Đời sống Xã hội

Xu hướng tiêu dùng hợp lý góp phần thúc đẩy quy mô giao dịch của thị trường quần áo cũ tại Hàn Quốc

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:17 13-11-2023
Trong bối cảnh lạm phát cao ở Hàn Quốc, mức tiêu thụ các sản phẩm quần áo mới đang có dấu hiệu chững lại, ngược lại quy mô của thị trường quần áo cũ lại tiếp tục được mở rộng. Khi khái niệm tiêu dùng hợp lý tiếp tục lan rộng trong thế hệ trẻ Hàn Quốc, các chuyên gia cũng đưa ra dự đoán thị trường quần áo cũ tại quốc gia này ​​sẽ còn duy trì mức tăng trưởng tích cực.

 
Nhân viên của Kolon FnC OLO Relay Market đang kiểm tra sản phẩm trước khi đem bán lại ẢnhKolon FnC
Nhân viên của Kolon FnC 'OLO Relay Market' đang kiểm tra sản phẩm trước khi đem bán lại. [Ảnh=Kolon FnC]
Mới đây, dữ liệu do Cổng thống kê quốc gia (KOSIS) của Cục Thống kê Hàn Quốc công bố cho thấy chỉ số giá (price index) của lĩnh vực quần áo, giày dép trong tháng 10/2023 là 112,32, tăng 8,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng lớn nhất trong 31 năm 5 tháng kể từ tháng 5/1992 (8,3%).

Theo đó, tính đến tháng 9/2023, giao dịch mua sắm quần áo trực tuyến đạt 1.454,6 tỷ won (khoảng 1,09 tỷ USD), giảm 6,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức giảm lớn nhất kể từ năm 2017, khi số liệu thống kê liên quan được tổng hợp.

Ngược lại, số lượng người tiêu dùng mua quần áo qua giao dịch đồ cũ ngày càng tăng. 

Theo sàn giao dịch đồ cũ 'Bungaejangter' (hay gọi tắt là Bunjang) của Hàn Quốc, quy mô giao dịch quần áo cũ từ tháng 1~9 năm nay là 750 tỷ won (khoảng 565,8 triệu USD), tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái (680 tỷ won).

Theo phân tích, giá cả tăng cao đã kéo theo chi phí sinh hoạt gia tăng góp phần giúp cho các giao dịch trên thị trường đồ cũ bùng nổ hơn. 

Đối mặt với tình trạng tiêu thụ giảm do giá tăng, các sản phẩm cũ với giá bán thấp hơn ngày càng thu hút sự chú ý của người tiêu dùng, theo đó quy mô của thị trường quần áo cũ dự kiến ​​sẽ còn tăng thêm.

Trong bối cảnh đó, thời trang là một ngành công nghiệp đang thay đổi nhanh chóng, một số thương hiệu quần áo và công ty thương mại điện tử đã dần xuất hiện để đẩy nhanh sự hiện diện của mình trên thị trường thời trang cũ. 

Chẳng hạn như thương hiệu đồ thể thao Hàn Quốc Kolon đã quảng bá sản phẩm trên nền tảng quần áo cũ 'OLO Relay Market'. Đây là nền tảng mới được ra mắt vào tháng 7/2022, chuyên bán quần áo cũ của các thương hiệu của tập đoàn như Kolon Industries FnC, Kolon Sports và Lucky Chouette. 

Đây được cho là một chiến lược theo đuổi thời trang bền vững, không chỉ bảo vệ môi trường mà còn thu hút được tầng lớp người tiêu dùng ưa thích mua sắm các sản phẩm cũ.

Một quan chức của Kolon FnC cho biết, "Thông qua OLO Relay Market, chúng tôi đã mua lại khoảng 12.000 bộ quần áo từ khách hàng. Gần 80% số sản phẩm này đã được bán lại".

Vào tháng 10 vừa qua, 'Sold Out' (chuyên bán các sản phẩm giới hạn) được vận hành bởi Musinsa, một trong những nền tảng thời trang lớn nhất Hàn Quốc, cũng đã cho ra mắt thêm dịch vụ mua bán giày thể thao đã qua sử dụng. Phạm vi dịch vụ giao dịch ngang hàng (C2C), trước đây chỉ cho phép giao dịch với các sản phẩm mới, nay đã được mở rộng sang cả hàng hóa đã qua sử dụng. Để tăng độ tin cậy của sản phẩm, Sold Out không chỉ chịu trách nhiệm môi giới sản phẩm mà còn đảm nhận khâu kiểm tra, chăm sóc và giao hàng.

Nền tảng giao dịch hàng xa xỉ Trenbe cũng hợp tác với 'OOAh luxe' (một cửa hàng chuyên bán hàng xa xỉ trên sàn thương mại điện tử '11street') và đang giới thiệu khoảng 5.000 mặt hàng xa xỉ đã qua sử dụng tại đây.

Một quan chức trong ngành liên quan cho biết "Với những thay đổi trong quan niệm tiêu dùng, người dân đang dần nhận ra lợi ích của quần áo cũ, cùng với đó thị trường quần áo cũ mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn đa dạng hơn. Thị trường quần áo cũ đang dần trưởng thành với quy mô không ngừng được mở rộng".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기