Kinh tế Chính trị

Các doanh nghiệp phân phối Hàn Quốc "chạy đua" mở rộng thị trường sang các quốc gia Đông Nam Á và Trung Á

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:33 16-10-2023
Các nhà phân phối Hàn Quốc từng cạnh tranh khốc liệt để tiến vào thị trường Trung Quốc, gần đây đang cho thấy một hướng đi mới khi nỗ lực hợp tác với các công ty tại địa phương để chiếm lĩnh thị trường Đông Bắc và Đông Nam Á. Cách làm này giúp cho các nhà phân phối Hàn Quốc có thể nắm bắt nhanh tình hình thị trường địa phương, đồng thời rút ngắn thời gian tiến vào thị trường địa phương khi không cần phải trải qua các thủ tục hành chính khó khăn khác nhau trong quá trình mua đất hoặc lựa chọn cửa hàng.

 
Cửa hàng thứ tư của E-Mart mới được khai trương tại Mông Cổ ẢnhE-Mart
Cửa hàng thứ tư của E-Mart mới được khai trương tại Mông Cổ. [Ảnh=E-Mart]
Các quan chức trong ngành phân phối cho biết: "Gần đây làn sóng Hàn Quốc ở Đông Nam Á và các nước khác đã trở nên mạnh mẽ hơn, vì vậy đây là cơ hội và điều kiện tốt để nhanh chóng chiếm lĩnh các thị trường mới".

E-Mart gần đây đã mở cửa hàng thứ tư tại Mông Cổ, kết hợp với đối tác địa phương là 'Nomin Group', công ty phân phối số 1 của quốc gia này.

Nomin Group là công ty bản địa của Mông Cổ vận hành các kho hàng và siêu thị trên khắp Mông Cổ cũng như một trung tâm mua sắm trực tuyến. Sự hợp tác này bắt đầu khi E-Mart lên kế hoạch thâm nhập thị trường Mông Cổ và đề xuất với Nomin Group rằng họ sẽ "vận chuyển một 'trung tâm mua sắm kiểu Hàn Quốc' đến Mông Cổ, nơi chỉ có khái niệm siêu thị bán hàng hóa".

Nhờ đó, E-Mart, đã mở cửa hàng đầu tiên ở Mông Cổ vào năm 2016 và chính thức mở cửa hàng thứ 4 ở thủ đô Ulaanbaatar vào tháng 9 vừa qua. Cửa hàng của E-Mart không chỉ có siêu thị bán hàng hóa mà còn có một cửa hàng chuyên về quần áo và một khu ẩm thực. Đặc biệt còn có không gian cho một quán cà phê dành cho trẻ em (kids cafe).

Không chỉ có các doanh nghiệp về đại siêu thị, các công ty mẹ vận hành các chuỗi cửa hàng tiện lợi cũng tích cực tham gia vào cuộc đua này.

BGF Retail, công ty vận hành cửa hàng tiện lợi CU, đã ký kết hợp tác với Central Express CVS để giới thiệu cửa hàng tiện lợi phong cách Hàn Quốc tới Mông Cổ. Thông qua hợp tác này, hiện CU đã có hơn 300 cửa hàng tại đây.

E-Mart 24, chuỗi cửa hàng tiện lợi thuộc E-Mart, cũng đang có kế hoạch mở cửa hàng đầu tiên tại Campuchia vào nửa đầu năm 2024 sau khi cho biết sẽ hợp tác với Tập đoàn Saisons Brother Holding Co. của Campuchia. Đây là lần mở rộng thứ ba của E-Mart 24 ra nước ngoài, sau khi tiến vào thị trường Malaysia vào năm 2021 và Singapore vào tháng 12/2022. Tại Malaysia, E-Mart 24 cũng đã khai trương 'ứng dụng dịch vụ giao hàng' phong cách Hàn Quốc vào tháng 9/2023.

Còn với GS Retail, công ty điều hành chuỗi cửa hàng tiện lợi GS25, doanh nghiệp này đã gia nhập thị trường phía Nam của Việt Nam từ năm 2017 với tư cách là công ty con được thành lập bằng cách hợp tác với Tập đoàn Sơn Kim, trong đó GS Retail sẽ nắm 30%, Sơn Kim nắm 70%. Hiện tại, chỉ sau 5 năm số lượng cửa hàng GS25 tại khu vực phía Nam của Việt Nam đã tăng lên 211 cửa hàng.

Một quan chức trong ngành phân phối cho biết: "Các nhà phân phối trong nước thường áp dụng chiến lược bán quyền kinh doanh nhượng quyền cho các công ty địa phương, nhận hoa hồng và lấy các cửa hàng này làm cơ sở để xuất khẩu sản phẩm độc quyền của thương hiệu (private brand·PB) hoặc sản phẩm Hàn Quốc. Chiến lược này được đánh giá là có hiệu quả vì thời gian thuê nhân lực có thể được giảm bớt do có thể thực hiện thông qua các công ty địa phương, trong khi chi phí và nguồn lực có thể được sử dụng để phát triển hệ thống và sản phẩm".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com: Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기