Đời sống Xã hội

Hơn 10.000 won cho 1 bữa trưa…Dân văn phòng Hàn Quốc "quay đầu" lựa chọn mang cơm đi làm

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)16:52 21-11-2023
Hiện tượng "lạm phát bữa trưa" (lunchflation, được ghép bởi 2 từ 'lunch': bữa trưa và 'inflation': lạm phát) tại Hàn Quốc đang ngày một nghiêm trọng hơn do giá cả liên tục tăng cao trong thời gian dài. Theo đó, không ít nhân viên văn phòng thay vì ra ngoài hàng quán để ăn trưa như trước kia thì đã quyết định chọn cách mang/mua cơm hộp để ăn trưa nhằm tiết kiệm chi phí. 

 
AnhGetty Images Bank
[Anh=Getty Images Bank]
Seo (29 tuổi), nhân viên văn phòng tại một công ty gần Gwanghwamun, Seoul cho biết: "Càng gần cuối năm, gánh nặng tài chính của tôi càng tăng nên tôi quyết định cắt giảm chi phí bữa trưa. Trước đây, tôi thường hay chọn những món ăn ngon dù cho giá có hơi đắt một chút, tuy nhiên thời gian gần đây tôi thậm chí còn đăng ký các trang YouTube dạy cách làm hộp cơm trưa để có thể tự nấu và mang đi. Trong trường hợp không kịp chuẩn bị, tôi sẽ mua cơm hộp ở cửa hàng tiện lợi".

Trưa ngày 20, nhiều cửa hàng tiện lợi ở khu Gwanghwamun của Seoul đã nhanh chóng hết sạch các suất cơm hộp, cơm cuộn rong biển (gimbap) và gimbap tam giác.

Chủ một cửa hàng tiện lợi ở khu vực này cho biết "Mỗi ngày chúng tôi nhập khoảng 100 sản phẩm đồ ăn tiện lợi và đều bán hết. Có rất nhiều sản phẩm nếu đến trưa mới mua thì sẽ không còn nên nhiều khách hàng sẽ mua từ sáng, trước khi vào làm".

Gánh nặng giá cả khi đi ăn ở ngoài cũng không ngừng gia tăng.

Giá gimbap và cơm trộn (bibimbap) vốn được coi là bữa ăn tiêu biểu cho người bình dân gần đây cũng đã tăng giá so với tháng 1 vừa qua với giá trung bình lần lượt là 3.254 won (khoảng 61.000 VNĐ) và 10.577 won (khoảng 198.000 VNĐ).

Theo 'Xu hướng kinh tế khu vực quý III và quý IV năm 2023' do Cục Thống kê Hàn Quốc công bố vào ngày này, lạm phát trên toàn quốc trong quý III và IV năm nay tăng 3,1% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó Seoul là kh vực đứng đầu (3,7%) có giá tăng cao hơn mức trung bình toàn quốc.

Đặc biệt, theo phân tích dữ liệu thẻ của KB Kookmin Card tại các khu vực kinh doanh lớn, khu vực mà nhân viên văn phòng phải trả chi phí đắt nhất cho bữa trưa trong nửa đầu năm nay là Gwanghwamun (16.000 won, tương đương khoảng 300.000 VNĐ). Trong số các khu vực có mức chi tiêu cho bữa trưa trung bình 1 người/tháng cao nhất thì Gwanghwamun cũng xếp thứ hai (sau Gangnam), tăng khoảng 1.300 won (12%) so với năm 2019.

Tuy nhiên, việc ăn trưa mỗi ngày bằng đồ ăn ở cửa hàng tiện lợi cũng khiến cho nhiều người lo lắng về vấn đề sức khỏe vì sợ đồ ăn không đầy đủ dưỡng chất.

Điều này đã giúp thúc đẩy số người tự làm hộp cơm trưa ngày càng tăng lên.

Trên YouTube, các video với từ khóa như 'làm hộp cơm trưa cho nhân viên văn phòng' xuất hiện với tần suất dày đặc. Chẳng hạn như tính đến ngày 20/11, video có tiêu đề "Các hộp cơm trưa tiết kiệm (도시락으로 식비 절약하는 직장인 부부의 점심 도시락 모음)" đã có 1,99 triệu lượt xem; video có tựa đề "20.000 won cho 1 tuần! Tiết kiệm tiền ăn bằng hộp cơm trưa (도시락으로 식비 절약하는 직장인 부부의 점심 도시락 모음)" cũng đã đạt 1,01 triệu lượt xem.

Jeon (30 tuổi), nhân viên văn phòng làm việc tại một công ty gần ga Gwanghwamun, cho biết: "Tại các quán ăn gần văn phòng, một bữa ăn có giá hơn 10.000 won nên tôi đã nấu cơm trưa và mang theo. Còn nếu muốn ăn ngon thì chi phí cho bữa trưa có khi lên tới 20.000 won. Hiện tại tôi rất hài lòng với việc tự nấu và mang cơm hộp đi ăn".

Park (33 tuổi), nhân viên văn phòng, cũng cho biết: "Tôi tthường mua những nguyên liệu như xà lách, ớt chuông, ức gà ở siêu thị sau đó nấu từ nhà rồi mang đi làm. Thật tiện lợi vì chỉ cần đi chợ 1 lần nhưng chuẩn bị được cả bữa trưa cho cả 1 tuần. Cũng có đôi khi tôi thấy ngán nhưng tôi vẫn ăn thường xuyên vì nghĩ rằng như (thế này) tốt cho sức khỏe".

Doanh số bán các sản phẩm liên quan cũng tăng nhanh do sự quan tâm của những người lựa chọn tự chuẩn bị hộp cơm trưa.

Interpark Shopping thông báo rằng từ ngày 1/8~3/11 này, doanh số bán các mặt hàng liên quan đến hộp cơm trưa như hộp và túi đựng hộp cơm trưa, túi cách nhiệt và giữ nhiệt, cốc uống nước đã tăng 72% so với cùng kỳ năm ngoái.

Một quan chức của Interpark Commerce giải thích: "Có vẻ như số lượng nhân viên văn phòng ăn bữa trưa đóng hộp đã tăng lên đáng kể do giá cả tăng đến mức khó tìm được thực đơn bữa trưa có thể mua được với giá 10.000 won".

Các chuyên gia dự đoán rằng sự gia tăng số lượng nhân viên chọn cơm hộp cho bữa trưa sẽ tiếp tục trong thời gian tới.

Lee Eun-hee, giáo sư nghiên cứu người tiêu dùng tại Đại học Inha, cho biết: "Vì cuối năm và gánh nặng chi tiêu của nhân viên văn phòng lớn hơn nên hiện tượng hạn chế đi ăn ngoài và cố gắng tìm giải pháp thay thế sẽ tiếp tục diễn ra".

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기