Đời sống Xã hội

Gần 600.000 thanh niên địa phương đã đổ xô đến Seoul trong 1 thập kỷ qua

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)15:55 07-11-2023
Theo thống kê trong 10 năm qua, tại Hàn Quốc gần 600.000 thanh niên trong độ tuổi 20 đã rời quê hương để chuyển đến khu vực vùng thủ đô (bao gồm Seoul, Gyeonggi, Incheon).

 
Đường phố Hongdae Mapo-gu Seoul đông đúc người dân vào ngày 2810 cuối tuần ngay trước lễ hội Halloween ẢnhYonhap News
Đường phố Hongdae, Mapo-gu (Seoul) đông đúc người dân vào ngày 28/10 (cuối tuần ngay trước lễ hội Halloween). [Ảnh=Yonhap News]
Hàn Quốc với dân số khoảng 52 triệu người tuy nhiên có khoảng 25,9 triệu người tập trung tại Seoul, Gyeonggi và Incheon. Lý do dẫn đến tình trạng này chủ yếu là do các công ty lớn đều nằm trong khu vực vùng thủ đô, cũng như cơ sở hạ tầng về văn hóa, xã hội, tài chính, y tế và giáo dục tại khu vực này đều có chất lượng cao hơn so với những nơi khác. 

Theo dữ liệu do Cổng thông tin thống kê quốc gia (KOSIS) của Cục Thống kê Hàn Quốc công bố, dân số thanh niên địa phương ở độ tuổi 20 định cư ở Seoul, Gyeonggi và Incheon trong vòng 10 năm từ năm 2013~2022 là 591.000 người. Điều này có nghĩa là dân cư là thanh niên trong độ tuổi 20 du nhập ròng vào khu vực vùng thủ đô trong 10 năm qua đã vượt quá 590.000 người. Trong đó dân cư du nhập ròng đề cập đến giá trị thu được bằng cách lấy dân số di chuyển vào trừ đi dân số chuyển ra khỏi một khu vực.

Trong cùng thời gian, tổng dân cư đổ về khu vực vùng thủ đô là 279.000 người. Nếu loại bỏ dân số thuộc nhóm tuổi 20~29 thì tất cả dân số thuộc các nhóm tuổi khác đều ghi nhận xu hướng chuyển từ thành phố sang các khu vực ngoài vùng thủ đô.

Xét theo từng tỉnh/thành phố trong vùng thủ đô, trong 10 năm qua, lượng thanh niên trong độ tuổi 20 đổ vào Seoul là 341.000. Tính theo từng năm, dòng người trẻ ở độ tuổi 20 đổ về Seoul tăng từ 21.000 năm 2013 lên 48.000 vào năm 2019, giảm xuống 36.000 vào năm 2021 và tăng trở lại lên 54.000 vào năm ngoái (2022).

Trong 10 năm qua, lượng thanh niên ở độ tuổi 20 đổ về Gyeonggi là 235.000 người và Incheon là 15.000 người.

Ngược lại, trong số dân ở độ tuổi 20 rời bỏ quê hương thì khu vực Gyeongnam có số lượng dân số rời đi lớn nhất với 105.000 người. Tiếp theo là Gyeongbuk (-90.000), Jeonnam (-76.000), Jeonbuk (-76.000), Daegu (-66.000), Busan (-55.000), Gwangju (-3.400 người).

Trong số các tỉnh/thành phố ngoài khu vực vùng thủ đô, Sejong (34.000 người) là nơi duy nhất ghi nhận có dân số du nhập ròng.

Ý kiến của nhiều chuyên gia đã chỉ ra một số lý do chủ yếu khiến những người ở độ tuổi 20 'ùn ùn' chuyển đến khu vực vùng thủ đô là để học tập và làm việc. 

Ttong một báo cáo gần đây có tiêu đề 'Di chuyển dân số liên vùng và kinh tế khu vực' do Ngân hàng Hàn Quốc công bố cho biết các yếu tố di chuyển của thanh niên thường có liên quan đến tỷ lệ việc làm, tốc độ tăng trưởng kinh tế, v.v. 

Kể từ năm 2015, khoảng cách về tiền lương, tỷ lệ việc làm và tốc độ tăng trưởng kinh tế giữa khu vực vùng thủ đô và các khu vực còn lại đang ngày càng mở rộng, dẫn đến sự gia tăng đáng kể dòng người di cư từ các khu vực phi đô thị tới đây. Do cơ cấu kinh tế của Hàn Quốc tập trung vào vùng thủ đô nên cũng dẫn đến khoảng cách rất lớn trong phân bổ nguồn lực hạ tầng y tế giữa các địa phương và thành phố.

Tính đến quý III năm nay, lượng người trong độ tuổi 20 di cư về khu vực vùng thủ đô là 47.000 người. Cụ thể 40.000 người đến Seoul, 5.000 người đến Gyeonggi và 2.000 người đến Incheon. Tại khu vực ngoài đô thị, hiện có Daejeon (2.000 người) và Sejong (200 người) ghi nhận dòng nhập cư ròng. Ngược lại, các tỉnh thành như Gyeongnam (-12.000 người), Gyeongbuk (-7.000 người), Daegu (-6.000 người) và Jeonnam (-5.000 người) lại cho thấy lượng dân số rời đi lớn hơn so với người nhập cư vào.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기