Đời sống Xã hội

Giá trị thị trường đồ uống của Hàn Quốc lần đầu vượt 10.000 tỷ KRW

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)11:19 30-08-2023
Giá trị thị trường đồ uống của Hàn Quốc lần đầu tiên vượt quá 10 nghìn tỷ won, được thúc đẩy bởi các sản phẩm cà phê, trà, đồ uống có ga và thậm chí là các sản phẩm nước uống mới không đường, ít calo đang được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng.

 
ẢnhEmart
[Ảnh=Emart]
Theo báo cáo 'Hiệu suất sản xuất thực phẩm năm 2022' của Bộ An toàn Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc vào ngày 30, quy mô thị trường đồ uống cuả Hàn Quốc trong năm ngoái tính theo doanh thu đã ghi nhận 10.311 tỷ won (khoảng 7,81 tỷ USD), tăng 7,6% so với năm 2021 (9.583 tỷ won). Đây cũng là lần đầu tiên thị trường đồ uống của Hàn Quốc ghi nhận doanh thu vượt mốc 10.000 tỷ won.

Xét theo mặt hàng, tỷ trọng các đồ uống là cà phê được bán nội địa tại Hàn Quốc là áp đảo nhất với 30,8%. Doanh số bán cà phê rang giảm, trong khi doanh số bán cà phê hòa tan, cà phê nước đồng loạt tăng.

Lotte Chilsung chiếm 25,3% thị phần cà phê dạng nước, chiếm doanh thu cao nhất trong số các loại cà phê (theo kênh phân phối bán lẻ vào năm 2021). Theo sau là Dong Suh Foods Corporation (16,6%), Maeil (15,6%) và Coca-Cola (10,9%).

Bên cạnh cà phê, tỷ trọng của các loại đồ uống khác cũng lần lượt là đồ uống có ga (24,5%), trà (12,1%), nước hỗn hợp (nước được tạo ra bằng cách thêm các chất phụ gia tổng hợp như khoáng chất vào nước tinh khiếtt, 11,4%), đồ uống trái cây/rau củ (8,2%), sữa đậu nành (4,2%), đồ uống nhân sâm/hồng sâm (3,5%). Đặc biệt, các loại trà như trà xanh và trà đen có hàm lượng caffeine và calo tương đối thấp so với cà phê, cùng với các sản phẩm uống liền (RTD) có thể uống thay nước lọc đang ngày càng mở rộng cũng có đóng góp không nhỏ vào doanh số bán hàng đồ uống nói chung.

Xuất khẩu đồ uống năm 2022 của Hàn Quốc cũng đạt 947,59 triệu đô la, tăng 4,5% so với năm trước đó.

Đối với các nước xuất khẩu chính, Trung Quốc chiếm tỷ trọng cao nhất với 22,8%, tiếp theo là Mỹ (12,2%), Việt Nam (8,0%), Campuchia (7,9%), Nhật Bản (4,7%), Nga (4,7%), và Israel (3,7%). Trong đó, Trung Quốc ưa chuộng các mặt hàng đồ uống cho trẻ em có bao bì bắt mắt với các nhân vật hoạt hình và các loại nước rau củ, thị trường Mỹ lại nhập khẩu nhiều các sản phẩm nước lô hội còn tại Việt Nam và Campuchia thì nước uống ngũ cốc chế biến và nước tăng lực là những mặt hàng chủ lực của Hàn Quốc.

Khi "sức khỏe" và "sự bền vững" trở thành xu hướng trong thị trường đồ uống trên toàn cầu bao gồm cả Hàn Quốc, các sản phẩm đồ uống không đường, ít calo và hữu cơ dự kiến ​​sẽ tiếp tục phát triển mạnh trong tương lai.

Khi sự quan tâm của người tiêu dùng đối với sức khỏe ngày càng tăng thì dòng sản phẩm có mức tăng trưởng nhiều nhất cũng chính là nước giải khát không đường. Việc tiêu thụ đồ uống không đường, sử dụng chất làm ngọt thay thế thay vì fructose, đang gia tăng nhanh chóng trong bối cảnh người tiêu dùng nhận thấy rằng họ tăng cân tương đối ít hơn khi sử dụng các sản phẩm này. Đặc biệt các thức uống 'không đường (Zero Sugar)' được các hãng cho ra mắt vừa giảm được lượng đường có trong sản phẩm mà vẫn vẫn giữ được hương vị thơm ngon tương tự như trước khiến khách hàng vô cùng hài lòng.

Phù hợp với xu hướng không đường cũng như thị hiếu của khách hàng, các loại trà hoặc đồ uống từ thảo mộc cũng đang cho thấy tốc độ tăng trưởng đáng kể.

Một ví dụ điển hình là kombucha, một loại đồ uống lên men tốt cho sức khỏe, khi gần đây, có rất nhiều công ty đồ uống Hàn Quốc như Teazen và Maeil cũng đang nhảy vào thị trường này. Theo Polaris, một công ty nghiên cứu toàn cầu, thị trường kombucha toàn cầu dự kiến ​​sẽ tăng từ 2,5 tỷ USD vào năm 2021 lên 11,4 tỷ USD vào năm 2030 và thị trường đồ uống thay thế có nguồn gốc thực vật tại Hàn Quốc dự kiến ​​sẽ vượt 1.000 tỷ won vào năm 2025 sau khi ghi nhận giá trị 800 tỷ won vào năm ngoái.

Ngoài ra, các sản phẩm nhấn mạnh vào một tác dụng như giảm căng thẳng và hỗ trợ giấc ngủ dự kiến ​​sẽ góp phần vào sự tăng trưởng của thị trường đồ uống. Ví dụ như Muska đã tung ra sản phẩm 'Sleeping Bottle', một loại thức uống có tác dụng hỗ trợ giấc ngủ, đã được Văn phòng Sở hữu trí tuệ Hàn Quốc công nhận.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기