phố, quận và huyện ở Hàn Quốc sẽ được mở rộng lên 229 địa điểm vào năm 2027.

 

[Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기