Kinh tế Chính trị

Tổng thống Hàn Quốc hội đàm với Thủ tướng Nhật Bản tại Litva…Thảo luận về nước nhiễm xạ Fukushima

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)14:33 12-07-2023
Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida sẽ tổ chức hội nghị thượng đỉnh lần thứ sáu tại Litva, trong khoảng thời gian nhà lãnh đạo hai nước đều đang có mặt ở đây để tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

 
Tổng thống Yoon Suk-yeol bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào ngày 2152023 ẢnhYonhap News
Tổng thống Yoon Suk-yeol bắt tay với Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida tại hội nghị thượng đỉnh Hàn-Nhật được tổ chức tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima vào ngày 21/5/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo văn phòng tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol và Thủ tướng Nhật Bản sẽ gặp nhau vào ngày 12 (theo giờ địa phương). 

Một quan chức cấp cao trong văn phòng tổng thống Hàn Quốc đã gặp gỡ các phóng viên tại trung tâm báo chí địa phương ở Vilnius (thủ đô của Litva) vào ngày 11 và cho biết "Không có kế hoạch cho những vấn đề được thảo luận vào ngày mai". Tuy nhiên người ta dự đoán rằng nhiều chương trình nghị sự có thể sẽ được đưa ra bàn bạc chẳng hạn như △ Nước nhiễm xạ ở Fukushima △ Chương trình hoán đổi tiền tệ Hàn-Nhật △ Hợp tác chuỗi cung ứng và công nghệ tiên tiến △ Hợp tác an ninh Hàn-Mỹ-Nhật.

Quyết định xả nước nhiễm xạ (Nhật Bản gọi là "nước đã qua xử lý") của Nhật Bản hiện đang là vấn đề gây tranh cãi ở Hàn Quốc. 

Trong nhiều năm, người dân ở Hàn Quốc và Trung Quốc bày tỏ lo ngại về nguồn nước đã qua xử lý có thể chứa các nguyên tố phóng xạ độc hại bị thải ra biển và gây ô nhiễm môi trường. Theo một cuộc khảo sát trên 1.000 người Hàn Quốc từ 18 tuổi trở lên do Liên đoàn Phong trào Môi trường Hàn Quốc tiến hành vào tháng 5, 85,4% cho biết họ phản đối việc xả nước bị ô nhiễm ra biển và 72,3% nói rằng họ sẽ giảm thiểu tiêu thụ các mặt hàng thủy hải sản khi Nhật Bản xả nước nhiễm xạ.

Tai nạn Fukushima được coi là tai nạn hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ thảm họa hạt nhân Chernobyl năm 1986 khi một lò phản ứng hạt nhân phát nổ và giải phóng khoảng 5% lõi lò phản ứng ra môi trường. Theo Công ty Điện lực Tokyo (TEPCO), khoảng 140 tấn nước được sử dụng mỗi ngày để làm mát lò phản ứng bị nóng chảy và ngăn không cho nó quá nóng. 

Với mục đích giảm hàm lượng phóng xạ, TEPCO đã xử lý lượng nước này thông qua một quy trình được mô tả là hệ thống xử lý chất lỏng tiên tiến (ALPS) và lưu trữ nước trong hơn 1.000 bể chứa bằng thép không gỉ tại khu vực nhà máy điện hạt nhân bị bỏ hoang. Quy trình ALPS loại bỏ 62 trong số 64 nguyên tố phóng xạ để đưa mức nồng độ hạt nhân phóng xạ xuống dưới giới hạn quy định của Nhật Bản đặt ra vào năm 2022. 

Đầu tháng 7, truyền thông Nhật Bản cho biết Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi có thể sẽ gặp những người đồng cấp Hàn Quốc và Trung Quốc tại cuộc họp cấp ngoại trưởng liên quan đến Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á dự kiến ​​tổ chức tại Indonesia vào giữa tháng 7 để tìm kiếm sự thấu hiểu về việc xả nước đã qua xử lý.

Liên quan đến sự cố nước nhiễm xạ ở Fukushima, quan chức cấp cao của văn phòng tổng thống cũng đưa ra bình luận "Xét cho cùng, đó là một sự cố thiên tai đã xảy ra cách đây khoảng 12, 13 năm. Seoul và Tokyo đã bình thường hóa quan hệ vào tháng 3 vừa qua trong bối cảnh Nhật Bản và các nước châu Á-Thái Bình Dương đang cùng chia sẻ nỗi đau về hậu quả của trận động đất ở Nhật Bản cũng như cùng nhau khắc phục và vượt qua những khó khăn".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기