Kinh tế Chính trị

Khả năng cạnh tranh logistics của Hàn Quốc lần đầu tiên lọt top 20 thế giới…Xếp ở vị trí thứ 17

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)13:51 27-06-2023
Năng lực cạnh tranh logistics của Hàn Quốc xếp thứ 17 trên thế giới. Đây là lần đầu tiên Hàn Quốc lọt vào top 20 trong báo cáo 'Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI)' do Ngân hàng Thế giới công bố.

 

Những thay đổi trong bảng xếp hạng Chỉ số hiệu quả Logistics (LPI) trong 10 năm qua. [Ảnh=World Bank]

Ngày 26, Phòng Thương mại và Công nghiệp Hàn Quốc (Korcham) công bố năng lực cạnh tranh hậu cần của Hàn Quốc xếp thứ 17 theo kết quả phân tích báo cáo Chỉ số hiệu quả logistics (Logistics Performance Index·LPI) năm 2023 do Ngân hàng Thế giới công bố. Thứ hạng của năm nay đã tăng 8 bậc so với lần khảo sát trước đó vào năm 2018 (xếp thứ 25).

Chỉ số Hiệu quả Logistics (LPI) là chỉ số đại diện có thể đo lường năng lực cạnh tranh logistics (hậu cần) của mỗi quốc gia. Cứ mỗi 2 năm một lần, Ngân hàng Thế giới sẽ đánh giá 6 tiêu chí trong lĩnh vực logistics (bao gồm thủ tục hải quan, cơ sở hạ tầng hậu cần, tính dễ dàng trong vận chuyển hàng hóa quốc tế, dịch vụ hậu cần, theo dõi (truy xuất) hàng hóa và sự đúng hạn) của 160 quốc gia trên thế giới. Báo cáo LPI năm 2023 được đưa ra vào thời điểm sau 5 năm kể từ lần công bố cuối cùng năm 2018, do phải tạm ngừng 3 năm trong giai đoạn dịch Covid-19.

Theo Bảng xếp hạng LPI năm 2023, đứng đầu thế giới vẫn là Singapore, thứ hai là Phần Lan, thứ ba là Đan Mạch. Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 17, đứng ngay trên Mỹ (18), Úc (19) và Trung Quốc (20).

Cụ thể, Hàn Quốc có thứ hạng tương đối tốt ở những hạng mục bao gồm thủ tục hải quan (7) và cơ sở hạ tầng hậu cần (thứ 9). Trong đó, cảng Busan được đánh giá có hạ tầng logistics đẳng cấp quốc tế, đứng thứ 7 thế giới về sản lượng xếp dỡ container và sân bay Incheon đứng thứ 2 thế giới về hiệu suất xếp dỡ hàng hóa quốc tế.

Mặt khác, các hạng mục còn lại như theo dõi hàng hóa (thứ 23), sự đúng hạn (thứ 25), tính dễ dàng trong vận chuyển hàng hóa quốc tế (thứ 26) và dịch vụ hậu cần (thứ 20) được cho là kém cạnh tranh hơn.

Thông qua kết quả lần này, có thể thấy việc đảm bảo khả năng cạnh tranh về phần mềm cung cấp và vận hành dịch vụ logistics là cấp thiết.

Jang Geun-moo, người đứng đầu Bộ phận Phân phối & Hậu cần của Korcham cho biết: "Khi quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của ngành hậu cần, chẳng hạn như trí tuệ nhân tạo và giao hàng không người lái, đang tăng tốc, thì sự cạnh tranh để tạo ra thị trường mới và lợi thế chiếm lĩnh thị trường cũng ngày một khốc liệt hơn. Để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số, Chính phủ cần mạnh dạn cải thiện các quy định, đồng thời khu vực tư nhân cần tăng cường đầu tư vào phát triển và thương mại hóa công nghệ tự động hóa và thông minh".

 

Việc bốc dỡ các container chở hàng đang được tiến hành tại Bến tàu Sinseondae ở Cảng Busan vào ngày 21/6/2023. [Ảnh=Yonhap News]

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기