Kinh tế Chính trị

Lạm phát lõi của Hàn Quốc tăng 4,5%…Mức tăng lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:08 07-08-2023
Nếu loại trừ biến động giá do các yếu tố tạm thời như thời tiết và giá dầu quốc tế, 'lạm phát lõi (core inflation)' của Hàn Quốc năm nay đã cho thấy mức tăng cao nhất kể từ cuộc khủng hoảng tiền tệ năm 1998. Mặc dù tổng chỉ số giá tiêu dùng đang giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên nhiều chuyên gia đã phân tích rằng dòng lạm phát cơ bản ở mức cao có xu hướng kéo dài do giá lương thực tăng cao.

 
Biển quảng cáo thực đơn của các nhà hàng ở khu vực Jongkak Seoul Ảnh chụp ngày 382023 ẢnhYonhap News
Biển quảng cáo thực đơn của các nhà hàng ở khu vực Jongkak (Seoul). Ảnh chụp ngày 3/8/2023. [Ảnh=Yonhap News]
Theo Cổng thông tin điện tử quốc gia (KOSIS) của Cục Thống kê quốc gia Hàn Quốc vào ngày 7, chỉ số lũy kế không bao gồm nhóm hàng năng lượng và lương thực trong 7 tháng đầu năm (từ tháng 1~7/2023) đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đây là mức cao nhất xét theo khoảng thời gian 7 tháng đầu năm (tháng 1~7) kể từ khi ghi nhận mức lạm phát cơ bản 6,8% năm 1998, trong cuộc khủng hoảng tiền tệ. Con số này cũng cao hơn mức 4,2% năm 2009, trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.

Chỉ số loại trừ nông sản và xăng dầu không biến động lớn so với tổng chỉ số do đã loại trừ những thay đổi mang tính chất tạm thời hay cú sốc về giá, như sự tăng hay giảm của giá dầu (dễ bị ảnh hưởng bởi biến động của giá dầu quốc tế), giá lương thực (chịu tác động của các yếu tố mùa vụ như thời tiết). Đây là lý do tại sao chỉ số này chủ yếu được sử dụng như một chỉ số giá cốt lõi để xác định các xu hướng biến động giá dài hạn.

Ngoại trừ những năm xảy ra khủng hoảng tiền tệ và khủng hoảng tài chính, tốc độ tăng của chỉ số loại trừ nhóm hàng nông sản và nhóm hàng xăng dầu thường dao động ở mức 1~2%. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021, khi dịch Covid-19 giảm dần thì chỉ số này bắt đầu tăng lên so với cùng kỳ năm trước đó.

Tốc độ gia tăng của tháng 1/2022 đã tăng lên 3,0% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ sau đúng 1 năm, chỉ số này đã đạt đỉnh 5,0% vào tháng 1 năm nay. Từ đó đến nay, mặc dù mức tăng có giảm dần nhưng mức độ giảm tương đối chậm. Trong đó vào tháng 3 vừa qua, sau khoảng 2 năm, chỉ số này (4,8%) đã vượt qua tổng chỉ số giá tiêu dùng (4,2%) và khoảng cách giữa các chỉ số có xu hướng mở rộng hơn theo từng tháng. Chỉ số giá tiêu dùng gần đây của Hàn Quốc đang duy trì ở mức 2% nhờ vào sự sụt giảm kỷ lục của giá dầu.

Các chuyên gia chỉ ra rằng nguyên nhân chính khiến lạm phát lõi tăng vọt là do giá dịch vụ, dẫn đầu là giá thực phẩm, tăng cao.

Một quan chức của Văn phòng Thống kê Quốc gia Hàn Quốc cho biết, "Xét về đóng góp vào lạm phát, đóng góp của khu vực dịch vụ cá nhân (tập trung vào giá ăn uống bên ngoài) là cao nhất. Thêm vào đó, có vẻ như giá nguyên liệu thô tăng cao là một phần hậu quả của cuộc chiến Ukraine-Nga".

Vấn đề là mặc dù gần đây tốc độ tăng của lạm phát lõi đã giảm nhẹ tuy nhiên mức tiêu thụ dịch vụ vẫn ngày càng tăng nên rất khó để đảm bảo rằng tốc độ tăng trong tương lai của lạm phát lõi có giảm hơn nữa hay không.

Trong một báo cáo được công bố vào tháng 6, nhóm nghiên cứu về xu hướng lạm phát của Ngân hàng Hàn Quốc dự đoán "Có rất nhiều rủi ro liên quan tới chiều hướng phát triển của lạm phát lõi trong tương lai. Lạm phát trên mức mục tiêu (2,0%) có khả năng sẽ còn tiếp tục kéo dài trong một khoảng thời gian đáng kể".

Mặc dù chỉ số giá tiêu dùng gần đây cho thấy sự ổn định về mặt số liệu, có không ít ý kiến cho rằng do ảnh hưởng của lạm phát lõi tăng cao, chính phủ Hàn Quốc đang huy động Ủy ban Thương mại Công bằng và Cục Thuế Quốc gia để quản lý vật giá một cách toàn diện.

Cục Thuế Quốc gia gần đây đã gửi một thông báo giải thích có thẩm quyền cho ngành công nghiệp rượu rằng "các nhà bán lẻ có thể bán rượu cho người tiêu dùng dưới giá mua" nhằm mục đích giảm giá rượu. Ủy ban Thương mại Công bằng bắt đầu theo dõi xu hướng giá của các sản phẩm thực phẩm chính vào tháng 6 sau khi Phó Thủ tướng phụ trách Kinh tế kiêm Bộ trưởng Bộ Chiến lược và Tài chính Choo Kyung-ho đề cập đến giá mì ăn liền.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기