Đời sống Xã hội

Seoul sắp cho ra mắt thẻ giao thông công cộng tích hợp có giá 65.000 KRW/tháng

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:54 12-09-2023
Trong tháng 1/2024, thành phố Seoul sẽ cho ra mắt một loại thẻ giao thông mới có tên 'Climate Card' cho phép sử dụng không giới hạn tàu điện ngầm Seoul, xe buýt thành phố và xe buýt khu dân cư cũng như xe đạp công cộng với giá 65.000 won (khoảng 49 USD) mỗi tháng. 

 
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đang thuyết trình giới thiệu về kế hoạch triển khai thẻ giao thông tích hợp Climate Card tại phòng họp của Tòa thị chính Seoul ở Jung-gu Seoul vào sáng ngày 1192023 Ảnhdbeorlf123ajunewscom
Thị trưởng Seoul Oh Se-hoon đang thuyết trình giới thiệu về kế hoạch triển khai thẻ giao thông tích hợp 'Climate Card' tại phòng họp của Tòa thị chính Seoul ở Jung-gu, Seoul vào sáng ngày 11/9/2023. [Ảnh=dbeorlf123@ajunews.com]
Đặc biệt, Climate Card có thể sử dụng trên cả các tuyến như Gyeongui–Jungang, Bundang, Gyeongchun, Ui Sinseol và Sillim. Tuy nhiên, các tuyến đường này chỉ có thể được sử dụng không giới hạn trong khu vực Seoul.

Chính quyền thành phố Seoul tin rằng điều này sẽ giúp cải thiện đáng kể môi trường khí hậu bằng cách mở rộng tỷ lệ sử dụng phương tiện giao thông công cộng thay vì sử dụng ô tô cá nhân. 

Oh Se-hoon, Thị trưởng thành phố Seoul cho biết vào ngày 11, "Tương tự như thẻ 49 Euro (D-Ticket) của Đức, chúng tôi đang triển khai một loại thẻ giao thông công cộng không giới hạn ở Seoul", nhằm giảm bớt gánh nặng cho các hộ gia đình trong thời kỳ lạm phát cao đồng thời cải thiện tỷ lệ sử dụng giao thông công cộng để ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Chính quyền Seoul cho biết thẻ giao thông Climate Card sẽ được đưa vào sử dụng thử nghiệm từ tháng 1~5/2024 và dự kiến được triển khai chính thức từ nửa cuối năm sau, sau khi được bổ sung và hoàn thiện những bất cập.

Thẻ Climate Card có thể được mua với giá 65.000 won và sử dụng trong vòng một tháng trong đó khách hàng sử dụng thẻ sẽ được phép sử dụng không giới hạn các phương tiện giao thông công cộng ở Seoul như tàu điện ngầm, xe buýt thành phố và xe buýt khu dân cư trong khu vực Seoul cũng như các phương tiện giao thông công cộng đô thị như tuyến tàu điện ngầm Gyeongui–Jungang.

Có thể thấy, phạm vi sử dụng thẻ giao thông Climate Card đã được mở rộng hơn nhiều so với loại thẻ tàu điện ngầm theo tháng hiện có.

Người dùng có thể sử dụng bằng thẻ vật lý hoặc dùng thông qua ứng dụng trên điện thoại thông minh. Thẻ vật lý có thể được mua với giá 3.000 won và sau đó nạp tiền (65.000 won mỗi tháng) để sử dụng. Với thẻ Climate Card, người dùng có thể sử dụng tất cả các tuyến tàu điện ngầm từ tuyến 1~9 ở trung tâm thành phố Seoul, cũng như các tuyến Gyeongui–Jungang, Bundang, Gyeongchun, Ui Sinseol và Sillim. Không những vậy, người dùng cũng có thể sử dụng cả xe đạp công cộng Ttareungi không giới hạn với thời gian 1 tiếng/lần.

Thông qua việc phát hành thẻ Climate Card, thủ đô Seoul đặt mục tiêu ứng phó với khủng hoảng khí hậu.

Thành phố giải thích rằng khí nhà kính từ lĩnh vực giao thông vận tải chiếm 17% (khoảng 7,63 triệu tấn) tổng lượng phát thải khí nhà kính ở Seoul, vì vậy để giảm thiểu điều này, điều quan trọng là phải chuyển đổi việc sử dụng xe ô tô cá nhân sang các phương tiện giao thông công cộng.

Tính đến năm 2021, tỷ lệ phân chia trong việc chuyên chở của phương tiện giao thông so với xe cá nhân tại Seoul là 52,9% so với 24,5%. Có thể thấy tỷ lệ của phương tiện giao thông đã giảm đi 12,2 điểm phần trăm so với mức 65,1% năm 2018, ngược lại tỷ lệ chuyên chở của các loại xe cá nhân lại tăng 13,5 điểm phần trăm từ mức 24,5% năm 2018.

Đặc biệt, kế hoạch lần này của thành phố là nhằm giảm bớt gánh nặng về giá vé của các phương tiện giao thông. Gánh nặng hộ gia đình mà người dân Hàn Quốc cảm thấy dự kiến ​​sẽ tăng hơn nữa do giá cả và chi phí năng lượng đã tăng đáng kể trong thời gian gần đây. Thêm vào đó là giá vé tàu điện ngầm dự kiến ​​​​sẽ tăng vào tháng tới cùng với giá vé xe buýt đã tăng lên thành 1.500 won từ giữa tháng vừa qua.

Thành phố dự đoán rằng việc giới thiệu Climate Card sẽ giảm việc sử dụng các loại ô tô chở khách khoảng 13.000 phương tiện mỗi năm và mang đến hiệu quả giảm thiểu 32.000 tấn khí nhà kính/năm.

Thị trưởng thành phố Seoul, Oh Se-hoon cho biết: "Việc ứng phó với cuộc khủng hoảng khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải nếu chỉ thay thế ở phần cứng chẳng hạn như chuyển sang xe buýt thân thiện với môi trường, mở rộng xe đạp công cộng và phân phối taxi điện thì sẽ vẫn còn rất nhiều hạn chế. Chìa khóa ở đây đó là phải tích cực thúc đẩy người dân sử dụng các phương tiện công cộng. Bên cạnh việc vận hành ổn định thẻ Climate Card, chúng tôi sẽ tiếp tục mở rộng các chính sách giao thông đồng hành cùng người dân".

Tuy nhiên, tỉnh Gyeonggi, thành phố Incheon và cơ quan liên quan KORAIL (công ty đường sắt Hàn Quốc) đã bày tỏ sự bối rối trước thông báo của thành phố Seoul.

Trong trường hợp của tỉnh Gyeonggi, tuy bày tỏ sự đồng cảm với định hướng của dự án thẻ giao thông tích hợp nhưng bày tỏ sự tiếc nuối khi Thành phố Seoul đã đơn phương thúc đẩy dự án mà không có sự tham vấn trước đầy đủ với tỉnh. 

Tỉnh Gyeonggi cùng ngày đã đưa ra thông cáo báo chí cho biết: "Giao thông ở khu vực đô thị là một vấn đề cần nỗ lực chung chứ không phải sự cố gắng đơn phương của riêng một chính quyền địa phương cụ thể. Chúng ta cần thành lập một hội đồng làm việc với sự tham gia của ba chính quyền địa phương bao gồm Seoul, Incheon và Gyeonggi, đồng thời xem xét kế hoạch áp dụng (thẻ Climate Card) sau khi họp bàn với cơ quan tư vấn".

Thành phố Incheon cũng đồng tình với mục đích vận hành Climate Card tuy nhiên bày tỏ lo ngại trước thông báo đơn phương thực hiện của Thành phố Seoul. Thành phố Incheon kêu gọi thành lập cơ quan tư vấn ba bên và cho biết: "Một phản ứng chung đối với các vấn đề giao thông ở khu vực đô thị sẽ hiệu quả hơn".

Có một số ý kiến cũng chỉ ra rằng Climate Card có thể trùng lặp với thẻ 'K-Pass' mà chính phủ đang hướng tới giới thiệu vào tháng 7/2024. Dự án K-Pass là chính sách hoàn trả số tiền tương đương tối đa 30% chi phí vận chuyển cho những người sử dụng tàu điện ngầm và xe buýt hơn 21 lần một tháng. Tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon cùng đưa ra ý kiến cho rằng các vấn đề như chức năng chồng chéo với hệ thống K-Pass nên được thảo luận thông qua cơ quan tư vấn ba bên.

Bên cạnh đó, cũng cần có sự phối hợp với KORAIL, công ty vận hành một số đoạn của tàu điện ngầm đô thị. Đại diện KORAIL cho biết, "(Chúng tôi) chưa có thảo luận nào về Climate Card với Chính quyền thành phố Seoul liên quan đến các đoạn do KORAIL vận hành trên các tuyến tàu điện ngầm đô thị số 1, 3 và 4, Tuyến Gyeongui–Jungang, Bundang, Gyeongchun".

Về vấn đề này, chính quyền thành phố Seoul cho biết, "Chúng tôi đã tổ chức một số cuộc tham vấn ở cấp độ nghiệp vụ để thảo luận về lĩnh vực hoạt động của KORAIL trong khu vực Seoul, theo đó với điều kiện là thành phố Seoul sẽ bồi thường tổn thất vận chuyển, KORAIL quyết định tham gia dự án thí điểm, đồng thời thảo luận về việc phát triển hệ thống thẻ Climate Card. Đối với khu vực hoạt động của KORAIL bên ngoài Seoul, chúng tôi sẽ khuyến khích sự tham gia thông qua các cuộc thảo luận cấp chuyên gia trong tương lai".

Về các ý kiến không bằng lòng của tỉnh Gyeonggi và thành phố Incheon, chính quyền thủ đô cũng cho biết "Thẻ Climate Card là một dự án thí điểm cho phép sử dụng không giới hạn phương tiện giao thông công cộng trong khu vực Seoul bằng ngân sách riêng của thành phố Seoul. Thành phố Seoul sẽ thành lập và vận hành một cơ quan tư vấn cấp chuyên viên ở cấp giám đốc chính quyền địa phương trong khu vực đô thị và tích cực xem xét các biện pháp để khu vực thủ đô (bao gồm cả Gyeonggi và Incheon) có thể cùng thực hiện dự án thí điểm vào tháng 1 năm sau".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기