Đời sống Xã hội

Số lượng hàng giả bị truy quét ở Hàn Quốc tăng trở lại sau dịch…Người Hàn Quốc thường mua đồ giả của thương hiệu nào?

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:37 05-09-2023
Số lượng hàng xa xỉ giả được nhập khẩu vào Hàn Quốc vốn đã giảm đáng kể do lây lan của dịch Covid-19, đang ghi nhận đà tăng nhanh trở lại.

 
Hàng hóa nhập lậu bị hải quan tịch thu ẢnhYonhap News
Hàng hóa nhập lậu bị hải quan tịch thu. [Ảnh=Yonhap News]
Theo dữ liệu do Cục Hải quan Hàn Quốc, số tiền phạt thu được do phát hiện các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ trong năm ngoái (2022) là 563,9 tỷ won (khoảng 10,25 nghìn tỷ VNĐ), tăng gấp 2,4 lần so với năm 2021 (233,9 tỷ won). Trong đó, hầu hết hàng giả xa xỉ được phân phối tại Hàn Quốc đều được sản xuất tại Trung Quốc.

Trong thời kỳ Covid-19, các mặt hàng giả nhập khẩu vào Hàn Quốc đã giảm dần do các hạn chế trong đi lại, vận chuyển. Tuy nhiên kể khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giao thông xuyên biên giới cũng bình thường hóa trở lại khiến cho số lượng hàng giả, hàng nhái được đưa vào Hàn Quốc tăng trở lại.

Số tiền xử phạt các sản phẩm vi phạm quyền sở hữu trí tuệ được Cục Hải quan Hàn Quốc phát hiện có xu hướng ngày càng tăng, đạt 521,7 tỷ won vào năm 2018; 660,9 tỷ won vào năm 2019, nhưng từ khi Covid-19 bắt đầu lây lan, con số này đã giảm hơn một nửa vào năm 2020 (260,2 tỷ won) và tiếp tục giảm vào năm 2021 (233,9 tỷ won). Tuy nhiên khi dịch bệnh lắng xuống, có thể thấy số tiền xử phạt các mặt hàng giả đã tăng về gần bằng với mức trước dịch.

Xét theo mặt hàng, trong năm ngoái đồng hồ là món đồ bị Cục Hải quan Hàn Quốc phát hiện nhiều sản phẩm hàng nhái, hàng giả nhất với số tiền thu được từ xử phạt là 320,5 tỷ won (khoảng 5,8 nghìn tỷ VNĐ), tiếp theo là túi xách (177,5 tỷ KRW), quần áo (35,5 tỷ KRW) và giày dép (14,5 tỷ KRW).

Khi cuộc sống giãn cách xã hội, bao gồm cả làm việc tại nhà, kết thúc và mọi người bắt đầu rời khỏi nhà và tham gia vào các hoạt động trực tiếp trở lại, nhu cầu về các hàng hiệu giả như đồng hồ, túi xách, quần áo và giày dép lại gia tăng.

Trong 6 năm qua, thương hiệu thường xuyên được người Hàn Quốc mua sản phẩm nhái, sản phẩm giả là Rolex, thương hiệu đồng hồ xa xỉ đến từ Thụy Sĩ.

Số lượng vi phạm sở hữu trí tuệ được Cục Hải quan Hàn Quốc phát hiện từ năm 2018 đến tháng 6/2023 được thống kê là 2.426,5 tỷ won (khoảng 43,96 nghìn tỷ VNĐ). Trong số này, thương hiệu chiếm tỷ lệ lớn nhất là Rolex với giá trị 306,8 tỷ won (khoảng 5,56 nghìn tỷ VNĐ). Louis Vuitton đứng thứ 2 (238,8 tỷ won), tiếp theo là Chanel (137,9 tỷ won), Burberry (88 tỷ won) và Gucci (76,6 tỷ won).

Ngoài ra, Hermes (63,7 tỷ KRW), Moncler (36,8 tỷ KRW), Goyard (30,6 tỷ KRW), Prada (28,3 tỷ KRW) và Nike (26,4 tỷ KRW) cũng lọt vào top 10 những thương hiệu có nhiều hàng nhái nhất tại Hàn Quốc. Số lượng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ chỉ tính riêng cho 10 thương hiệu này đã lên tới 1.033,9 tỷ won.

Số vụ vi phạm sở hữu trí tuệ bị phát hiện giảm đáng kể từ 282 vụ năm 2018 xuống còn 157 vụ năm 2022, nhưng số tiền xử phạt lại tăng lên, cho thấy tình trạng xuất nhập lậu hàng giả ngày càng gia tăng về quy mô. Trong đó, số tiền bị phát hiện trung bình mỗi vụ túi xách đã tăng mạnh từ 876,9 triệu won năm 2018 lên 5,147 tỷ won trong nửa đầu năm 2023.

Một thành viên Ủy ban Kế hoạch và Tài chính của Quốc hội cho biết "Buôn bán hàng nhái, hàng giả là hành vi phạm tội rõ ràng nhằm lừa dối người tiêu dùng. Vì quy mô của các hành vi buôn lậu đang có xu hướng ngày càng lớn, các cơ quan thuế phải đứng ra bảo vệ người tiêu dùng thông qua các biện pháp kiểm soát triệt để".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기