Đời sống Xã hội

Tổng thời gian người Hàn Quốc sử dụng Youtube trong 1 tháng vượt 100 tỷ phút…Lo lắng với nguy cơ "ngộ độc dopamine"

Hoàng Phương Ly (lyhoang215@ajunews.com)17:22 15-01-2024
Kết quả một thống kê gần đây cho thấy thế hệ trẻ Hàn Quốc ngày càng yêu thích các video ngắn. Nhưng một số người lo lắng rằng việc quá ham mê với đoạn video ngắn đầy kích thích này có thể dẫn đến "ngộ độc dopamine".
 
ẢnhYoutube
[Ảnh=Youtube]
Một cuộc khảo sát do Wiseapp·Retail·Goods, nhà cung cấp dịch vụ phân tích bán lẻ và ứng dụng di động Hàn Quốc công bố gần đây cho thấy chỉ tính riêng trong tháng 10/2023, người Hàn Quốc đã dành tổng cộng 104,4 tỷ phút (tương đương khoảng 198,5 năm) để sử dụng trang web YouTube. Con số này đã tăng gấp 3 lần chỉ sau 5 năm từ cột mốc 39,5 tỷ phút vào năm 2018.

Đáng chú ý, trong năm 2023 có tổng cộng 5 tháng trong đó tổng thời gian sử dụng ứng dụng Youtube của người Hàn Quốc vượt quá 100 tỷ phút bao gồm tháng 1 (101,5 tỷ phút), tháng 5 (102,2 tỷ phút), tháng 7 (103,3 tỷ phút), tháng 8 (106,8 tỷ phút) và tháng 10 (104,4 tỷ phút). Hiện trạng này được các chuyên gia nhận định là kết quả của 'Shorts', một dịch vụ phát video dạng ngắn, thường chỉ dài 30 giây đến 1 phút.

Ngoài Youtube, thời gian sử dụng ứng dụng Instagram và TikTok trong năm 2023 cũng tăng lần lượt 262% và 191% so với năm 2020.

Phân tích tin rằng nội dung video ngắn có tác động đáng kể đến việc tăng thời gian sử dụng ứng dụng.

Theo cuộc khảo sát được thực hiện vào năm ngoái bởi Mezzomedia, một công ty tiếp thị kỹ thuật số trực thuộc CJ ENM, cho thấy người dùng trong nhóm tuổi thanh thiếu niên (10~19 tuổi) tại Hàn Quốc dành trung bình 63 phút để xem các video ngắn mỗi ngày, cao hơn gấp đôi thời gian sử dụng trung bình của mọi nhóm tuổi (35 phút).

Điều đáng chú ý là việc thường xuyên xem các video ngắn có thể gây "ngộ độc dopamine".

Dopamine là chất dẫn truyền thần kinh có tác dụng truyền tải thông tin vui vẻ, phấn khích; khi xem các video, hình ảnh có sự kích thích, não sẽ tiết ra dopamine. Tuy nhiên, khả năng chịu đựng loại kích thích này tăng lên sẽ khiến cho người dùng cần những kích thích mạnh mẽ hơn và trong trường hợp này, niềm vui từ các hoạt động hàng ngày khác sẽ giảm đi, từ đó gây ra các vấn đề về sức khỏe tâm thần như trầm cảm và lo âu.

Về vấn đề này, việc "cai nghiện kỹ thuật số" cũng đã thu hút được sự chú ý rộng rãi. "Cai nghiện kỹ thuật số" có nghĩa là hạn chế tối đa việc sử dụng các thiết bị công nghệ như điện thoại thông minh, tivi, máy tính, máy tính bảng và mạng xã hội trong một khoảng thời gian. 

Phân tích dữ liệu của nhà cung cấp dịch vụ Internet NHN của Hàn Quốc cho thấy số lượt cài đặt "ứng dụng cai nghiện kỹ thuật số" dùng để hạn chế sử dụng điện thoại thông minh đã tăng 64% trong quý I năm ngoái so với quý IV.

© Bản quyền thuộc về Thời báo Kinh tế AJU & www.ajunews.com:
Việc sử dụng các nội dung đăng tải trên www.vietnam.ajunews.com phải có sự đồng ý bằng văn bản của Aju News Corporation.

기사 이미지 확대 보기
닫기