Đời sống Xã hội

Hàn Quốc là 1 trong 5 quốc gia có nhiều trẻ em được đưa ra nước ngoài làm con nuôi nhất thế giới

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:50 05-10-2023
Dữ liệu từ một thống kê gần đây cho thấy rằng mỗi năm có hơn 200 trẻ em được sinh ra ở Hàn Quốc nhưng lại được đưa ra khỏi Hàn Quốc do được nhận làm con nuôi ở nước ngoài. Có thể thấy ngay cả khi đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân khẩu học nghiêm trọng (tổng tỷ suất sinh của Hàn Quốc đã giảm xuống dưới mức 0,8) thì Hàn Quốc vẫn chưa thể thoát khỏi tiếng xấu khi là quốc gia "xuất khẩu trẻ em" lớn thứ 5 thế giới, dựa trên tiêu chuẩn năm 2021.

 
ẢnhGetty Images Bank
[Ảnh=Getty Images Bank]
Theo dữ liệu từ Cơ quan Nghiên cứu Lập pháp của Quốc hội Hàn Quốc được gửi đến nghị sĩ Lee Jong-sung (Đảng Quyền lực Nhân dân), thành viên Ủy ban Y tế và Phúc lợi Quốc hội·Ủy ban Đặc biệt về Khủng hoảng Dân số, trong 17 năm từ năm 2004~2021 có tổng cộng 16.051 trẻ em Hàn Quốc đã được nhận làm con nuôi quốc tế. Con số này cao thứ 7 trên thế giới, chỉ sau Trung Quốc, Nga, Ethiopia, Guatemala, Colombia và Ukraine. Trong số các quốc gia thành viên của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), chỉ có Hàn Quốc và Colombia có số lượng lớn trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế.

Tuy nhiên, số lượng trẻ em Hàn Quốc được nhận làm con nuôi quốc tế đang cho thấy xu thế giảm dần qua từng năm.

Dữ liệu cho thấy số trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế đã giảm từ 2.239 trẻ năm 2004 xuống còn 1.813 trẻ năm 2006 và 950 trẻ năm 2011; tiếp tục giảm xuống dưới mốc 500 chỉ còn 219 trẻ vào năm 2013 và 222 trẻ vào năm 2021.

Mặc dù vậy, con số 222 trẻ cũng khiến cho Hàn Quốc xếp ở vị trí thứ 5 trong số các quốc gia có số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế nhiều nhất thế giới.

Ngoại trừ năm 2013 (vị trí thứ 18), Hàn Quốc không năm nào lọt khỏi top 10 quốc gia có số lượng trẻ em được nhận làm con nuôi quốc tế lớn nhất thế giới.

Không ít ý kiến ​​cho rằng chính sách ưu tiên nhận cho các gia đình trong nước (Hàn Quốc) nhận con nuôi của Chính phủ chưa hiệu quả.

Hiện tại, theo Điều 7 và 8 của 'Đạo luật Nhận con nuôi Đặc biệt', có hiệu lực từ tháng 8/2012, đối với trẻ em được ủy thác nhận nuôi, chính phủ Hàn Quốc sẽ ưu tiên để trẻ em được cha mẹ người Hàn Quốc trong nước nhận nuôi trước tiên và chỉ được đưa ra nước ngoài làm con nuôi nếu không tìm được cha mẹ nuôi phù hợp tại Hàn Quốc.

Tuy nhiên, số trẻ em được nhận làm con nuôi tại Hàn Quốc và ở nước ngoài trong năm ngoái (2022) lần lượt là 182 và 142. Có thể thấy tại Hàn Quốc cứ 10 trẻ được nhận nuôi thì có 4 trẻ sẽ được đưa ra nước ngoài và trở thành con nuôi quốc tế.

Năm nay đánh dấu năm thứ 10 Hàn Quốc tham gia Công ước về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nhận con nuôi quốc tế (gọi tắt là Công ước nhận con nuôi La-hay) với tinh thần cốt lõi của Công ước này là quy định việc nhận con nuôi quốc tế lâu dài đối với những trẻ em không thể tìm gia đình phù hợp ở nước sở tại của trẻ và đảm bảo rằng việc nuôi con nuôi quốc tế được tiến hành vì lợi ích tốt nhất của trẻ em và tôn trọng các quyền cơ bản của trẻ. Thêm vào đó, các 'tổ chức được công nhận' thay mặt chính phủ thực hiện công việc nhận con nuôi ở nước ngoài được yêu cầu là các tổ chức phi lợi nhuận. Mặc dù Hàn Quốc đã ký kết Công ước vào năm 2013 nhưng vẫn chưa nhận được sự phê chuẩn từ Quốc hội do đang thảo luận về các chế độ, hệ thống để hỗ trợ cho việc thi hành Công ước.

Hiện tại, ở Hàn Quốc, có tổng cộng ba tổ chức tư nhân đang thực hiện các dự án trao con nuôi ở nước ngoài dưới sự cho phép của Bộ Y tế và Phúc lợi bao gồm △Tổ chức Phục vụ trẻ em quốc tế Holt (Holt children's services), △Hiệp hội Phúc lợi Xã hội Hàn Quốc (Korea Welfare Services) và △Hiệp hội Phúc lợi Xã hội Phương Đông (Eastern Social Welfare Society).

Theo dữ liệu do Cơ quan Bảo đảm Quyền Trẻ em gửi tới văn phòng Nghị sĩ Lee Jong-sung, khoản phí mà các tổ chức này nhận được cho mỗi trường hợp trao con nuôi ở nước ngoài dao động từ mức tối thiểu là 13.584 USD đến mức tối đa là 19.500 USD. Mặt khác, việc nhận con nuôi tại Hàn Quốc sẽ không có chi phí nhận nuôi. Nhìn nhận theo góc độ cơ cấu, từ quan điểm của các tổ chức thực hiện, khi trao được càng nhiều con nuôi ra nước ngoài thì lợi nhuận hoa hồng càng tăng.

Vào tháng 6 năm nay, "Luật các trường hợp đặc biệt về nhận con nuôi" đã được sửa đổi và các dự luật liên quan đến việc nhận con nuôi quốc tế đã lần lượt được Quốc hội thông qua, theo đó cho tới năm 2025 khi các bộ luật này bắt đầu có hiệu lực, chính phủ Hàn Quốc cũng đang lên kế hoạch phê chuẩn Hiệp ước. Dự kiến, trách nhiệm và quyền hạn của chính phủ đối với việc nhận con nuôi ở nước ngoài dự kiến sẽ được tăng cường thêm một bậc.

Nghị sĩ Lee cho biết: "Mặc dù đã 10 năm kể từ khi chính sách ưu tiên nhận con nuôi trong nước được thực hiện nhưng trên thực tế một số lượng đáng kể trẻ em Hàn Quốc đang được gửi ra nước ngoài để làm con nuôi. Đây là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng xét từ góc độ nhân quyền trẻ em cũng như khủng hoảng dân số. Vì Hàn Quốc hiện đã đứng vào hàng ngũ các nước tiên tiến, Bộ Y tế và Phúc lợi phải nỗ lực hơn nữa để cải thiện tình hình".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기